Phương pháp da tiếp da sau sinh có thực sự tốt?

14:00, Chủ nhật 01/05/2016

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Da tiếp da sau sinh là một phương pháp khá mới mẻ ở Việt Nam. Liệu phương pháp này có thực sự tốt cho mẹ và bé? Mời các mẹ tìm hiểu bài viết sau.

1. Da tiếp da là gì?

Phương pháp da tiếp da (hay còn gọi là skin to skin) sau sinh là đặt bé sơ sinh ở trần lên ngực trần của mẹ ngay sau khi sinh hoặc sớm nhất có thể sau khi sinh. Biện pháp này được đánh giá là tốt cho cả mẹ và bé; tuy nhiên, ở Việt Nam, nhiều mẹ còn khá lạ lẫm với phương pháp này bởi thông thường, sau khi sinh xong em bé sẽ được đưa đi làm vệ sinh, tắm rửa trước khi được đưa về nằm cạnh mẹ.

Mô tả ảnh.
Trẻ được lên ngực trần của mẹ ngay sau khi sinh theo phương pháp da tiếp da.

2. Các lợi ích của phương pháp da tiếp da

Phương pháp này mang đến rất nhiều lợi ích cho cả mẹ và bé. Cụ thể là:

- Tăng cường việc tiếp tục phát triển não: Da tiếp da là một trải nghiệm "đa giác quan" giúp gia tăng sự phát triển các mạch thần kinh và sự trưởng thành của não bộ.

- Giúp trẻ an tâm: Được mẹ ấp da tiếp da, chỉ sau 20', nồng độ hocmon stress cortisol đo được giảm đi đáng kể (hocmon này được phát ra một cách tự nhiên trong những phút đầu sau khi chào đời, giúp kích hoạt một số tuyến thần kinh, hócmon và men nội tại). Và, đặc biệt là cảm giác đau của bé cũng giảm đi đáng kể. Kết quả là, trẻ sơ sinh, được mẹ ấp thường xuyên ít khóc hơn và ít bị kích động hơn.

- Ổn định thân nhiệt cho trẻ: Mặc dù, trẻ sơ sinh mạnh khoẻ có khoảng 2%-5% trọng lượng cơ thể là mô mỡ nâu giúp giữ ấm cơ thể bé, bé vẫn cần được da tiếp da với mẹ để điều chỉnh và ổn định thân nhiệt, bởi vì duy trì nhiệt độ cơ thể ổn định là điều cần thiết cho sự phát triển liên tục của trẻ sơ sinh. Trong vòng vài phút sau khi mẹ bắt đầu ấp con, phần ngực của mẹ tự động điều chỉnh để "làm mát" hoặc "sưởi ấm" cho bé, để đáp ứng đúng nhiệt độ cơ thể cần thiết, gọi là "cơ chế điều nhiệt".

Mô tả ảnh.
 Da tiếp da giúp gia tăng sự phát triển các mạch thần kinh và não bộ.

- Hỗ trợ phát triển hệ miễn nhiễm: Hệ thống miễn dịch của em bé được kích thích khi được mẹ ấp da tiếp da. Hệ thống miễn dịch trưởng thành của mẹ truyền các kháng thể thông qua làn da của mẹ và sữa mẹ cho bé, tăng độ ẩm cho da bé và tạo một lớp bảo vệ chống vi khuẩn có hại thâm nhập qua da của bé.

- Hấp thụ dinh dưỡng tốt: Phương pháp mẹ ấp con giúp giảm hocmon stress cortisol + somatostatin ở trẻ sơ sinh, giúp bé hấp thụ tốt nhất sữa non của mẹ và chuyển hoá năng lượng dữ trữ từ glycogen và mô mỡ trắng, giúp tiêu hoá và hấp thu dưỡng chất tốt hơn, giúp nuôi não tối ưu và giảm các vấn đề tiêu hóa. Chỉ sau một giờ da tiếp da, hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh khôi phục lại sự cân bằng tạo nên "chức năng tiêu hóa" tối ưu.

- Ổn định nhịp tim và nhịp thở: Như được "dẫn dắt" bởi nhịp tim và nhịp thở đều đặn của mẹ, và sự điều tiết tối ưu của các hocmon cần thiết, nên khi được tiếp da với mẹ, cơ thể bé học cách tự điều chỉnh để có nhịp thở và nhịp tim ổn đinh. Khảo sát cho thấy 75% trường hợp hơi thở yếu và nhịp tim chậm được tự điều chỉnh chỉ nhờ được mẹ ấp da-tiếp-da.

- Gia tăng khả năng bú mẹ: Nghiên cứu cho thấy trẻ sơ sinh được mẹ ấp tiếp da sớm ngay sau khi chào đời, có khả năng bú mẹ trong giờ đầu tiên gấp hai lần so với trẻ được quấn khăn. 60 phút da tiếp da làm tăng hocmon prolactin ở mẹ giúp tạo sữa và giúp bé bú mẹ liên tục.

Mô tả ảnh.
Da tiếp da giúp bé hấp thụ tốt nhất sữa non của mẹ.

3. Cách mẹ thực hành phương pháp da tiếp da đúng cách

Bé chỉ mặc tã, người để trần được ấp trên ngực trần của mẹ. Bé được đắp khăn che kín lưng, hoặc được ấp trên ngực trần của mẹ bên trong áo mẹ. Thời gian ấp càng sớm càng tốt ngay sau khi chào đời trong ít nhất 1 tiếng 1 lần, và càng liên tục càng tốt. Và bé được bú ti sữa non mẹ trực tiếp càng sớm càng tốt, từ 8 - 12 cữ trong 3 ngày đầu tiên, nếu có thể, tiếp tục trong tuần đầu tiên.

Tất tần tật về thai máy mẹ cần biết
Tất tần tật về thai máy mẹ cần biết
(Làm Mẹ) - (Phunutoday) - Thai máy không chỉ là một biểu hiện rằng thai nhi đang hoạt động mà còn nhiều điều thú vị hơn. Dưới đây là những điều mẹ cần biết về thai máy:
chia sẻ bài viết
Theo:  khoevadep.com.vn copy link
Tác giả: Tú Linh