Một ông bố họ Ying, ở Hàng Châu (Trung Quốc) đã cho con trai 14 tuổi đi làm phụ hồ 4 ngày để hiểu về tầm quan trọng của việc đi học.
Một đoạn video ghi lại cuộc nói chuyện của hai bố con anh. Ying hỏi con trai rằng "Có mệt không? Đi học tốt hơn hay lao động chân tay tốt hơn?". "Đi học, đi học", cậu bé trả lời, trên người dính đầy bùn đất sau 4 ngày lao động vất vả dưới nắng nóng ở công trường xây dựng.
Nhiều người cho rằng cách dạy con theo "tư duy ngược" của Ying đã tỏ ra hiệu quả, khi cho phép cậu bé học hỏi từ chính sai lầm của mình. "Chim sợ cành cong. Đây là cách hiệu quả để một đứa trẻ hiểu được hậu quả từ hành động của mình, hơn là răn dạy con cái này cái kia không tốt. Người bố đã tiếp cận theo cách thông minh, khi cho phép con làm điều mà bản thân mình không muốn con làm", Xu, một chuyên gia về giáo dục tại Bắc Kinh, nhận xét.
"Hành động này cho con anh ấy quyền tự do, được tôn trọng, có quyền tự đưa ra lựa chọn. Cách làm này rất hiệu quả với trẻ nổi loạn, đặc biệt ở tuổi thanh thiếu niên".
Theo anh Ying, con trai anh bắt đầu ghét đi học từ 8 tháng trước. Anh không muốn ép con đi học, cũng không muốn con coi thường giá trị của lao động chân tay, nên đã để con tự lựa chọn. Cậu bé rốt cuộc đã rút ra được bài học cho mình sau thời gian làm phụ hồ vất vả.
"Giáo dục trao cho ta nhiều cơ hội hơn để lựa chọn công việc theo ý muốn", Ying nói với con.
"Người bố can đảm cho phép con mắc sai lầm. Tôi đã rút ra được kinh nghiệm, nhận ra có thể mình đã quá bao bọc con, như thể tôi là bảo mẫu mà không phải là người mẹ mà con cái muốn chia sẻ bí mật", một phụ nữ 42 tuổi ở Bắc Kinh nói.
"Cho phép con trẻ mắc sai lầm là một nghệ thuật, nhưng không có nghĩa là để mặc con đối mặt rủi ro vì một số hậu quả không thể khắc phục. Cha mẹ cần giám sát và ngăn chặn nếu hành động của con quá ngông cuồng", Xu cảnh báo.
Bạn nghĩ sao về cách giáo dục này?!