Phạt đến 30 triệu đồng nếu phát hiện nhân viên y tế nhận phong bì

14:30, Thứ hai 30/12/2013

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Từ ngày mai (31/12), Nghị định 176 có hiệu lực quy định sẽ phạt 20 - 30 triệu đồng đối với “hành vi đưa, nhận, môi giới hối lộ trong khám, chữa bệnh” thay cho mức cũ 10-15 triệu đồng.

Từ 31/12, Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế có hiệu lực với nhiều điểm mới, với nhiều mức phạt được nâng lên đáng kể so với mức hiện hành. Trong đó, áp dụng phạt tiền từ 15 - 20 triệu đồng đối với hành vi “thực hiện phẫu thuật, can thiệp ngoại khoa mà không được sự đồng ý của người bệnh hoặc người đại diện của người bệnh”. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sẽ bị phạt tiền 10 - 15 triệu đồng nếu không chuyển người bệnh cấp cứu đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phù hợp khi tình trạng người bệnh vượt quá khả năng chuyên môn.

Đáng lưu ý, sẽ phạt 20 - 30 triệu đồng đối với “hành vi đưa, nhận, môi giới hối lộ trong khám, chữa bệnh” thay cho mức cũ 10 - 15 triệu đồng. Nguyên tắc xác định và phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực y tế được thực hiện theo quy định tại điều 52 của luật Xử lý vi phạm hành chính.

Theo nghị định này, bác sĩ bán thuốc cho người bệnh dưới mọi hình thức, trừ người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền sẽ bị phạt 20-30 triệu đồng. Người hành nghề khám, chữa bệnh không đeo biển tên cũng bị phạt 200.000 - 500.000 đồng.

Nhân viên y tế chỉ định sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh hoặc gợi ý chuyển người bệnh tới cơ sở khám, chữa bệnh khác vì mục đích vụ lợi bị phạt 5-10 triệu đồng. Các hành vi cho thuê, mượn chứng chỉ hành nghề; không khẩn trương sơ cứu người bệnh, từ chối khám, chữa bệnh; chữa bệnh gây ra tai biến cho người bệnh; môi giới việc mua, bán bộ phận cơ thể người... sẽ bị phạt tiền từ 30 đến 40 triệu đồng (mức phạt cũ là 10-15 triệu). 

Ngoài ra, cá nhân, tổ chức kinh doanh mỹ phẩm có thành phần chất cấm sử dụng hoặc kinh doanh mỹ phẩm không có hồ sơ thông tin sẽ bị phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng.

Trong lĩnh vực dân số, bắt mạch, siêu âm, xét nghiệm cho người đang mang thai để xác định giới tính thai nhi, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác sẽ bị phạt 5-10 triệu đồng. Bói toán cho người mang thai để xác định giới tính thai nhi cũng bị phạt 3 - 5 triệu đồng. 

Nghị định này quy định xử lý vi phạm hành chính trong 5 lĩnh vực: y tế dự phòng và phòng, chống HIV/AIDS; khám bệnh, chữa bệnh; dược, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế; bảo hiểm y tế; dân số. Mức phạt tối đa cao nhất với cá nhân là 100 triệu đồng và 200 triệu đồng với tổ chức.

Cũng từ ngày 31/12/2013, lần đầu tiên có một nghị định riêng (Nghị định 178/2013/NĐ-CP) về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm được thi hành. Cụ thể, mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức thay vì 15 triệu đồng như trước đây. Nghị định này bổ sung thêm quyền xử phạt cho lực lượng công chức, viên chức thuộc ngành y tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn, công thương… thay vì chỉ thanh tra chuyên ngành và chủ tịch UBND các cấp mới có thể ra quyết định xử phạt như hiện nay.

Từ ngày mai, Nghị định 182/2013/NĐ-CP về mức lương tối thiểu vùng đối với doanh nghiệp cũng sẽ bắt đầu có hiệu lực, theo đó mức lương cụ thể tại 4 vùng sẽ thay đổi như sau: Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn vùng I áp dụng mức lương tối thiểu vùng 2.700.000 đồng/tháng; Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn vùng II áp dụng mức lương tối thiểu vùng 2.400.000 đồng/tháng; Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn vùng III áp dụng mức lương tối thiểu vùng 2.100.000 đồng/tháng; Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn vùng IV áp dụng mức lương tối thiểu vùng 1.900.000 đồng/tháng.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link