Theo các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Y tế và khoa học Oregon (Mỹ) thì rượu đã ảnh hưởng đến mối quan hệ tình cảm. Họ đã sử dụng những con chuột đồng để tìm ra lý giải cho việc này. Bởi chuột đồng là loài nổi tiếng về sự chung thủy, thường được dùng trong các nghiên cứu về sự gắn kết và chế độ một vợ - một chồng ở người, vì chúng giao phối suốt đời. Và điều đặc biệt là chuột đồng đôi khi cũng thích đồ uống mạnh như con người.
Các nhà nghiên cứu đã cho chuột đồng được cho uống rượu vodka. Trong suốt 24 tiếng đồng hồ, các cặp chuột đực - cái chưa từng giao phối trước đó, được cho ở cùng nhau và uống rượu. Tiếp đến, các con chuột này được tách riêng và cho cặp đôi với một con mới.
Nhóm nghiên cứu sau đó quan sát và phân tích những hành vi của chuột đồng do say rượu. Họ đã phát hiện các khác biệt hành vi giữa những con đực và con cái khi không còn tỉnh táo.
Khi rượu tác động lên não, các con chuột đực trở nên mất kiểm soát, có xu hướng thích phá phách. Trong khi đó, các con chuột cái có hơi men trở nên lo âu hơn và thèm muốn tựa vào bờ vai khác.
Các con chuột đực say rượu cũng tỏ ra thích những bạn tình mới hơn những con cái ban đầu và có xu hướng phản bội nhiều hơn. Trong khi đó, các con cái thiếu tỉnh táo thích bạn tình ban đầu hơn bạn tình mới, và mong muốn nhiều thời gian ôm ấp, vuốt ve hơn với tình cũ. Điều thú vị là, hiện tượng ngược lại đã xảy ra đối với nhóm chuột đồng đối chiếu, không được cho uống rượu cồn.
Theo nhóm nghiên cứu, sự tác động của cồn lên các peptit thần kinh gắn liền với sự lo âu theo chiều hướng khác nhau giữa chuột đực và chuột cái. Các con đực cho thấy sự gia tăng mật độ những chất dẫn truyền thần kinh này ở hạch hạnh nhân, gắn liền với sự giảm lo âu, trong khi ở các con cái không như vậy.
Các chuyên gia cho rằng, chính việc giảm lo âu đã khiến các con đực nhiều khả năng chán ghét tình cũ và sa ngã với tình mới hơn. Điều ngược lại đã xảy ra với các con cái.
Nhóm nghiên cứu kết luận: "Đây là lần đầu tiên chúng tôi chứng minh được việc uống rượu cồn có thể ảnh hưởng trực tiếp tới sự ràng buộc quan hệ xã hội, và những ảnh hưởng này xảy ra song song với những thay đổi ở các peptit thần kinh.
Điều đó có nghĩa là, chúng ta có thể sử dụng chuột đồng để mô phỏng không chỉ hành vi liên quan đến rượu cồn của con người, mà còn những khác biệt tiềm ẩn ở cấp độ phân tử trong những hành vi đó. Cần có thêm nhiều nghiên cứu nữa, nhưng việc tách bạch giữa ảnh hưởng sinh học và các ảnh hưởng xã hội có thể dẫn tới những cách chữa trị tốt hơn đối với chứng nghiện rượu và các xung đột cá nhân từ đó".