Những điểm mới trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

( PHUNUTODAY ) - Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) gồm 12 chương, 121 điều đã được Quốc hội thông qua, bắt đầu có hiệu lực từ tháng 1/2023, có nhiều điểm mới đáng quan tâm.

Những quy định mới này nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, được các cơ sở y tế đánh giá cao.

Tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho bệnh viện

Phó giám đốc phụ trách Sở Y tế Lê Quang Trung cho biết, thời gian qua, hầu hết các bệnh viện công lập hoạt động theo cơ chế tự chủ một phần gặp nhiều khó khăn về tài chính do không được tự quyết giá các dịch vụ khám, chữa bệnh (KCB) mà phải thực hiện theo khung giá do Bộ Y tế quy định. Giá dịch vụ KCB không được tính đúng, tính đủ gây ảnh hưởng đến nguồn thu và hoạt động của bệnh viện. Mặc dù mang tiếng là tự chủ nhưng các bệnh viện lại không được tự quyết định nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến nhân sự, tài chính…, gây bức xúc không nhỏ.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) quy định về quyền, nghĩa vụ của người bệnh, người hành nghề KCB, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; chuyên môn kỹ thuật trong KCB; KCB bằng y học cổ truyền và kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại; KCB nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận; chuyển giao kỹ thuật chuyên môn về KCB; áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới và thử nghiệm lâm sàng; sai sót chuyên môn kỹ thuật; điều kiện bảo đảm hoạt động KCB; huy động, điều động nguồn lực phục vụ công tác KCB trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A và tình trạng khẩn cấp.

Sau một thời gian dài tiếp thu ý kiến từ các cơ sở y tế, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã có những quy định mới, trao quyền tự quyết nhiều hơn cho các bệnh viện.

Theo đó, luật quy định cơ sở KCB của Nhà nước được Nhà nước bảo đảm kinh phí để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao; được tự chủ trong quyết định về tổ chức và nhân sự, thực hiện nhiệm vụ, phát triển các hoạt động chuyên môn, các hoạt động khác phục vụ KCB theo quy định của luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Đồng thời, cho phép các cơ sở KCB của Nhà nước được tự chủ trong quyết định nội dung thu, mức thu của các dịch vụ, hàng hóa liên quan đến hoạt động KCB, phục vụ người bệnh, thân nhân của người bệnh, trừ giá dịch vụ KCB.

Bệnh viện được tự chủ trong quyết định nội dung chi, đặc biệt là trong quyết định sử dụng nguồn thu hợp pháp để đầu tư cho các dự án thực hiện hoạt động KCB. Riêng cơ sở KCB tự bảo đảm chi đầu tư và chi thường xuyên được quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh nhưng không vượt quá giá dịch vụ KCB do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.

Về giá dịch vụ KCB, luật này quy định giá KCB đối với cơ sở KCB của Nhà nước bảo đảm được tính đúng, tính đủ theo lộ trình do Chính phủ quy định để bù đắp chi phí thực hiện KCB và có tích lũy.

Bộ Y tế quy định phương pháp định giá và giá cụ thể cho người có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) và người không có thẻ BHYT đối với cơ sở KCB thuộc Bộ Y tế và các bộ, ngành. HĐND cấp tỉnh sẽ quy định giá cho người có thẻ BHYT và người không có thẻ BHYT đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý.

Cơ sở KCB của Nhà nước được quyền tự quyết định giá khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu. Cơ sở KCB của tư nhân tự quyết định giá dịch vụ KCB tại cơ sở. Các cơ sở KCB phải niêm yết công khai giá dịch vụ KCB.

Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai Lê Thị Phương Trâm cho hay, so với Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, Luật sửa đổi lần này đã chỉ rõ các yếu tố cấu thành giá dịch vụ KCB như: nhân công, thuốc, hóa chất, khấu hao thiết bị y tế, quản lý, duy tu, bảo dưỡng thiết bị y tế... Điều này sẽ cho phép các bệnh viện tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, không còn gặp khó khăn như trước đây.

Đến nay, ngành Y tế Đồng Nai có 5 đơn vị thực hiện tự chủ hoàn toàn chi thường xuyên gồm: Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai và Bệnh viện Đa khoa khu vực Định Quán.

Cấp giấy phép hành nghề 5 năm/lần

Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) quy định thời gian cấp giấy phép hành nghề định kỳ là 5 năm/lần. Điều này đặt ra yêu cầu cán bộ y tế phải thường xuyên cập nhật kiến thức của mình để phục vụ người bệnh tốt nhất.

Để giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực tại một số chuyên khoa, Điều 105 Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) quy định có chính sách khuyến khích, động viên người học các chuyên ngành: tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu.

Cụ thể, nếu sinh viên theo học tại các cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe của Nhà nước sẽ được hỗ trợ 100% học phí và hỗ trợ chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học đối với người học một trong các chuyên ngành nêu trên. Hỗ trợ tiền đóng học phí và hỗ trợ chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học đối với người học một trong các chuyên ngành: tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu tương ứng nếu học tại các cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe của tư nhân.

Cũng trong luật sửa đổi lần này, lần đầu tiên luật hóa Hội đồng Y khoa quốc gia tại Điều 25. Hội đồng Y khoa quốc gia là tổ chức do Chính phủ thành lập, có chức năng đánh giá độc lập năng lực hành nghề KCB. Hội đồng này có nhiệm vụ xây dựng, ban hành bộ công cụ và tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề KCB; tiếp nhận, giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo về kết quả kiểm tra đánh giá… Đây là mô hình đầu tiên có tại Việt Nam.

Theo:  xevathethao.vn copy link