Sau khi sinh con, nhiều mẹ bỉm sữa vì hoàn cảnh nên phải ở nhà chăm con, thế nhưng thay vì thấu hiểu, thông cảm cho vợ, nhiều người chồng lại tỏ ra cáu gắt, coi thường vợ.
Dù tổn thương nhưng nhiều phụ nữ vẫn phải "ngậm đắng nuốt cay" khi bị coi là kẻ ăn bám. Có người còn lên mạng chia sẻ nỗi lòng: “Cay đắng quá, không ngờ anh ấy lại đối xử với mình như vậy”.
Mới đây dòng trạng thái với tựa đề “Câu chuyện ĂN BÁM” của bà mẹ bỉm sữa sinh năm 1996 chia sẻ trên mạng xã hội đã gây sốt cộng đồng mạng. Theo chia sẻ của người mẹ trẻ này, cô chọn ở nhà chăm con từ khi sinh con và đến nay con đã tròn 17 tháng tuổi. Dòng trạng thái đã liệt kê những vất vả, khóc khăn, những khổ cực, tủi hờn của người mẹ ở nhà chăm con.
Dòng trạng thái có viết:
“Người không đi làm, ở nhà chăm con, sẽ được mang tiếng là" ăn bám".
Kẻ ăn bám thì không được coi trọng. Phải thức trông con cho người đi làm ngủ, phải giữ con cho người đi làm ăn cơm trước, phải làm tất tần tật việc nhà, và phải đảm bảo cơm dẻo canh ngọt cho người đi làm về ăn.
Kẻ ăn bám thì có thể không cần ăn sáng, cơm mỗi bữa có ăn ít 1 chút cũng không sao, vì ở nhà thì đâu có mệt như người đi làm?
Kẻ ăn bám thì vốn dĩ đâu có việc gì để làm? Sáng có thể nướng thêm 1 chút, rồi dậy vệ sinh cho con, thay bỉm, rồi nấu đồ ăn cho con,tranh thủ chờ đồ ăn chín, thì cho con uống vitamin, sau đó cho con ăn, cho uống, rồi trông con chơi, trong thời gian con chơi, tranh thủ đặt nồi cơm, nấu đồ ăn cho gia đình, con mà quấy thì tay bế tay nấu. Được cái con nhỏ thì lúc nào cũng quấy, chỉ ngủ trưa chừng 1,5-2h.
Tối đến sau bữa cơm là khoảng thời gian hạnh phúc,. Kẻ ăn bám có thể được xem tivi và trông con, nhưng cũng có khi là tranh thủ làm vài việc khi không vướng con. Như là dọn dẹp, chuẩn bị đồ ăn cho ngày hôm sau, thu xếp lại vài thứ, giặt giũ, phơi phóng. Có những khi xong việc cũng khuya, nửa đêm kẻ ăn bám phải dậy dỗ con ngủ lại cho ngon.
Thế là hết 1 ngày thật dài...
Đây là câu chuyện có thật dựa trên những tháng ngày đã qua của 1 số đông các bà mẹ bỉm sữa hiện tại. Không phải câu chuyện của riêng ai, cũng không có ai ưu ái gọi mình là kẻ ăn bám. Nhưng vô hình chung tất cả những mẹ bỉm sữa chăm con, đúng thật là KẺ ĂN BÁM đáng thương, họ không có phải làm việc gì cả,họ đang sống bằng đồng tiền mồ hôi của người khác, họ thật sung sướng.
Nhưng có những khi, kẻ ăn bám thật sự, thật sự mệt mỏi.
Vì không phải lúc nào con cũng khỏe mạnh tươi vui, không phải lúc nào con cũng tự chơi, không phải lúc nào con cũng ngoan. Con hay bày bừa, phá phách, rũ tung, xé toạc mọi thứ, con ăn, ỉa, nôn trớ khắp mọi nơi, con nghịch đủ mọi thứ, con rúc chỗ nọ, móc chỗ kia, con ăn vạ,con ngang bướng....
