Nuôi loài chim lạ, nông dân thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng

( PHUNUTODAY ) - Nhiều nông dân đã lựa chọn nuôi le le vì dễ thuần hòa lại cho lợi nhuận cao lên tới hàng trăm triệu đồng.

Chim le le còn có tên gọi là vịt cổ xanh, thường sống theo bầy đàn trong tự nhiên hoang dã và phát ra tiếng kêu ồn ào. Chúng có mỏ dài, màu xám, đầu và chân cũng dài. Phần lông phía trên đầu, cổ, bụng có màu vàng dẫm như da bò, chỏm lông trên đầu sẫm màu hơn. Cánh và đuôi của nó có các mảng màu nâu hạt dẻ nên rất dễ nhận dạng trong môi trường tự nhiên.

Le le vốn ưa thích khí hậu nóng ẩm như ở Bắc Mỹ, châu Á,… sống quanh các hồ nước ngọt nhiều phù sa, mảng thực vật phong phú. Ở Việt Nam, le le xuất hiện nhiều ở vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long và được bà con biết đến là loài động vật cung cấp thịt ngon, bổ dưỡng, giúp phục hồi sức khỏe và tăng cường sinh lực. Món ăn chế biến từ loài chim này còn được mệnh danh là món ăn “tiến vua”, chỉ có vua chúa mới được thưởng thức.

Nhiều gia đình ngày nay coi món le le như món ăn đẳng cấp, phải nhà có điều kiện mới được thưởng thức. Vì vậy mà giá le le khá cao, từ 500.000 – 600.000 đồng/con có trọng lượng trung bình 500 – 600g. Le le trong tự nhiên hiện không đủ số lượng cung cấp cho thị trường.

Nhận thấy nhu cầu thị trường ngày càng lớn, ông Thái (tỉnh Bạc Liêu) đã quyết tâm thuần hóa và nuôi nhân giống theo mô hình trang trại số lượng lớn chim le le.

Năm 2006, cháu ông Thái giăng lưới dưới kênh bắt được 3 con le le (1 mái, 2 trống) nên ông Thái giữ lại làm giống. Ông đào đất, lên mương, dựng tôn, rào lưới xung quanh diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả để chuyển sang nuôi le le. Nhận thấy le le mái đẻ trứng đến 6 lần trong năm, tổng cộng 65 trứng nên ông cho ấp hết và nở được 60 con để gây nuôi nhân đàn. Vậy là từ 3 con le le ban đầu, ông Thái đã có đàn le le hơn 200 con. Để tái đàn, ông chừa lại 60 cặp chim le le sinh sản để nuôi, số còn lại mang bán ra thị trường.

Khoảng 2-3 năm sau, một số nhà hàng, quán ăn ở TPHCM tìm tới mua le le thương phẩm với số lượng lớn, giá khá cao, dao động từ 400.000 – 600.000 đồng/con giúp ông Thái trở thành “triệu phú”. Giá bán le le bố mẹ là 1,2 triệu đồng/cặp. Mỗi năm, ông Thái bán ra thị trường trên 2.000 con le le thương phẩm và hàng trăm cặp giống bố mẹ, doanh thu trên 700 triệu đồng, trừ chi phí thì thu lãi hơn 500 triệu đồng.

Quy mô nuôi le le của ông Thái hiện trên 2ha, gồm 8 hồ nuôi lớn, mỗi hồ rộng hàng ngàn mét vuông. Ngoài ra còn có hàng chục chuồng nuôi khép kín, nhỏ lẻ. Từ năm 2013, ông thành lập trang trại le le Hồng Thái chuyên cung cấp le le thương phẩm và le le giống đồng thời thành lập câu lạc bộ nông dân nuôi le le, thường xuyên cùng những người trong nghề trao đổi kinh nghiệm chăm sóc, nhân giống bầy le le,…

Theo:  xevathethao.vn copy link