Lợi ích của nước dừa đối với sức khỏe
Bù nước cho cơ thể
Nước dừa giàu kali và các khoáng chất giúp bổ sung nước, điện giải cho cơ thể. Loại đồ uống này có thể dùng để điều trị chứng mất nước khi bị bệnh lỵ, dịch tả, tiêu chảy, cúm...
Uống một cốc nước dừa mỗi ngày giúp giảm nguy cơ bất thường ở đường tiêu hóa, giảm nhiệt miệng, giúp cơ thể phục hồi sau khi mất nước...
Có lợi cho tiêu hóa
Nước dừa chứa axit laric. Khi đi vào cơ thể, chất này sẽ được chuyển đổi thành monolaurin, có tác dụng kháng virus, vi khuẩn, chống giun đường ruột, ký sinh trùng, ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiêu hóa.
Ngoài ra, nước dừa cũng được coi là phương pháp đơn giản để giải quyết một số vấn đề về đường ruột. Đối với các vấn đề táo bón, tiêu chảy và các vấn đề tiêu hóa thông thường có thể uống 1 cốc nước dừa/ngày để cải thiện.
Tốt cho tim mạch
Nghiên cứu cho thấy người có huyết áp cao thường có mức độ kali trong máu thấp. Trong khi đó, nước dừa có chứa kali, có thể giúp ổn định huyết áp.
Ngoài ra, một nghiên cứu gần đây còn cho thấy sử dụng nước dừa có thể tăng cholesterol HDL - một loại cholesterol tốt, giúp duy trì sức khỏe tim mạch.
Tăng cường hệ miễn dịch
Nước dừa chứa ít calo, chất béo, nhưng lại giàu vitamin, khoáng chất. Nước dừa chứa axit lauric, chloride, sắt, kali, magie, canxi, natri, phốt pho... Lượng kali trong nước dừa còn cao hơn cả lượng kali trong chuối.
Điều này giúp nước dừa trở thành loại đồ uống tốt cho sức khỏe, giúp tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ tim mạch, hệ thần kinh.
4 thời điểm không nên uống nước dừa
Ngay sau khi vừa đi nắng về
Ngay khi vừa đi ngoài trời nắng về, bạn không nên uống nước dừa. Nó có thể gây ra hiện tượng ớn lạnh, đầy bụng, sốt nhẹ đến sốt cao.
Ngay sau khi tập luyện thể thao
Sau khi vừa tập luyện thể thao, vận động mạnh hoặc lao động nặng nhọc, bạn không nên uống nước dừa ngay lập tức. Uống nước dừa lúc này sẽ khiến chân tay buồn rũ, giảm sự dẻo dai.
Buổi tối
Không uống nước dừa vào buổi tối nhất là với những người bị suy nhược, huyết áp thấp bởi nước dừa tính hàn, rất dễ khiến cơ thể bị lạnh.
Ngoài ra, nước dừa còn có tác dụng lợi tiểu. Nếu uống vào buổi tối, nó có thể khiến bạn phải tỉnh dậy vào ban đêm để đi vệ sinh, gây gián đoạn giấc ngủ.
Khi huyết áp thấp
Khi huyết áp của bạn đang xuống thấp, đừng uống nước dừa bởi nó có thể khiến huyết áp tụt xuống thấp hơn. Người có tiền sử huyết áp thấp nên tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu có ý định sử dụng loại đồ uống này thường xuyên.
Nên uống nước dừa vào thời điểm nào trong ngày?
Để tránh tình trạng đầy bụng, khó tiêu, bạn nên uống nước dừa vào buổi sáng hoặc buổi trưa. Đây cũng là thời điểm giúp cơ thể hấp thụ tối đa dưỡng chất có trong nước dừa.
Ngoài ra, bạn có thể uống nước dừa trước hoặc sau khi tập luyện thể thao, lao động nặng nhọc khoảng 30 phút. Cách này sẽ giúp bổ sung nước, bổ sung điện giải cho cơ thể, chống lại mệt mỏi.