Tháng 11/2013 Bộ GTVT đã trình Thủ tướng dự thảo hạn chế phương tiện cá nhân vào nội đô, áp dụng với hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM. Theo đó, ô tô, xe máy sẽ bị đề xuất thu thêm hai loại phí nữa là "phí lưu hành nội đô" và "phí trông giữ xe".
Như vậy, người ta tính được sơ sơ mỗi loại ô tô, xe máy sẽ phải cõng tổng cộng khoảng hơn 10 loại thuế, phí. Theo tính toán của một chuyên gia, nếu dự thảo này được thông qua, đối với ô tô, tổng hợp các loại phí có thể lên đến ít nhất 70 triệu đồng/năm. Đối với người sở hữu xe máy là 31 triệu đồng/năm.
Các loại phí, lệ phí với ô tô, xe máy |
Những con số kể trên quả thực khiến ai nghe đến cũng phải giật mình!
Chẳng là với một đất nước nghèo, thu nhập người dân còn thấp (GDP đầu người đang cố đạt chỉ tiêu tới cuối năm 2013 là 2.300 USD/người/năm) như ở Việt Nam, việc mỗi loại ô tô, xe máy cõng đến 10 loại thuế phí chẳng khác nào gánh nặng lớn trên những đôi vai còm cõi.
Thế nhưng quý vị đừng vội thấy thế mà kêu toáng lên rằng dân đang è cổ, còng lưng đóng thuế. Bởi xin thưa chẳng ai bắt quý vị đi ô tô, xe máy cả. Đấy là sự lựa chọn tự nguyện của mỗi người còn gì.
Nếu mọi người không muốn đóng phí thì thôi, sử dụng các phương tiện giao thông công cộng đi, đừng lưu hành ô tô, xe máy cá nhân nữa. Còn nếu đã chọn đi xe cá nhân thì phải cắn răng mà đóng thuế phí. Ai bảo cứ thích đi xe riêng, vừa gây hư hại cho đường xá, lại góp phần vào ùn tắc, kẹt xe, tai nạn...
Mà nói 10 loại thuế phí nghe có vẻ to tát vậy thôi, chứ loại nào cũng có lý của nó đấy chứ. Này nhé, nào là phí kiểm định, lệ phí trước bạ, phí cấp giấy đăng ký biển số, thuế bảo vệ môi trường, phí bảo trì đường bộ và dự kiến 2 loại nữa là phí lưu hành nội đô và trông giữ xe... Quý vị xem xem, có loại nào trùng nhau dẫn đến tình trạng phí chồng phí đâu.
Người ta cứ hay nói cán bộ, công chức ở ta cắp ô, làm việc không hiệu quả vậy thôi chứ một khi đã làm việc là đâu ra đấy lắm. Như việc thu thuế phí ấy, không thu thì thôi chứ đã thu là hợp lý, hợp tình, tuyệt nhiên không có loại nào chồng loại nào. Cho nên mọi người cũng đừng mất công kêu ca làm gì. Tự giác và nghiêm chỉnh chấp hành nhanh còn kịp.Thậm chí, một số người tự nhân là thông thái, biết nhìn xa trông rộng đã gấp gáp khuyến cáo chị em phụ nữ chuẩn bị tinh thần mà đóng phí "giầy cao gót" đi là vừa. Nghe ra thì thấy có lý vô cùng,
Theo đó, giầy cao gót của chị em cũng hại đường xá ghê chẳng kém ô tô xe máy. Hơn nữa, thời gian gần đây, ngày càng phổ biến tình trạng chị em đã đi giầy cao gót lại còn ăn mặc hở hang, lượn đi lượn lại trên đường. Nguyên nhân này còn dễ gây tắc đường, tai nạn hơn nhiều so với những nguyên nhân mà báo chí, hay các cơ quan chức năng cứ ra rả nêu lên trước đây.
Cho nên đã truy thu để bảo vệ đường xá, hạn chế việc tăng xe cá nhân, giảm thiểu kẹt xe, tai nạn thì không thể không thu phí "giầy cao gót" của các chị em. Gây ảnh hưởng như thế mà không phạt nặng, chỉ yêu cầu chị em đóng phí rõ là "giơ cao đánh khẽ" với phái yếu lắm rồi.