Theo đông y, rau muống tính hơi lạnh (tính này giảm khi nấu chín), có tính nhuận tràng nhẹ. Theo sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS Đỗ Tất Lợi, rau muống được xếp vào nhóm thuốc điều trị bệnh tiêu hóa, lợi mật, điều trị vàng da và bệnh gan. Do giàu sắt, rau muống tốt cho người thiếu máu, phụ nữ mang thai.
Rau muống chứa nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe như nhiều chất xơ, protein, canxi, sắt, vitamin A và vitamin C, threonin, valin, leucin..., tốt cho những người kém ăn, thiếu chất đạm, phòng và hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường nhờ tác dụng hạ đường huyết.
Tuy nhiên, có những người không nên ăn rau muống, bao gồm:
Người bị mắc bệnh gout, thận hoặc huyết áp cao
Những người mắc chứng gout, viêm nhiễm đường tiết niệu do sỏi thận, người huyết áp cao mà ăn rau muống sẽ làm tình trạng bệnh càng thêm nghiêm trọng hơn.
Người bị bệnh về xương khớp
Ngoài ra, những người mắc các bệnh về xương khớp cũng nên kiêng kỵ rau muống vì chúng có thể khiến chỗ viêm càng thêm đau nhức hơn.
Những người có vết thương hở
Những người có vết thương hở, đang điều trị nội khoa, ngoại khoa cũng không nên ăn rau muống. Vì rau muống có thể kích thích tăng sinh tế bào gây sẹo lồi trên da.
Nhừng người đang uống thuốc Đông y
Ngoài ra những người có cơ thể yếu, đang uống thuốc Đông y cũng nên hạn chế ăn rau muống. Vì loại rau này sẽ làm giảm tác dụng chữa bệnh của thuốc.
Người có hệ tiêu hóa kém
Đặc biệt, những người có bụng dạ yếu càng không nên ăn rau muống vì chúng thường chứa rất nhiều ký sinh trùng vì được trồng ở dưới ao hồ. Những đối tượng này mà ăn phải rau muống sống, chưa được rửa sạch sẽ thì rất dễ bị đau bụng, khó tiêu, dị ứng.