Những thông tin mới nhất về phương án thi THPT quốc gia 2017

16:50, Thứ năm 29/09/2016

( PHUNUTODAY ) - Một trong những vấn đề đang được quan tâm nhất của Kỳ thi THPT Quốc gia 2017 là cách ra đề thi khi có tới 5 bài thi trắc nghiệm.

Chiều 28/9, Bộ GD&ĐT công bố phương án thi THPT quốc gia 2017. Về cơ bản, phương án thi THPT quốc gia 2017 giống dự thảo của Bộ GD&ĐT đưa ra trước đó.

Thí sinh sẽ thi 4 bài trắc nghiệm gồm Toán, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (tổ hợp Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (tổ hợp Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) đối với thí sinh hệ giáo dục THPT.

thi-tot-nghiep-8-phunutoday.vn

 Một trong những điểm mới trong kỳ thi THPT quốc gia 2017 là không bắt buộc thí sinh làm hết 3 môn đề tổ hợp.

Thi tổ hợp khác tổng hợp và tích hợp

Một trong những điểm khác biệt quan trọng của kỳ thi THPT quốc gia 2017 là việc hình thành các bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội.

Trong đó, học sinh giáo dục THPT thi 4 bài gồm: 3 bài thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một bài thi tự chọn trong bài thi Khoa học Tự nhiên hoặc bài thi Khoa học Xã hội.

Với bài thi Ngoại ngữ, thí sinh có thể chọn thi một trong các thứ tiếng: Anh, Nga, Pháp, Trung, Đức, Nhật. Thí sinh có thể dự thi cả 5 bài thi để sử dụng kết quả xét tuyển vào đại học và cao đẳng.

Học sinh hệ giáo dục thường xuyên thi 3 bài thi gồm: 2 bài thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn và một bài thi tự chọn giữa Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội. Thí sinh có thể chọn thi thêm bài thi Ngoại ngữ để xét tuyển vào cao đẳng, đại học nếu có nguyện vọng.

Các bài Toán, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Mỗi thí sinh trong cùng phòng thi có một mã đề thi riêng. Thí sinh làm bài thi trên phiếu trả lời trắc nghiệm. Phiếu này sẽ được chấm bằng phần mềm máy tính.

Theo lý giải của Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga, bài thi tổ hợp chỉ là sự thay đổi về kỹ thuật khi ghép ba môn thi riêng lại làm một. Đó không phải sự kết hợp kiến thức của các môn thi, đòi hỏi sự phức tạp hơn nhiều.

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT cũng cho biết sắp tới sẽ chuyển bài thi từ tổ hợp sang tổng hợp và tích hợp, phù hợp với đổi mới chương trình phổ thông.

Điểm liệt cho từng phần trong bài thi tổ hợp

Khác với những năm trước, điểm liệt được tính chung cho toàn bài thi. Nhưng với bài thi tổ hợp của kỳ thi THPT quốc gia 2017, điểm liệt của mỗi bài thi Khoa học xã hội, Khoa học tự nhiên và điểm liệt thành phần của mỗi môn thi trong bài thi tổ hợp là 1 điểm.

Như vậy, các trường cao đẳng, đại học có thể yêu cầu xét tuyển thí sinh theo khối A với bài thi Toán và điểm Vật lý, Hóa học (trong bài thi tổ hợp).

Trước băn khoăn về điểm liệt cho mỗi môn thi trong bài tổ hợp là 1 có phù hợp khi học sinh “đánh bừa” cũng có thể đạt 2,5 điểm, ông Mai Văn Trinh khẳng định mức điểm liệt như vậy là hợp lý, sau khi đã có những thống kê, nghiên cứu từ thực tế.

Đề thi khác với kỳ thi Đánh giá năng lực

Bộ GD&ĐT cho biết đã bắt đầu triển khai việc tập hợp lực lượng gồm các nhà khoa học, các thầy giáo có nhiều kinh nghiệm trong việc ra đề thi thành các nhóm để xây dựng ngân hàng câu hỏi.

Dự kiến các nhóm sẽ làm việc liên tục từ đầu tháng 10/2016 đến tháng 5/2017 để chuẩn bị số lượng câu hỏi đủ lớn cho kỳ thi. Ngân hàng đề thi sẽ được kế thừa từ kỳ thi Đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội. Tuy nhiên, kỳ thi Đánh giá năng lực nhằm mục đích tuyển sinh, còn kỳ thi THPT quốc gia có cả mục đích xét tốt nghiệp. Vì vậy, đề thi của Bộ GD&ĐT sẽ có nhiều đổi khác.

Đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT sẽ được công bố trong đầu tháng 10.

Nói về đề thi, ông Mai Văn Trinh cho biết: “Thực tế kỳ thi năm 2015 và 2016, đề thi phải thiết kế bao gồm kiến thức ở mức độ cơ bản để phục vụ mục đích xét tốt nghiệp và phần phân hóa để xét tuyển sinh ĐH, CĐ. Hai năm qua, tỷ lệ cơ bản khoảng 60% và nâng cao khoảng 40% trong đề thi”.

Đây là mức tối thiểu, còn khi xây dựng ma trận đề thi và ngân hàng câu hỏi sẽ có sự tính toán hợp lý để bảo đảm đạt được mục tiêu của kỳ thi, phù hợp thời gian làm bài và phương thức thi.

Cũng theo ông Trinh, ngân hàng câu hỏi sẽ đáp ứng được số lượng để mỗi thí sinh có một đề thi khác nhau, với mức độ trùng lặp cho phép là 20%. Điều này hạn chế mức thấp nhất việc học sinh có thể quay cóp tài liệu và nhìn bài bạn.

Cần có lộ trình, không vội được!

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết: Tôi ủng hộ phương án thi của Bộ GD&ĐT. Nhưng tôi nghĩ phải có lộ trình, không vội được.

thi-tot-nghiep-2-phunutoday.vn

 Ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

Theo ông Bình, đề thi phải ra hết sức kỹ lưỡng. "Ví dụ như Lịch sử là không được đưa đáp án sai mà chỉ có đáp án gần đúng, đáp án đúng. Sử đặt đáp án sai là chết, thí sinh sẽ loạn đầu. Hơn nữa, Bộ cũng đừng nói là độ khó sẽ giống nhau vì không biết khó giống nhau như thế nào. Do đó, ra đề trắc nghiệm không dễ đâu.

Hơn nữa, theo tôi nên tách thi tốt nghiệp với tuyển sinh ĐH, CĐ. Thi này là chuyện của phổ thông. Tuyển sinh ĐH là việc của các trường. ĐH nào muốn lấy kết quả này phải chịu trách nhiệm. Tôi nghĩ nên tách hai quan điểm này ra, nước ngoài cũng thế. Tốt nghiệp chỉ là điều kiện để các trường tuyển sinh.

Với tôi, từ cương vị từ một trường ĐH, tôi không quan tâm đề thi, tôi chỉ quan tâm có đỗ tốt nghiệp hay không. Sau đó, tùy từng mục đích, tôi đặt ra các điều kiện để chọn. Ví dụ, trước hết là tốt nghiệp THPT, thứ hai là thông số trình độ chuyên môn, thứ ba là hoạt động gì đó... Nếu trình độ chuyên môn ở THPT tôi thấy không ổn thì tôi kiểm tra riêng theo ý của tôi.

chia sẻ bài viết
Theo:  khoevadep.com.vn copy link
Tác giả: Vân Tiên