Phạt xe không chính chủ: Hà Nội cấp smartphone cho CSGT truy xe không chính chủ

( PHUNUTODAY ) - Từ 1/1/2017, Hà Nội sẽ thí điểm kiểm tra xe máy chính chủ bằng thiết bị điện tử.

Thông tin “xe không chính chủ” sẽ bị xử phạt từ năm 2017 được nhiều người quan tâm thời gian qua. Nhiều ý kiến cho rằng, quy định này là bất hợp lý bởi nhiều tình huống rất khó xử lý, ví dụ như giấy đăng kí xe mang tên người thân trong gia đình nhưng người khác sử dụng, trong khi một người có thể đứng tên nhiều chiếc xe, nhưng chỉ chạy 1 xe ra ngoài đường.

Lo lắng nhất là những người có xe không chính chủ nhưng chủ cũ đi nước ngoài hoặc ở xa khiến quá trình làm thủ tục sang tên đổi chủ cực kì khó khăn nếu không muốn nói là “bất khả thi”.

xe-chinh-chu-1-phunutoday.vn

 Hà Nội cấp smartphone cho CSGT truy xe không chính chủ.

Tuy nhiên, theo Bộ Công an, cảnh sát giao thông sẽ không dừng xe để kiểm tra xe chính chủ, chủ xe không chính chủ chỉ bị phạt không sang tên đổi chủ trong quá trình giải quyết các lỗi vi phạm giao thông khi đang trong quá trình tham gia giao thông.

Khi CSGT làm nhiệm vụ sẽ được trang bị smartphone (điện thoại thông minh) hoặc máy tính bảng kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư để tra cứu nhanh người sở hữu phương tiện.

Hà Nội đã có cơ sở dữ liệu 7 triệu dân

Trao đổi với PV báo Giao Thông, bà Phan Lan Tú, Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội thông tin, thí điểm phát hiện xe không chính chủ bằng thiết bị thông minh là chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung tại cuộc họp Ban chỉ đạo Ứng dụng CNTT ngày 26/11 vừa qua. “Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ phối hợp với Công an TP - là đơn vị chủ trì xem xét và có kế hoạch cụ thể để triển khai trong năm 2017”, bà Tú nói.

Trao đổi với Báo Giao thông, Đại tá Đào Thanh Hải, Phó giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, việc thí điểm sử dụng thiết bị thông minh phát hiện xe không chính chủ dựa trên hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư của Công an TP Hà Nội. Trong cơ sở dữ liệu này có toàn bộ tên tuổi, địa chỉ của những người dân sở hữu xe máy, thông tin về xe máy, quan hệ gia đình của từng người. Khi lực lượng chức năng dừng kiểm tra hành chính, nếu họ nói là xe của người thân thì cán bộ, chiến sĩ xử lý sẽ bấm điện thoại hoặc máy tính được kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư để biết chính xác xe máy đó có phải của gia đình người đó và đã sang tên chính chủ hay chưa.

“Để thực hiện việc này, Hà Nội đã có kế hoạch trang bị thiết bị smartphone cho các chiến sĩ làm nhiệm vụ. Vì đã có cơ sở dữ liệu của hơn 7 triệu dân rồi nên áp dụng thí điểm việc này không có gì khó khăn”, Đại tá Đào Thanh Hải nói và cho rằng, nếu Hà Nội thực hiện tốt việc kiểm tra xe máy chính chủ bằng thiết bị thông minh sẽ góp phần thực hiện tốt việc phạt nguội vi phạm giao thông qua hình ảnh hệ thống camera. Đồng thời, đây cũng là cơ sở giúp khám phá nhanh những vụ án, những vụ TNGT liên quan trực tiếp tới xe máy.

Giúp tra cứu nóng để xử lý vi phạm

Đón nhận thông tin trên, Trung tá Trần Quang Vinh, Đội trưởng Đội CSGT số 8, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho rằng, nếu áp dụng một cách đồng bộ sẽ mang lại hiệu quả cho công tác TTKS của lực lượng CSGT. “Việc trang bị smartphone cho cán bộ, chiến sỹ CSGT làm nhiệm vụ trên đường là rất tốt nhưng cần phải có lộ trình. Đồng thời, phải đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nắm được chủ trương trên”, Trung tá Vinh nói.

Cùng quan điểm phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân nắm rõ chủ trương mới, Đại úy Nguyễn Việt Anh, Đội CSGT số 6 nhận định, nếu được trang bị thiết bị thông minh, CSGT có thể dễ dàng cập nhật, xác minh “nóng” đối với phương tiện vi phạm giao thông. Từ đây, cảnh sát có thể xác minh xe tang vật, xe liên quan đến các vụ tai nạn hoặc xe chưa sang tên chính chủ để xử phạt. Đại úy Việt Anh cũng cho rằng, dữ liệu trên hệ thống phải được cập nhật liên tục, đồng bộ.

