Phạt bác sĩ nhận phong bì thì dân sao dám ốm?

10:11, Thứ ba 31/12/2013

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Người dân lo cho cuộc sống của bác sĩ là lo cho sức khỏe của chính bản thân họ, vì vậy, chúng tôi khẩn thiết đề nghị, các cơ quan chức năng hãy rút lại quy định phạt đến 30 triệu đồng nếu phát hiện nhân viên y tế nhận phong bì.

Từ 31/12, Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế có hiệu lực với nhiều điểm mới, với nhiều mức phạt được nâng lên đáng kể so với mức hiện hành. 

Đáng lưu ý, sẽ phạt 20 - 30 triệu đồng đối với “hành vi đưa, nhận, môi giới hối lộ trong khám, chữa bệnh” thay cho mức cũ 10 - 15 triệu đồng. Nguyên tắc xác định và phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực y tế được thực hiện theo quy định tại điều 52 của luật Xử lý vi phạm hành chính.

Trên thực tế, đã từ lâu, các bệnh viện đã áp dụng quy định cấm bác sĩ nhận, người bệnh đưa phong bì nhưng vẫn không ngăn chặn được tình trạng này. Nhiều người thừa nhận rằng, việc đưa và nhận phong bì trong các bệnh viện đã trở thành thông lệ, thậm chí là một nét văn hóa đặc sắc của ngành y tế Việt.

Phạt nặng nhân viên y tế nhận phong bì thì dân làm sao dám ốm

Phạt nặng nhân viên y tế nhận phong bì thì dân làm sao dám ốm?

Chính vì vậy mà quy định xử phạt nặng đối với hành vi đưa phong bì cho bác sĩ xuất hiện đã khiến không ít người ăn không ngon, ngủ không yên. Bởi phạt nặng thì sẽ chẳng còn ai đưa phong bì, mà như vậy thì người dân sao có thể yên tâm đau ốm được?

Người ta vẫn hay quan niệm, trong đời người ai chẳng có vài lần đau ốm, không nặng thì nhẹ, thế cho nên việc nhờ cậy đến bác sĩ là chuyện tất yếu. Mà theo lẽ thường, đã nhờ cậy thì sẽ phải cảm ơn, quà cáp. Mọi người không thể làm khác bởi đó đã là nét văn hóa của người Việt từ bao đời nay.

Phong bì là biểu trưng cho tình cảm của bệnh nhân đối với bác sĩ. Mà chuyện tình cảm thì là lẽ tự nhiên, không ai có thể cấm nó phát sinh hay biến mất. Hơn nữa, có một số lượng lớn bệnh nhân và gia đình người bệnh cho rằng tiền trong phong bì là để có được sự yên tâm, khi bác sĩ đã nhận phong bì là đồng nghĩa với việc sẽ được quan tâm, chăm sóc nhẹ nhàng, không bị quát mắng và đặc biệt là không bị cố tình làm đau. Và dường như cũng vì thế mà phong bì đã gắn liền với ngành y tế, trở thành một phần không thể thiếu.

Theo một nghiên cứu cho thấy số người sử dụng phong bì trong dịch vụ y tế tăng gấp đôi trong vòng ba năm từ 13% (năm 2007)  lên đến 29% (năm 2010). Năm 2012, kết quả cuộc khảo sát được công bố bởi Ngân hàng Thế giới và thanh tra chính phủ của Việt Nam (được thực hiện bởi Cục Chống tham nhũng) cho thấy 76% những người đút phong bì là tự nguyện và 21% là do được gợi ý.

Bác sĩ Bùi Quốc Công, phó trưởng khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện E Hà Nội đã từng thảng thắn đưa ra quan điểm về vấn đề phong bì. "Văn hóa phong bì" đã trở thành nét riêng ở Việt Nam, nó hiện diện trong muôn mặt của cuộc sống, từ đám cưới, đám ma tới hội họp, ký kết".
 
Theo ông Công, trong bệnh viện "văn hóa phong bì" có hai mặt: Sẽ là mất đạo đức khi vòi vĩnh bệnh nhân, nhưng thành niềm vinh dự nếu vì y bác sĩ làm tốt, làm đúng mà người bệnh muốn tự nguyện tặng để thưởng, cảm ơn.
 
"Sự ghi nhận của người bệnh có thể chỉ là một lời khen, nhưng nếu thêm vật chất rõ ràng càng đáng trân trọng, tất nhiên cũng phải tùy điều kiện của họ", bác sĩ Công nói.

Có thể thấy, rõ ràng phong bì là hành động thiết thực, một biểu tượng của văn hóa trong xã hội Việt Nam hiện đại nói chung và của ngành y tế nói riêng. Theo lẽ thường, những thứ đầy ý nghĩa như vậy sẽ cần phải tích cực phát huy, để văn hóa phong bì đạt đến mức độ phát triển rực rỡ nhất.

Ấy vậy mà mới đây hiện tượng phong bì đang phải đối mặt với một sự đe dọa vô cùng ghê gớm, thậm chí có thể dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng khi Nhà nước quy định phạt đến 30 triệu đồng nếu phát hiện nhân viên y tế nhận phong bì.

Các cụ xưa nói cấm có sai “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”, vào bệnh viện mà không có phong bì thì sao bệnh nhân có thể yên tâm được kia chứ.

Ngay kể cả Nữ hoàng nội y Ngọc Trinh cũng đã nói “không tiền thì cạp đất mà ăn à” đấy thôi. Các bác sĩ cũng phải ăn, phải tiêu chứ, cũng phải nhà lầu, xe hơi như ai chứ. Mưu cầu hạnh phúc là quyền con người từ lúc sinh ra cơ mà. Chính Bộ trưởng Y tế cũng đã từng thấu hiểu và giải thích về nạn phong bì rằng “bác sĩ nhận phong bì một phần vì đồng lương quá thấp”. 

Trong khi, suy rộng ra chút, công chức ở ta lương còn thấp quá, nên nạn phong bì, tiêu cực xảy ra ở khắp nơi là bình thường, ngành y cũng không thể ngoại lệ. Xã hội đã thừa nhận thực tế đó rồi, cứ công chức, lương thấp là được nhận phong bì.Thực trạng là thế đấy!

Cho nên người bệnh, người đau ốm lại càng phải tuân theo. Khi người ta đi khám bệnh thì làm sao biết bệnh nặng bệnh nhẹ, lời bác sĩ là ngọc là vàng, nói sao thì tuân theo vậy thôi. Nếu bác sĩ mệt, nếu vợ bác sĩ ở nhà nheo nhéo đòi tiền điện, tiền nước, tiền học cho con, bác sĩ làm sao mà tập trung chẩn đoán cho chính xác. Chỉ cần nhầm nặng thành nhẹ thôi là bệnh nhân méo mặt rồi.

Người dân lo cho cuộc sống của bác sĩ là lo cho sức khỏe của chính bản thân họ, vì vậy, chúng tôi khẩn thiết đề nghị, các cơ quan chức năng hãy rút lại quy định phạt đến 30 triệu đồng nếu phát hiện nhân viên y tế nhận phong bì. 

Trong thời buổi kinh tế khó khăn, vật giá leo thang, người dân cũng không mong phải chi thêm tiền cảm ơn khi ốm đâu nhưng tất cả là vì sự tồn tại. Phạt bác sĩ nhận phong bì thì sao dân dám ốm?

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Phạm Đông