Mùi tàu còn được gọi với nhiều cái tên khác như mùi gai, ngò gai, ngò tây... là loại rau thơm xuất hiện trong nhiều món ăn của người Việt. Ngoài ra, loại rau này còn được dùng để chữa một số loại bệnh.
Theo Đông y, mùi tàu có vị the cay, hơi đắng, thơm, tính ấm. Cây có chứa tinh dầu tạo nên mùi thơm. Mùi tàu có tác dụng kiện tỳ, sơ phong thanh nhiệt, hành khí tiêu thũng, chỉ thống; thông khí, giải nhiệt, giải độc, kích thích tiêu hóa, khử mùi hôi... Tất cả các bộ phận của cây mùi tàu đều có thể dùng để làm rau thơm những như vị thuốc; có thể dùng tươi hoặc phơi, sấy khô.
Theo y học hiện đại, mùi tàu chứa nhiều chất dinh dưỡng như protid, glucid, canxi, phốt pho, sắt, vitamin B1 và vitamin C...
Hiện nay, một số F0 đang trị bệnh và F0 mới khỏi bệnh sử dụng mùi tau để trị ho. Nói về việc dùng cây mùi tàu trị ho, long đờm, chia sẻ trên VnExpress, TS. BS Ngô Quang Hải, Nguyên Phó giám đốc Trung tâm đào tạo và chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Châm cứu Trung ương, cho biết nếu thực hiện đúng cách thì bài thuốc này có thể phát huy tác dụng.
Bác sĩ Hải cho hay, mùi tàu có thể dùng để chữa cảm cúm, ho đờm. Bệnh nhân bị ho có đờm do nhiều nguyên nhân. Đờm thường ứ đọng, bám dính trong đường hô hấp gây khó thở, khó chịu. Theo Đông y, sử dụng mùi tàu có thể giúp long đờm, tống đờm ra ngoài.
Bài thuốc từ mùi tàu giúp long đờm: 40 gram mùi tàu tươi (có thể để cả rễ), thái nhỏ, cho 300ml nước đun sôi và chia làm 2 lần uống khi nước còn ấm.
Theo bác sĩ Hải, mùi tàu cũng rất tốt cho người bị cảm cúm. Khi bị cảm cúm, người bệnh có thể dùng 30-40 gram mùi tàu cùng với 10 gram gừng, 40 gram ngải cứu, 15 gram cam thảo, 15 gram cúc tần đun nước uống để giảm các triệu chứng cảm cúm.
Bác sĩ Hải nhấn mạnh mùi tàu có tác dụng long đờm tốt nhưng cần phải làm đúng phương pháp, uống đúng cách thì mới có tác dụng. Việc lạm dụng, sử dụng quá nhiều có thể gây phản tác dụng. Ngoài ra, bà bầu nên tham khảo ý kiến của bác sĩ dinh dưỡng trước khi sử dụng bài thuốc trị ho từ mùi tàu. Trẻ nhỏ dưới 1 tuổi thì không nên dùng.