Có những lúc đầu óc, và sự kiên nhẫn, đôi khi muốn nổ tung! Chúng tôi không thơm tho, chúng tôi bù xù, lôi thôi, và chúng tôi cáu gắt khó tính. Chúng tôi nếu chưa kịp làm việc gì, là sẽ có câu hỏi: "ở nhà làm cái gì mà còn chưa.....!".
Chúng tôi đâu có làm gì đâu. Chúng tôi rảnh quá mà, chúng tôi là những kẻ ĂN BÁM.
Không phải kể lể, ai có con mà chẳng phải vậy? Nhưng nếu so sánh việc ở nhà với đi làm, thì chúng tôi- những người phụ nữ ở nhà chăm con, lương sẽ rất cao. Vì chúng tôi không làm giờ hành chính 8 tiếng 1 ngày. Giờ hành chính của chúng tôi gần như 20 tiếng 1 ngày.
20 tiếng áp lực, la hét, mệt mỏi, cáu gắt.
20 tiếng chúng tôi phải bỏ hết năng suất, để những người đi làm, đỡ mệt mỏi.
20 tiếng chúng tôi chiến đấu, không vì gì hết! Chỉ là nghĩa vụ của tất cả những phụ nữ, làm mẹ.
20 tiếng! Ai trả lương cho chúng tôi? Hay chỉ cần vuốt tóc tơ con đang say ngủ, nhìn chồng ăn bữa cơm ngon, là chúng tôi thấy mệt mỏi chẳng là gì.
Chúng tôi hi sinh không vì gì, không ai ghi nhận, không lương, không 1 lời cảm ơn!
Nhưng chúng tôi vẫn đang cố gắng, vậy đừng vì cho chúng tôi miếng cơm, mà nghĩ chúng tôi ăn bám.”
Ngay sau khi dòng trạng thái được đăng tải đã nhận được sự quan tâm, cũng như sự đồng tình của hội chị em, nhất là những bà mẹ bỉm sữa ở nhà chăm con. Bởi lẽ, đây không chỉ là nỗi niềm của riêng bà mẹ bỉm sữa sinh năm 1996 này, mà còn là tâm tư của rất nhiều bà mẹ bỉm sữa đang ở nhà nuôi con khác.
Chị Minh Ánh (Hà Nội) viết: “Các ông chồng hãy nhớ rằng, nếu không có người vợ tần tảo sớm hôm chắc gì các anh có thể yên tâm công tác? Chưa kể, cô ấy là người hy sinh thời gian, quên cả bản thân để cơm nước, vun vén cho chồng con. Chỉ có những người chồng vô tâm mới nói rằng vợ là kẻ “ăn bám”. Chính các anh đang tự hạ thấp giá trị của mình đấy”.
“Cuộc đời vốn dĩ đã chuộng đàn ông hơn phụ nữ. Con ngoan thì là do bố, ông bà mà con hư thì tại mẹ ở gần con ngày ngày mà không dạy dỗ tới nơi tới chốn. Tôi cũng là một điển hình khi thường xuyên bị chồng và nhà chồng hờn trách quá chiều con. Tôi thấu hiểu được nỗi lòng của các chị em... Mong rằng mọi người chồng đều hiểu được nỗi khổ của chị em chúng tôi”, Nguyễn Chi lên tiếng.
Ai cũng nghĩ rằng, ở nhà chăm con có gì khổ cực, có gì vất vả đâu chứ, nhưng phải đến khi mình là họ, mới biết những bà mẹ bỉm sữa ấy đã khổ cực thế nào. Họ mệt mỏi vì đang dọn nhà mà con quấy khóc, đang thay quần áo con đòi bế... hay muốn vàn nổi khổ cực khác.
Thậm chí, nấu ăn cũng bế con, ăn cơm cũng bế con, mọi thứ đều phải làm song song. Vậy thử hỏi, họ đã mệt mỏi, vật lộn vì con như vậy chưa đủ hay sao mà các đức ông chồng lại nghĩ rằng việc đó là nhàn hạ, làm ăn bám, là "trốn việc quan ở chùa"...
Vậy nên, mong rằng qua câu chuyện này, cũng là 1 lời nhắn gửi tới người chồng, những người thân sẽ hiểu nỗi khổ của người mẹ ở nhà chăm con hơn.