Những phương thuốc tự nhiên giúp xua tan triệu chứng mang thai

19:00, Thứ bảy 28/05/2016

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Bạn đang bị ốm nghén, trĩ, táo bón, đau đầu và chứng ợ nóng hành hạ? Bạn sợ uống thuốc sẽ ảnh hưởng đến em bé trong bụng?

Khi mang thai, chị em thường gặp phải các triệu chứng như buồn nôn, đau đầu, trĩ, táo bón và ợ nóng. Cảm giác khó chịu do những triệu chứng này mang lại đôi khi khiến bạn chẳng còn hứng thú với việc mình sắp chào đón một sinh linh bé nhỏ nữa. Rất may, hàng triệu phụ nữ đã khắc phục được vấn đề trên nhờ vào những phương thuốc thiên nhiên cực kì an toàn cho sức khỏe. Trong số những gợi ý dưới đây, chắc hẳn ít nhất một gợi ý sẽ có tác dụng với bạn. Cần lưu ý rằng bạn phải hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng bất kì loại thảo dược nào khác ngoài những loại được liệt kê bên dưới bởi một số loại thảo dược không hề an toàn và hiệu quả như bạn vẫn tưởng.

Mô tả ảnh.
Gừng rất tốt trong việc chữa trị ốm nghén ở phụ nữ có thai.

 

I. ỐM NGHÉN

Gần 3/4 các mẹ bầu phải trải qua cảm giác buồn nôn hoặc bị nôn ói trong suốt thai kì. Tin tốt là ở đại đa số mẹ bầu, những triệu chứng này sẽ giảm dần khi bước vào giai đoạn giữa của thai kì. Hãy thử một số biện pháp dưới đây để cải thiện tình trạng ốm nghén của bạn:

Ăn một cách khôn ngoan: Thế nào được gọi là ăn khôn ngoan? Loại thực phẩm và thời điểm bạn ăn có ảnh hưởng lâu dài tới bạn. Thay vì ăn bữa lớn và dùng đồ đóng gói sẵn, bạn hãy ăn những món nhẹ nhàng và dễ tiêu hóa, kết hợp những loại thực phẩm giàu đạm và dưỡng chất (một ly sữa ấm, một thanh phô mai hay một cốc sữa chua) với những loại thực phẩm giàu cacbon hydrat (như bánh quy giòn hoặc bánh mì nướng). Bên cạnh đó, bạn cũng cần phải tránh xa những đồ ăn mặn, cay và có hàm lượng chất béo cao.

Tăng cường bổ sung nước cho cơ thể: Uống nước giữa các bữa ăn tốt hơn khi uống nước trong lúc đang ăn bởi uống nước trong lúc đang ăn sẽ khiến bạn bị đầy bụng. Uống một cốc nước đá, nước soda, nước khoáng xenxe, rượu gừng, bia gừng hoặc trà gừng sẽ làm giảm cơn buồn nôn của bạn.

Ngậm kẹo chua hoặc kẹo bạc hà: Những vị kẹo này sẽ giúp bạn xoa dịu cơn buồn nôn.

Dự trữ gừng trong nhà: Hoạt chất gingerol có trong củ gừng có đặc tính kháng viêm, giúp trung hòa axit trong dạ dày. Theo khuyến cáo của Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ ACOG, những mẹ bầu bị ốm nghén nên dùng khoảng 250g gừng mỗi buổi sáng và ngay trước khi đi ngủ. Bạn có thể bỏ gừng tươi vào súp hoặc salad, thả vào cốc nước nóng làm trà gừng hoặc ăn tinh bột gừng.

Tăng lượng vitamin B6: Vitamin B6 rất cần thiết cho mẹ bầu, làm giảm triệu chứng ốm nghén đầu thai kì (thường kết hợp với thuốc kháng histamine). Vì thế, bạn hãy xin tư vấn của bác sĩ về việc sử dụng các loại thực phẩm chức năng bổ sung vitamin B6.

Sử dụng vòng đeo tay chống ốm nghén: Sản phẩm này hiện có bày bán tại các hiệu thuốc, rất tiện để các mẹ lựa chọn. Cơ chế của loại vòng này là kích thích các huyệt trên cổ tay và chống lại cảm giác buồn nôn.

Châm cứu: Một số nghiên cứu chỉ ra rằng châm cứu không chỉ làm giảm các triệu chứng ốm nghén mà còn giúp bạn cải thiện tâm trạng, đẩy lùi các cơn đau đầu, đau lưng và khiến bạn tràn đầy năng lượng. Bạn nên tìm đến những địa chỉ châm cứu uy tín vì một số huyệt vị, đặc biệt là trên bàn chân khi bị kích thích có thể gây co thắt tử cung và thúc chuyển dạ.

Sử dụng tinh dầu thơm: Khứu giác ảnh hưởng nhiều tới vị giác. Ngửi một số mùi hương an toàn cho phụ nữ mang thai như bạc hà, chanh hay gừng được chứng minh là có tác dụng giảm bớt cảm giác buồn nôn.

Thư giãn đầu óc: Hít thở sâu, ngồi thiền hoặc tập yoga là những cách hữu hiệu để giảm căng thẳng trước khi sinh.

Nếu không có biện pháp nào kể trên hợp với bạn, hãy báo cho bác sĩ để được kê một số loại thuốc kháng sinh an toàn. Trong trường hợp ốm nghén nghiêm trọng, có thể bạn sẽ phải nhập viện để truyền dịch qua tĩnh mạch.

