Những điều nên lưu ý khi cho bé bú bình

10:10, Thứ hai 13/01/2014

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Cho bé bú với tư thế nào là đúng, có nên tiệt trùng bình sữa bằng lò vi sóng hay không? Pha sữa như thế nào?... là những vấn đề mà nhiều bà mẹ còn chưa năm rõ. Dưới đây là những lưu với khi cho trẻ bú bình , các mẹ mới có con lần đầu nên nhớ nha!

Nên dùng bình nhựa hay bình thủy tinh?

Điều này đôi khi không phải là bạn chọn mà là con chọn. Bé có thể thích một loại bình nào đó. Một số điều bạn cần xem xét khi lựa chọn là: bình nhựa nhẹ hơn bình thủy tinh và không dễ vỡ nhưng bình thủy tinh thường bền hơn (trừ trường hợp bị rơi vỡ).

Trước đây, một số phụ huynh chọn bình thủy tinh để tránh hóa chất BPA có trong một số bình nhựa (chất BPA làm cho hệ sinh dục và não của động vật sơ sinh phát triển bất thường). Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết các bình nhựa đều làm bằng nhựa PP được kiểm định an toàn nên có thể yên tâm. Vì thế, cần lựa chọn bình không chứa BPA.

Núm vú

Hầu hết các núm vú được làm bằng silicon hoặc cao su và có nhiều hình dạng khác nhau. Chúng có thể có tốc độ dòng chảy khác nhau, phụ thuộc vào kích thước lỗ núm vú. Bạn có thể thử vài loại để biết cái nào con thích nhất. Nên kiểm tra thường xuyên núm vú xem có các dấu hiệu mài mòn hoặc nứt nào không. Nên thay núm vú bình sữa khi bị mòn hay đổi màu.

Bú bình như bú mẹ

Đừng để bé và bạn có khoảng cách khi cho bé bú bình. Cần tạo nhiều sự tiếp xúc giữa bạn và bé bằng cách ẵm bé vào lòng khi bé bú bình đồng thời gọi hỏi bé bằng những âm thanh gần gũi. Điều này tạo sợi dây liên kết vô hình giữa bạn và bé.

Nếu bé khóc, bạn cần dỗ dành bé nín trước khi cho bé ăn. Khóc có thể là biểu hiện bé quá đói. Tốt hơn là bạn nên cho bé ăn trước khi bé khóc vì đói. Biểu hiện của việc bé thèm ăn là bé ngọ nguậy tay chân, mở miệng, chóp chép miệng và quờ tay hoặc tóm lấy bất cứ vật gì cho vào miệng.

Cách bế bé bú bình

Cho bé đeo yếm hay khăn để sữa không dây vào quần áo. Bế bé lên sao cho phần đầu ở cao hơn phần cơ thể còn lại. Đưa bình sữa cho bé bú và quan sát bé ăn. Việc quan sát này giúp bạn biết khi nào bé ăn hết và tránh con có thể bị sặc. Nếu bé ăn chậm, nên thử giúp bé ợ hơi trước đó.

Cách giúp bé ợ hơi

Nếu bé cần ợ hơi khi đang ăn hoặc sau khi ăn, hãy bế bé vào lòng hoặc bế bé dựa vào vai bạn. Nhẹ nhàng xoa hay vỗ lưng bé. Bạn cũng có thể đặt bé nằm lên đùi mình, nâng đầu con và vỗ nhẹ lưng. Bé có thể sẽ trớ ra một ít sữa, vì thế nên lót một tấm khăn mỏng. Nếu bé không ợ hơi sau vài phút nhưng có vẻ thoải mái, đừng lo lắng. Không phải tất cả trẻ đều phải ợ hơi sau mỗi lần ăn.

Chọn nơi yên tĩnh để cho bé bú bình

Để bé hấp thu hết chất dinh dưỡng từ sữa, thời gian cho bé ăn là một yếu tố khá quan trọng. Tiếng ồn làm bé không tập trung vào việc ăn. Điều này cũng không có nghĩa là bạn không được cho bé bú bình ở nơi đông người. Nhưng ở nhà, bạn nên tắt TV và không trả lời điện thoại.