Khẳng định việc thí điểm hoàn toàn khả thi, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Khối giao thông, Công ty Giải pháp công nghệ FPT cho rằng, hiện Cục CSGT đã có cơ sở dữ liệu lịch sử đăng ký phương tiện kèm theo tất cả các thông tin về phương tiện đó. Lực lượng chức năng chỉ cần dùng máy tính bảng, thiết bị smatphone truy cập vào hệ thống sẽ biết được các thông tin về phương tiện như tên và địa chỉ chủ phương tiện, biển số, số khung, số máy. “Khi đã có cơ sở dữ liệu về phương tiện, chỉ cần mở cổng kết nối và công khai cho người có quyền truy cập vào hệ thống. Về mặt công nghệ hoàn toàn khả thi khi có quy định rõ về thẩm quyền truy cập”, ông Thắng khẳng định.

Theo ông Trần Hữu Minh, Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, điều quan trọng là dữ liệu và thiết kế bảo mật của hệ thống, phòng trường hợp thiết bị bị thất lạc, mật khẩu vẫn lưu, người nhặt được sẽ dùng vào mục đích khác. Mục đích cuối cùng của hệ thống là cung cấp cho lực lượng thực thi công vụ thông tin để họ biết được xe ai là người sở hữu phương tiện. Nhiều nước còn có thiết bị chuyên dụng như máy quét để đọc biển. Khi đó biển số xe sẽ hiện ngay trên màn hình, sẽ biết được với biển số này phải là xe con, xe khách hay xe tải, màu sắc của xe như thế nào, ai là người sở hữu... “Cũng cần lưu ý rằng về cơ bản đây là công cụ để hỗ trợ thông tin cho lực lượng chức năng để nhận dạng, phân tích, sàng lọc, còn khi xử phạt vẫn thực hiện đầy đủ quy trình theo quy định pháp luật như, kiểm tra hồ sơ giấy tờ gốc của phương tiện, chứng minh thư nhân dân... nên tôi cho rằng hoàn toàn khả thi. Chúng ta không thể xử phạt hết được ngoài hiện trường. Vì vậy, việc quản lý xe chính chủ là xu hướng tất yếu vì đây sẽ là nền tảng quan trọng nhất để xử “phạt nguội”. Để làm được việc này phải có hệ dữ liệu quản lý phương tiện, quản lý được chính chủ và người sử dụng”, ông Minh cho hay.

Cách thức tiến hành sang tên đổi chủ khi mua xe cũ

Nếu mua lại xe cũ, muốn đứng tên, chỉ còn giấy chứng nhận đăng ký xe mà không có giấy tờ mua bán, di chuyển xe khỏi địa phương thì hãy tham khảo hướng dẫn.

xe-chinh-chu-2-phunutoday.vn

 Ảnh minh họa.

Thông tư số 15/2014/TT-BCA ngày 04/4/2014 của Bộ Công an quy định, khi đăng ký sang tên, di chuyển xe đi tỉnh khác, khó xác định chủ cũ và không có chứng từ chuyển quyền sở hữu xe, chủ sở hữu xe cần thực hiện như sau:

Bước 1: Lấy Mẫu Tờ khai đăng ký sang tên xe di chuyển tại cơ quan Công an, sau đó kê khai và xin xác nhận của Công an phường/xã nơi chủ xe mới có Hộ khẩu để Công an xác nhận địa chỉ thường trú của chủ xe.

Bước 2: Nộp lệ phí trước bạ tại chi cục thuế nơi có hộ khẩu chủ xe mới. Hồ sơ bao gồm tờ khai đăng ký sang tên có xác nhận từ công an và tờ khai lệ phí trước bạ.

Bước 3: Nộp hồ sơ để rút hồ sơ gốc của xe tại cơ quan Công an nơi đã đăng ký xe. Điểm b khoản 4 Điều 24 Thông tư số 15/2014/TT-BCA quy định trường hợp hồ sơ sang tên, di chuyển xe không có chứng từ chuyển quyền sở hữu xe cần thiết thì Cơ quan đăng ký xe tiếp nhận hồ sơ, viết giấy hẹn và thực hiện các thủ tục sang tên, di chuyển xe cho người sử dụng xe. Cơ quan đăng ký sẽ gửi thông báo đến người đứng tên đăng ký xe và niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan đăng ký xe, tra cứu tàng thư xe mất cắp và dữ liệu đăng ký.

Trong thời gian chờ cơ quan đăng ký giải quyết, giấy hẹn chỉ cho phép xe được sử dụng trong tổng thời gian 30 ngày. Sau thời gian này, cơ quan đăng ký sẽ giải quyết sang tên theo quy định, ghi kết quả xác minh và ký xác nhận vào giấy khai đăng ký sang tên, di chuyển xe.

Bước 4: Nhận kết quả rút hồ sơ gốc và đăng ký sang tên tại cơ quan Công an nơi có hộ khẩu chủ xe mới. Cơ quan đăng ký sẽ trả cho người đang sử dụng xe 01 phiếu sang tên di chuyển, 01 giấy đăng ký sang tên xe và bộ hồ sơ gốc của xe. Chủ xe mới sẽ nộp hồ sơ đăng ký sang tên tại cơ quan Công an nơi có hộ khẩu thường trú với một số hồ sơ theo quy định, gồm giấy khai đăng ký xe;giấy đăng ký sang tên; giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số; hồ sơ gốc xe; chứng từ nộp phí trước bạ theo quy định và giấy tờ chủ xe mới.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn