Phát hiện hơn 50 trẻ một xã ở Bắc Ninh bị nhiễm sán lợn: Mẹ khóc ngất khi cả hai con đều dương tính

( PHUNUTODAY ) - Sau quá trình làm xét nghiệm, các bác sĩ ở hai bệnh viện là Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương đã phát hiện hơn 50 trẻ bị nhiễm sán lợn.

Sáng 15/3 hàng trăm phụ huynh xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, cùng nhau đưa con đến Hà Nội để khám bệnh, sau khi bếp ăn trường mầm non xã Thanh Khương bị cơ quan chức năng phát hiện dùng thịt kém chất lượng.  

230 bé được đưa vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, 135 cháu khám ở Viện Sốt rét và Ký sinh trùng Trung ương. Các bé từ 1 đến 10 tuổi, trong đó nhiều trẻ đang học tại trường mầm non Thanh Khương. Khi vào viện, một số trẻ bị rối loạn tiêu hóa được chỉ định nhập viện. Số còn lại sức khỏe bình thường bác sĩ cho về nhà. Các gia đình tổ chức đưa trẻ đi khám chung, số lượng đông nên hai bệnh viện đã phải tận dụng hội trường lớn để khám, lấy máu cho các cháu.

Sau khi lấy mẫu xét nghiệm máu và huyết thanh, chiều cùng ngày các bác sĩ hai bệnh viện phát hiện tổng cộng 57 bé dương tính với sán lợn, bao gồm 44 bé ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và 13 bé ở Viện Sốt rét. Số mẫu còn lại vẫn đang tiếp tục được xét nghiệm. Toàn bộ kết quả này sẽ được bệnh viện chuyển đến gia đình các cháu. Những trường hợp dương tính với sán lợn được bệnh viện gửi kèm phiếu tư vấn và hẹn lịch nhận thuốc.

Các phụ huynh đưa trẻ đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương xét nghiệm sáng 15/3. Ảnh: T.H.

Các phụ huynh đưa trẻ đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương xét nghiệm sáng 15/3. Ảnh: T.H.

Đưa 2 con đến Viện Ký sinh trùng khám vì nghi ngờ con bị mắc sán lợn, chị Hồng (Mao Điền, Thuận Thành, Bắc Ninh) vô cùng bàng hoàng khi kết quả cho thấy cả hai con có kết quả dương tính.

“Tôi quá bất ngờ và bàng hoàng với kết quả này. Gia đình tôi bây giờ không biết phải xoay sở ra sao khi chồng tôi đi làm xa, một mình tôi chăm 3 đứa con, bây giờ 2 con bị dương tính và phải điều trị tôi thật sự sốc”, chị Hồng cho biết.

Cũng có cháu bị dương tính với sán lợn, ông Dương Văn Khanh vô cùng lo lắng khi cầm giấy xét nghiệm trên tay.  “Khi cầm kết quả xét nghiệm của cháu, chân tay tôi như rụng rời. Bây giờ, tôi không biết phải chữa trị cho cháu làm sao để không bị ảnh hưởng đến sau này”, ông Khanh lo lắng.

Theo ông Khanh, cách đây khoảng 4-5 ngày, gia đình nghe thông tin có một cháu trong trường mầm non Mao Điền bị ốm, đi kiểm tra sức khỏe dưới Hà Nội thì phát hiện dương tính với sán lợn. Lo lắng cho cháu mình khi cùng học tại trường mầm non với cháu kia nên gia đình đã đưa đi khám.

Rất đông bệnh nhân có kết quả dương tính chờ đợi lấy thuốc.

Rất đông bệnh nhân có kết quả dương tính chờ đợi lấy thuốc.

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế bệnh sán dây/ấu trùng sán dây lợn (lợn gạo) mắc phải do liên quan đến tập quán ăn uống, ăn thịt lợn chưa nấu chín. Ở Việt Nam, bệnh xuất hiện ở tất cả các vùng miền, các tỉnh thành. Theo số liệu được báo cáo qua các nghiên cứu, qua các cơ sở điều trị đến nay, 55 tỉnh, thành đã có ca bệnh sán dây/ấu trùng sán lợn.

Bệnh sán dây trưởng thành thường không có triệu chứng rõ rệt như gây triệu chứng đau bụng, rối loạn tiêu hóa nhẹ. Triệu chứng chủ yếu là người bệnh thường xuyên có những cảm giác khó chịu, bứt rứt, có những đốt sán tự rụng theo phân ra ngoài, đốt sán là những đoạn nhỏ, dẹt, trắng ngà như xơ mít, đầu sán phẳng, một số trường hợp phát hiện thấy có trứng sán trong phân.

Nguyên tắc phải chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời ngay khi phát hiện có đốt sán để tránh bị bệnh ấu trùng sán lợn. Việc điều trị bệnh ấu trùng sán dây lợn phải thực hiện ở cơ sở y tế với trang bị phương tiện cấp cứu và phải được theo dõi.

Theo:  khoevadep.com.vn copy link