Nhà trường "quên" mua đủ thứ
Theo quy định của nhà trường mầm non tư thục Hoa Đô, mỗi học sinh phải đóng tiền ăn 25.000 đồng/ngày. Tính trung bình với khoảng 50 học sinh, mỗi ngày số tiền ăn trường thu vào khoảng 1.250.000 đồng. Tuy nhiên, theo một cán bộ từng phụ trách bếp ăn của nhà trường thì, lượng thức ăn mà trường mua cho các cháu chưa bao giờ quá 200.000 đồng/ngày. Điều này cũng được chứng thực qua hóa đơn mua hàng của nhà trường với Công ty thực phẩm N.P (Thanh Xuân, Hà Nội).
Ngoài ra, trong khẩu phần ăn của các cháu hàng ngày có hoa quả, sữa tươi hoặc sữa công thức trong bữa phụ... nhưng một số phụ huynh phản ánh, có hôm về nhà các cháu nói không có hoa quả và sữa. Thậm chí, có hôm nhà trường mua sữa đậu nành (làm thủ công đựng trong túi nilon) cho các cháu uống và bảo là… sữa tươi (?).
Đĩa dưa hấu 15 miếng mỏng dính này có giá... 60.000 đồng? |
Có hôm phụ huynh đến trường “đột kích” bếp ăn, không thấy hoa quả thì được các giáo viên trả lời: “Do bận quá nên chúng em quên mua hoa quả cho các con”. Còn việc không có sữa cho các con uống bữa chiều cũng được giáo viên trả lời: “Do mới hết sữa nên nhà trường chưa kịp mua”. Thậm chí, theo phản ánh của một số giáo viên từng làm việc tại trường, nhà trường đã dùng sữa bột của các phụ huynh gửi cho con, đổ vào một âu và pha loãng ra cho tất cả các cháu (cả lớp lớn và lớp bé) cùng uống.
Ngay sau khi có những phản ánh này, ngày 16/6 vừa qua, Hội Phụ huynh học sinh đã cử chị An Thị Bích Đảng (Hội trưởng Hội phụ huynh học sinh) và chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết (Thủ quỹ Hội Phụ huynh trường) phụ trách kiểm tra bữa ăn của các cháu. Theo kiểm tra, hôm đó, sĩ số các lớp đầy đủ nhưng lượng thức ăn cho các lớp rất ít. Tiền hoa quả tráng miệng của các cháu được tính 60.000 đồng/ngày nhưng khi kiểm tra, mỗi cháu chỉ được một miếng dưa hấu mỏng. Lớp lớn có 15 cháu nhưng chỉ có một tô canh nhỏ và cơm. Khi phụ huynh hỏi nhà trường còn thức ăn cho các cháu không thì được trả lời: “Các con ăn như vậy là đủ…”. Hai ngày sau (18/6), mẹ học sinh Nhật Giang và Khánh An tiếp tục đến trường kiểm tra bữa ăn của các cháu thì cũng chứng kiến lượng thức ăn rất ít nếu tính trên mỗi cháu.
Tiền ăn còn thừa nhưng thiếu lương, thưởng
Tại cuộc họp ngày 28/6 với phụ huynh học sinh, bà Thạch Thanh Hương - Hiệu phó Trường mầm non tư thục Hoa Đô cho rằng, không có chuyện “rút ruột” khẩu phần sữa của các cháu mà do nhà trường hết sữa và chưa kịp mua (?!).
Đồng thời, lãnh đạo nhà trường cũng thừa nhận: “Thực tế tiền ăn của các con thừa, nhà trường có mua toàn bộ số tiền này thì các con cũng không ăn hết. Trong khi đó, các chi phí khác như tiền thuê nhà, tiền lương, tiền thưởng … không đủ nên đã chuyển tiền ăn sang mục này”.
Chị Thu Hường- phụ huynh một học sinh đã bật khóc và cho biết: “Trước đây, nhà trường đã tổ chức họp phụ huynh. Tại buổi họp này, một số phụ huynh đề nghị nhà trường xem xét lại chất lượng bữa ăn cho các cháu. Nhà trường cho biết, tiền ăn chỉ 20.000 đồng/cháu nên chất lượng bữa ăn chỉ có vậy. Vì thế, phụ huynh thống nhất tăng tiền ăn lên 25.000 đồng/cháu. Bây giờ, nhà trường khẳng định tiền ăn thừa và để chi sang hoạt động khác là bất hợp lý. Điều này cũng được các phụ huynh tham dự cuộc họp không đồng tình”.
Trong phiếu thu tiền học gửi cho từng phụ huynh kể từ ngày 1/7, Trường mầm non tư thục Hoa Đô tiếp tục in thông báo với nội dung: “Hiện tại nhà trường chưa chi hết số tiền ăn đã thu. Phụ huynh yêu cầu phải chi hết số tiền thu đó để cải thiện bữa ăn cho các con (phụ huynh không cho phép lấy tiền ăn để làm lãi cho nhà trường). Nếu như chi hết như vậy, nhà trường không có lãi và không thể tiếp tục duy trì. Vì vậy, để đảm bảo chi hết tiền ăn cho các con mà nhà trường vẫn có thể tiếp tục duy trì, nhà trường sẽ phải thu thêm tiền học phí của các con là 100.000 đồng/trẻ/tháng”.
Chia sẻ với phóng viên, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, nếu nhà trường ghi trong thông báo là chuyển tiền ăn sang khoản khác thì nhà trường không nắm được quy định. Như thế là sai bởi về nguyên tắc, trường tư thục có thể hạch toán ở những khoản khác nhưng riêng tiền ăn, nhà trường phải chi đủ vào khẩu phần của trẻ theo đúng số tiền mà họ thỏa thuận thu với phụ huynh học sinh.
Cũng theo tìm hiểu của phóng viên, tại Khoản 4, Điều 23 (Quyết đinh 41 của Bộ GD&ĐT về tổ chức và hoạt động của trường mầm non tư thục), một trong những việc mà các trường mầm non không được phép làm là bớt xén khẩu phần ăn của trẻ.
Ông Lê Văn Bình, Trưởng phòng GD-ĐT quận Nam Từ Liêm cho biết: “Mầm non tư thục Hoa Đô là nhóm lớp, do UBND xã Mễ Trì (nay là phường Mễ Trì) phối hợp thành lập chứ không phải là trường mầm non.
Phòng GD-ĐT quận Nam Từ Liêm đang cho người kiểm tra xem trường có sai phạm như phụ huynh phản ảnh hay không. Tuy nhiên, về nguyên tắc, khoản gì phải rành mạch khoản đấy. Chẳng hạn xây dựng trường đã có tiền xây dựng, tiền ăn thì có khoản tiền ăn thu riêng... Vì thế, nên tách bạch các khoản chứ không được chuyển đổi như vậy”.
Theo BS Minh Hương (Trung tâm Tư vấn y tế sức khỏe Minh Hương - Tổng đài y tế, sức khỏe 1088), với trẻ khoảng 2 tuổi, khi đã bổ sung các chất khác như sữa, hoa quả, lipit đầy đủ thì cần 30g thịt /bữa mới đủ chất đạm. Như vậy, với cả trẻ lớp lớn và lớp bé khoảng 50 cháu như ở Trường mầm non Hoa Đô, ngoài các thức ăn khác, mỗi ngày các cháu cần có khoảng 3kg tôm, thịt/2 bữa mới đủ lượng đạm cần thiết. |