Phép toán cộng trừ gây tranh cãi nảy lửa "cô sai hay trò sai" và ai là người giải đúng?

( PHUNUTODAY ) - Đây đơn thuần là một phép tính ở bậc tiểu học, chỉ có cộng và trừ, do đó khi giáo viên và trò giải ra hai kết quả khác nhau khiến nhiều người thắc mắc bàn luận.

Mới đây, trên một fanpage về phụ nữ có đăng tải bức ảnh chụp một phép toán cùng câu hỏi "Cô sai hay trò sai" khiến các mẹ tranh cãi nảy lửa. Mỗi người một ý và hiện nay vẫn chưa có hồi kết.

phep toan gay tranh cai -

Phép toán khiến các mẹ tranh cãi nảy lửa.

Trước những tranh cãi không có hồi kết của các phụ huynh về đáp án bài toán chỉ gồm các phép cộng trừ trên, các giáo viên dạy toán đã đưa ra lời giải chính xác cuối cùng.

Cụ thể, phép toán có đề bài như sau:

Tính nhanh:

66 – 6 + 7 + 23 -18 + 2=?

Với đề này, theo hình ảnh được chia sẻ trên mạng, học sinh thực hiện phép tính lần lượt từ trái sang phải và ra đáp án 74. Tuy nhiên, câu trả lời này sau đó bị giáo viên gạch bỏ. Theo cách làm của người giáo viên này, học sinh phải nhóm các số lại với nhau để tính nhanh và kết quả cuối cùng phải ra 70.

Đây đơn thuần là một phép tính ở bậc tiểu học, chỉ có cộng và trừ, do đó khi giáo viên và trò giải ra hai kết quả khác nhau khiến nhiều người thắc mắc bàn luận.

Sau chưa đầy 1 tiếng đăng tải, bài toán đã nhận được hàng trăm bình luận tranh cãi.

Một số phụ huynh cho rằng, cách cộng trừ theo cụm để có kết quả tròn như phần bút đỏ sửa chữa sẽ đảm bảo yêu cầu “tính nhanh” của bài toán, nhưng lẽ ra kết quả này cũng phải trùng với kết quả theo cách tính bình thường.

Trao đổi với VietNamNet, thầy Nguyễn Cao Cường (giáo viên chuyên luyện thi môn Toán ở Hà Nội) cho rằng, trong trường hợp này, phần sửa chữa bằng bút đỏ đã sai và học sinh mới là người đưa ra đáp án và cách làm đúng.

“Đây là biểu thức chỉ có cộng trừ thì thứ tự thực hiện là từ trái qua phải nên kết quả phải là 74. Nếu tính theo cách của phần chữa bằng bút đỏ thì chỉ khi biểu thức có dấu ngoặc. Đối với biểu thức không có dấu ngoặc, nếu chỉ có phép cộng, trừ hoặc nhân, chia, ta thực hiện phép tính theo thứ tự từ trái sang phải. Đây là điều mà sách giáo khoa cũng nói rất rõ”, thầy Cường cho hay.

Thầy Phan Văn Thái, giáo viên chuyên Toán, Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) khẳng định, dù với cách tính nào đi chăng nữa thì kết quả của biểu thức này vẫn phải là 74. Do đó, lời giải ở phần bút đỏ đưa ra là không đúng.

Thầy Thái chỉ ra lỗi sai: “Trong một biểu thức chỉ có phép cộng và trừ thì chúng bình đẳng nhau và phải thực hiện từ trái qua phải. Trường hợp với yêu cầu tính nhanh thì nếu sau khi gộp như vậy, có thể hiểu là đưa vào trong ngoặc, thì lỗi sai của phần sửa bằng bút đỏ là chưa đổi dấu khi đưa vào trong ngoặc. Phép tính nếu có gộp để tính nhanh phải là (66-6) + (7+23) - (18-2), kết quả cuối cùng vẫn ra là 74".

Chia sẻ về câu chuyện này, anh Lê Hưng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho rằng, cần phải xem liệu đó có phải là giáo viên trong các trường phổ thông có nghiệp vụ sư phạm hay chỉ là các gia sư, giáo viên kiểu “nghiệp dư”; thậm chí không loại trừ các trường hợp "tạo tình huống giả định" rồi gắn cho cô giáo:

“Không chỉ là chuyện các giáo viên mà các bài tập trong các sách in trôi nổi thiếu kiểm định trên thị trường cũng có không ít các lỗi sai. Vì vậy, các phụ huynh cũng cần xác định rõ trước khi quy chụp chung cho tất cả các giáo viên hay sách bài tập, dẫn tới có cách nhìn sai lệch cho ngành giáo dục”.

Được biết, đây không phải lần đầu tiên một phép tính tiểu học gây tranh cãi như vậy. Trước đó, một bài tính nhanh khác có cả phép cộng trừ, nhân chia cũng từng khiến các bậc phụ huynh phải đau đầu khi cô và trò mỗi người đưa ra một đáp án, không biết ai đúng ai sai.

phep toan gay tranh cai 2

Phép toán đơn giản của học sinh tiểu học gây tranh cãi trước đó (Ảnh: Facebook)

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn