Làm giàu từ mô hình nuôi con vật trong hộp nhựa, anh nông dân Trần Minh Nhật huyện Duyên Hải, Trà Vinh là tấm gương điển hình tiên tiến cho nhiều thanh niên học hỏi theo.
Khởi nghiệp với việc nuôi cua biển trong hộp nhựa
Sau khi tốt nghiệp ngành cơ khí Trường ĐH Trần Đại Nghĩa (Tp.HCM), anh Trần Minh Nhật quyết định lên đường nhập ngũ nhưng cũng ấp ủ ước mơ làm giàu từ mô hình cua biển. Nghĩ là làm, năm 2022, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, mạnh dạn đầu tư 15 triệu đồng của mình để mua 50 hộp nhựa nuôi cua. Bởi theo anh nhận định, việc nuôi trong hộp nhựa để thu hoạch cua lột, cua cốm sẽ giá trị cao gấp 2 - 3 lần so với các loại cua thịt thông thường. Ở nước ta, đã có một số công ty đã thực hiện mô hình này và anh đã nhận thấy có nhiều tiềm năng. Với nguồn con giống dồi dào ở quê hương, anh quyết định đầu tư khởi nghiệp.
Tuy nhiên, không phải mọi thứ đều dễ dàng như anh nghĩ. Thời gian đầu, anh Nhật phải nếm "trái đắng" do mua nhầm phải cua giống kém chất lượng, khiến tỉ lệ hao hụt hơn 50%. Bên cạnh đó, anh lại chưa có nhiều kinh nghiệm về việc nuôi nhốt tự nhiên trong hộp nhựa bé xíu, cách xử lý nguồn nước…Vì vậy, ngay lần đầu tiên ra quân, anh đã thất bại.
Tuy nhiên, không hề nản chí, với suy nghĩ "thất bại là mẹ thành công", anh đã kiên trì khắc phục các sai sót trong quá trình nuôi, cố tìm mua con giống chất lượng, và xử lý lại nguồn nước. Sau 2 năm vừa nuôi và vừa tự rút kinh nghiệm, đến thời điểm này, anh Nhật đã thành công và nhân rộng mô hình nuôi cua của mình với 800 hộp nhựa, đồng thời đã đầu tư hệ thống lọc thải chuyên nghiệp với tổng chi phí hơn 500 triệu đồng.
Mỗi tháng, anh Nhật có thể xuất bán khoảng 150 kg cua lột và 50 kg cua cốm cho khắp các tỉnh, thành trong nước, nơi tiêu thụ nhiều nhất là Tp.HCM. Cua lột thường có giá trung bình 650.000/kg trong khi đó cua cốm 690.000 đồng/kg. Nhờ đó, anh thu về lợi nhuận hơn 30 triệu đồng/tháng.
Một số công dụng của cua biển nuôi
Cua biển là một trong những thực phẩm được nhiều người ưa thích, nhất là những tín đồ mê hải sản. Lý do bởi cua biển ngon, giàu dinh dưỡng như protein, lipid, Ca, P, Fe, vitamin B1, B2, PP, Mg và các axit béo omega 3 rất có giá trị trong thực phẩm và y học.
Theo Đông y, thịt cua biển có vị ngon ngọt, mặn, tính ấm, không độc hại, tác dụng bổ khí dưỡng huyết, ích xương tủy, giúp thông kinh lạc… dùng rất tốt cho con người đặc biệt với người hư nhược, trẻ em còi hay người lớn gầy khó lên cân, gân xương yếu, sinh lý yếu, một số người bị các chứng đau tê liên quan khí huyết, huyết ứ.
Bạn có thể nấu cháo cua biển giúp bổ khí dưỡng huyết, ích tỳ vị… Món cháo này rất tốt với trẻ em còi, ngay cả người lớn gân xương yếu, khí huyết đều hư, suy nhược cơ thể cũng đều rất tốt. Tuy nhiên, cần phải lưu ý, cua biển rất giàu đạm. Nếu người đang cần giảm cân, bệnh gút hoặc người hay dị ứng cua ghẹ nên kiêng thậm chí hạn chế dùng. Khi chế biến, nhớ dùng cua tươi sống, nếu chế biến cua chết, chất đạm trong cua sẽ dễ bị hỏng làm giảm hương vị và thậm chí có thể gây dị ứng cho con người.