 

II. TRĨ VÀ TÁO BÓN

Khi mang thai, đặc biệt là trong giai đoạn 3 tháng cuối thai kì, tử cung mở rộng kích thước, chèn ép lên khung xương chậu, tĩnh mạch ở phần dưới trực tràng và hậu môn sưng trướng lên (hay còn gọi là bệnh trĩ), khiến mẹ bầu đau đớn. Táo bón là một chứng bệnh rất phổ biến ở các mẹ bầu, là nguyên nhân gây ra hoặc làm trầm trọng hơn bệnh trĩ. Bạn hãy thử các cách sau để giảm bớt đau đớn do trĩ gây ra:

Bổ sung chất xơ: Bổ sung chất xơ là cách ngăn ngừa bệnh trĩ tận gốc. Những thực phẩm giàu chất xơ tốt cho mẹ bầu có thể kể đến như rau, củ, quả, hạt lanh, nước ép mận, hạt Chia, ngũ cốc nguyên hạt và đậu.

Bổ sung nước: Uống nhiều nước để chống táo bón.

Ngâm mình trong nước: Ngâm mình trong nước ấm khoảng 10-15 phút, mỗi ngày thực hiện vài lần, hoặc bạn chỉ cần ngâm hông và mông trong nước ấm (còn gọi là tắm sitz) để giảm đau hậu môn, rất tốt cho bệnh trĩ. Có một loại bồn tắm được thiết kế riêng cho kiểu tắm ngồi độc đáo này, rất vừa vặn với không gian nhà tắm, đơn giản hơn khi tắm bồn.

Đơn giản hóa vật dụng trong nhà tắm: Lựa chọn loại giấy vệ sinh trơn mịn, mềm mại, không mùi, không màu.

Giữ hậu môn thoáng mát, sạch sẽ: Bạn có thể dùng khăn ướt, gạc lạnh hoặc túi nước đá để chườm hậu môn.

Ngồi lên gối hình bánh donut (hình vòng tròn có một lỗ hổng ở giữa): Loại gối này có thể làm giảm bớt áp lực lên trực tràng.

Tập Kegel: Đây là bài tập thể dục dành cho vùng đáy xương chậu – khu vực bảo vệ cơ quan sinh dục, giúp ngăn chặn són tiểu và cải thiện quan hệ tình dục, đồng thời tăng cường lưu thông tới những khu vực bị ảnh hưởng bởi trĩ.

Dù không chữa trị được hoàn toàn nhưng những biện pháp trên sẽ giúp làm giảm bớt sự khó chịu do trĩ gây ra. Nếu chúng không có tác dụng như mong đợi, hãy đến nhờ bác sĩ kê đơn. Rất may là bệnh trĩ sẽ hết sau khi bạn sinh em bé.

 

III. ĐAU ĐẦU

Giống như các triệu chứng khác khi mang thai, đau đầu là hệ quả của thay đổi nội tiết tố, ngoài ra, mệt mỏi và đường máu dao động cũng là nguyên nhân khiến đầu bạn đau nhức. Để khắc phục chứng đau đầu, bạn nên ăn thường xuyên và chia thành các bữa nhỏ trong ngày, nghỉ ngơi đầy đủ, tránh làm mọi hành động có thể dẫn đến đau đầu và thử áp dụng những biện pháp sau đây:

Thư giãn: Hãy nằm nghỉ và đắp một miếng gạc mát lên trán.

Xoa bóp: Bạn có thể nhờ ông xã hoặc bạn bè mát-xa vùng vai và cổ cho bạn.

Hít thở sâu, tập yoga hoặc ngồi thiền.

Châm cứu: Nghiên cứu đã chỉ ra rằng châm cứu trong khi mang thai giúp giảm bớt đau đầu và những phụ nữ thường châm cứu cũng không hay phải dùng thuốc.

Nếu bạn đau đầu dữ dội hoặc đau kéo dài hơn 2-3 tiếng, hãy đến khám với bác sĩ ngay bởi đó có thể là biến chứng nguy hiểm khi mang thai.

 

IV. CHỨNG Ợ NÓNG

Khi tử cung ngày càng lớn sẽ đè ép lên dạ dày, khiến axit trong dạ dày trào ngược, khiến các mẹ bầu cảm thấy nóng rát ở cổ và ngực. Những gợi ý sau có thể giúp các mẹ bầu đẩy lùi chứng ợ nóng khó chịu này:

Tránh ợ nóng khi dùng bữa: Không dùng đồ uống có ga hoặc soda, thức ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ và cam quýt. Chia thành các bữa nhỏ trong ngày thay vì ăn một bữa lớn.

Nhai kẹo cao su không đường: Nhai kẹo cao su không đường sẽ kích thích tiết nước bọt giúp trung hòa axit (nhớ không được ăn kẹo bạc hà, vì nó có tính axit cao, không tốt cho dạ dày).

Nhâm nhi đồ uống nhẹ: Một cốc sữa ấm pha mật ong sẽ là lựa chọn tuyệt vời cho bạn.

Ngủ đúng cách: Bạn không nên đi ngủ ngay sau khi ăn mà phải đợi một khoảng thời gian, càng lâu càng tốt. Bên cạnh đó, đừng quên kê cao đầu khi ngủ, chú ý không nên kê quá cao.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link