Lòng già là một phần nội tạng lợn được nhiều người yêu thích. Khi nấu lên, lòng già vừa mềm mềm lại có chút dai dai. Tuy nhiên, lòng già có mùi hôi đặc trưng. Nếu không chế biến đúng cách, món ăn sẽ hỏng.
Lòng già là nơi chứa chất thải của lợn vì vậy khâu sơ chế phải cẩn thận để loại bỏ hết chất bẩn, khử mùi hôi tanh.
Làm sạch lòng già bằng bột mì và rượu
Lòng già mua về nên cắt bỏ phần mỡ béo xung quanh rồi xả nước rửa qua. Lộn mặt bên trong của lòng già và rửa với nước sạch.
Cho lòng già vào chậu, đổ bột mì vào và dùng tay bóp đều. Bột mì sẽ giúp hút các chất bẩn bám trên bề mặt lòng già.
Sau đó, lộn lại mặt ngoài của lòng già và tiếp tục cho bột mì vào bóp đều.
Tiếp đến, cho rượu nấu ăn (hoặc rượu trắng) vào xoa lên cả mặt trong và mặt ngoài của lòng già.
Cuối cùng, rửa lại lòng già dưới vòi nước cho hết các chất bẩn.
Làm sạch lòng già với muối, giấm và nước vo gạo
Cho lòng già vào chậu nước, thêm một ít muối, giấm và ngâm trong khoảng 15 phút.
Sau đó, lộn mặt trong của lòng già ra và rửa cho sạch chất bẩn, nhớt.
Tiếp đến, cho lòng già vào chậu nước vo gạo. Chà xát vài lần để lòng già sạch hoàn toàn. Ngâm lòng già trong nước vo gạo vài phút cho các chất bẩn còn lại bong ra.
Cuối cùng, rửa lòng già dưới vòi nước cho hết phần nhớt và để ráo rồi đem đi chế biến.
Làm sạch lòng già bằng giấm và phèn chua
Lòng già mua về rửa dưới vòi nước sạch cả mặt trong và mặt ngoài.
Tiếp đến, cho một ít giấm và phèn chua vào chậu nước, khuấy tan. Cho lòng già vào rửa trong nước này. Nhớ lộn cả mặt trong của lòng già để làm sạch chất bẩn.
Cuối cùng, rửa lòng già dưới vòi nước sạch cho hết chất bẩn.
Làm sạch lòng già bằng nước dưa chua
Nếu trong nhà có nước dưa cải muối chua, bạn có thể tận dụng nó để rửa lòng già.
Rửa và chà xát lòng già với nước dưa cải chua 2 lần để làm sạch nhớt và mùi hôi (rửa cả mặt trong và ngoài). Sau đó, rửa lại lòng già với nước sạch vài lần.
Nếu muốn, bạn có thể cho thêm một ít rượu nấu ăn trong quá trình nấu lòng già để khử mùi hôi hiệu quả hơn.