Là người chịu trách nhiệm cao nhất về hành trình bay cũng như sự an toàn của toàn bộ hành khách và phi hành đoàn, cơ trưởng là người hiểu rõ nhất về những nguy cơ mà họ phải đối mặt. Quá trình làm nghề cũng khiến họ phải trải qua nhiều tình huống nguy hiểm mà người bình thường không thể biết và rèn luyện bản lĩnh để có thể bình tĩnh, hành động sáng suốt trong mọi trường hợp.
Phi công tiết lộ điều sợ nhất khi lái máy bay
Trong cuốn sách Cockpit Confidential (Bí mật trong buồng lái), phi công Patrick Smith, 53 tuổi, tiết lộ về nỗi sợ hãi lớn nhất của các phi công khi ngồi trong khoang lái, đó chính là những thứ mà họ không thể kiểm soát.
"Chúng tôi không sợ mắc lỗi bằng việc trở thành nạn nhân của sai lầm do người khác gây ra, hoặc bị đặt vào tình huống bị động khi không có kỹ năng chuyên môn phù hợp", Smith cho biết.
Phi công này liệt kê một số nằm ngoài tầm kiểm soát khiến ông sợ hãi nhất: Những vụ hỏa hoạn do pin lithium, sự cố nổ khi đang bay tốc độ cao, đâm phải chim gây hỏng động cơ, va chạm dưới mặt đất...
Những vụ cháy nổ do pin điện thoại luôn là điều các phi công không hề muốn nghe khi đang ở trong khoang lái. Thực tế, nếu pin từ các thiết bị điện tử của hành khách phát nổ, việc xử lý và dập tắt đám cháy sẽ dễ dàng hơn nhiều so với khi điều này xảy ra ở khoang cất giữ hàng hóa bên dưới sàn máy bay.
“Mối nguy hiểm không phải là một đám cháy nhỏ trong cabin hành khách, nơi có thể dễ dàng dập tắt bằng bình chữa cháy cầm tay, mà là khả năng xảy ra một đám cháy lớn hơn không thể tiếp cận trong khoang hành lý hoặc khoang hàng hóa”, Smith chia sẻ. Đó là lý do các hãng hàng không yêu cầu bạn không cho pin vào hành lý ký gửi.
Các vụ chim đâm vào máy bay xảy ra khá thường xuyên đối với tất cả các hãng hàng không. Kể từ năm 1988 tới nay, có hơn 200 người chết trong tai nạn máy bay mà nguyên nhân liên quan tới chúng.
Những con chim đó nếu va vào máy bay và bị hút vào động cơ sẽ gây tổn thất nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng tới cả các bộ phận máy móc khác.
"Những con chim càng to, nặng càng tiềm tàng nguy cơ gây hỏng hóc. Dù không mắc kẹt trong động cơ, chúng vẫn có thể gây mất điện cục bộ do uốn cong hoặc bẻ gãy cánh quạt bên trong", Smith phân tích.
Ngoài ra, mưa đá cũng một trong những điều phi công sợ nhất khi lái máy bay vì nó có thể gây tổn hại nghiêm trọng, khiến họ rất khó xử lý. Vào giữa năm 2015, 400 hành khách trên chuyến bay của hãng Delta Airlines từ Mỹ tới Seoul đã có những phút giây kinh hoàng khi gặp phải một trận mưa đá trên hành trình.
Rất may là không có thương vong, nhưng máy bay bị hư hại khá nghiêm trọng. Mũi máy bay bị lõm một lỗ rất lớn; các bộ phận khác như cánh, đuôi, động cơ cũng bị hư hỏng.
Tại sao phi công thường thích bay đêm?
Nhiều người nghĩ rằng phi công khó quan sát hơn khi bay vào ban đêm bởi để nhìn rõ mọi thứ, mắt chúng ta cần ánh sáng và những vật để phản chiếu ánh sáng. Tuy nhiên, với phi công, việc quan sát vào ban đêm không thành vấn đề vì họ sẽ điều hướng bằng các thiết bị.
Đối với phi công, việc điều hướng ban đêm thực sự dễ dàng hơn nhiều so với ban ngày, khi mà bằng mắt thường, họ khó có thể phát hiện ra máy bay trong lớp mây trắng. Vào ban đêm, đèn tín hiệu liên tục nhấp nháy giúp phi công dễ dàng nhận ra máy bay ở các phía khác nhau. Đèn đường và đèn chỉ dẫn ở các sân bay cũng dễ dàng được nhìn thấy từ xa, giúp họ dễ dàng xác định phương hướng.
Bay vào ban đêm cũng là trải nghiệm tuyệt vời, đem lại cảm giác thư giãn hơn khi có thể ngắm nhìn thành phố sáng đèn bên dưới hay các vì sao từ trên cao.
Các phi công thích bay đêm cũng vì họ không còn khó chịu bởi ánh nắng chói chang của ban ngày chiếu thẳng vào cửa kính buồng lái, đặc biệt là lúc chạng vạng tối. Bầu trời vào ban đêm cũng giúp tinh thần họ thoải mái hơn.
Về phía các tiếp viên hàng không, ban đêm là thời gian hành khách nghỉ ngơi, vì vậy công việc của họ cũng sẽ nhẹ nhàng hơn so với ban ngày.