Vuốt lưng cho em bé hết trớ

Nếu bé bị trớ sữa, đó không phải là do bé dị ứng với sữa mà vì bé nuốt quá nhiều không khí. Để tránh tình trạng này, bạn nên cho bé uống một chút nước, nó sẽ khiến cho không khí bị đẩy ra ngoài và cũng tránh cho bé bị đầy hơi. Ngoài ra, bạn có thể vuốt lưng để giúp bé hết trớ. Cách vuốt lưng: Bế bé nửa nằm nửa ngồi, một tay đỡ ngực và bụng bé, tay kia vuốt lưng bé từ trên xuống dưới.

Lúc nào cần đổi sữa công thức

Nếu bé bị nôn trớ nhiều hoặc quấy khóc, bạn có thể nghĩ tới lỗi của sữa công thức. Đôi khi, bé có thể bị dị ứng và có các triệu chứng như ói mửa, tiêu chảy hay da khô đỏ. Nếu bạn thấy điều này, hãy xin tư vấn của bác sĩ. Chuyên gia sẽ khuyên bạn đổi sữa và có thể tư vấn loại nào phù hợp với bé. Trong trường hợp này, bạn đừng tự ý đổi sữa mà không hỏi ý kiến bác sĩ.

Bảo quản sữa 

Nếu bé bú sữa công thức không hết thì phần còn lại trong chai không nên để đó cho bé dùng tiếp. Nếu là sữa công thức dạng nước đã mở nắp thì cần ngay lập tức cho vào tủ lạnh và sử dụng trong vòng 48 giờ. Nếu bạn pha sữa công thức từ sữa bột, có thể trữ 24 giờ trong tủ lạnh.

Nếu sữa công thức để bên ngoài 2 giờ, nên đổ bỏ. Nên pha lượng sữa vừa đủ, đừng pha quá nhiều và để dành. Sữa mẹ có thể cất trong tủ lạnh trong vòng 7 ngày hoặc nên cấp đông để giữ được 3 tháng nếu điều kiện cấp đông đảm bảo ở 0 độ.

Không dùng lò vi sóng

Mùa đông, nếu pha sữa bị lạnh, bạn muốn làm nóng sữa liền nghĩ ngay tới lò vi sóng. Điều này không tốt chút nào đặc biệt khi bạn sử dụng bình sữa bằng nhựa. Nếu muốn hâm nóng, bạn nên đun nước sôi và đổ ra bát và nhúng bình sữa vào.

Bé sẽ không bú nữa khi bé no

Bé tự biết khi nào bé no cho nên bạn không nên cố ép bé bú hết bình sữa. Rất nhiều bé có vấn đề về cân nặng vì được cho bồi bổ quá nhiều. Bạn nên đọc được dấu hiệu khi nào bé no khi nào bé đói để duy trì mức cân nặng hợp lí cho bé.

Pha sữa đúng cách

Pha sai lượng sữa và nước sẽ khiến cho việc hấp thu dinh dưỡng của bé gặp rắc rối. Vì thế cần làm theo hướng dẫn đã ghi trên vỏ hộp sữa và dùng nước không florua để pha sữa. Quá nhiều khoáng chất có thể làm mất màu răng của bé. Chỉ pha lượng sữa vừa đủ cho một lần ăn. Không nên pha sẵn rồi trữ kể cả trong tủ lạnh.

Để tránh bị mất nhiều thời gian vào ban đêm, trước khi đi ngủ, bạn nên để sẵn sữa, nước, bình trên bàn cạnh giường. Khi bé thức dậy đòi ăn thì bạn lấy đồ đó pha cho nhanh, không cần lịch kịch xuống bếp nữa.

Không cho bé vừa nằm cũi ngủ vừa bú bình

Dù cho bé chưa mọc răng nhưng bé vừa ngủ vừa bú bình sữa hoặc nước ép hoa quả cũng dẫn tới sâu răng về sau và có thể gặp một số rắc rối tiềm tàng. Để hạn chế tình trạng này, bạn nên cho bé ăn trước giờ bé đi ngủ.

Vừa cho bé bú bình vừa cho bú sữa mẹ

Rất nhiều bà mẹ vừa cho con bú bình vừa cho con bú sữa mẹ. Sữa mẹ vài tháng sau sinh có thể giảm về lượng nhưng vẫn là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho bé. Bạn không nên bỏ phí nó.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Cao Thị Thủy