Buổi sáng nên ăn xôi hay bún, phở?
Ăn sáng là việc tưởng đơn giản nhưng ăn thế nào cho đảm bảo khoa học, đầy đủ dinh dưỡng thì không phải ai cũng làm được.
TS. BS Từ Ngữ, Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam cho biết, xét về tổng thể thì hầu hết mọi người hiện nay đều chưa thực sự ăn sáng một cách khoa học và hợp lý: "Khi chúng ta đã gọi là bữa ăn (bữa sáng) thì điều quan trọng nhất là ăn khoa học và hợp lý. Đó phải là bữa ăn cân đối giữa các món. Tuy nhiên, bữa sáng của rất nhiều người chưa có sự cân đối đó".
Theo chuyên gia, lựa chọn bữa sáng như thế nào chủ yếu dựa vào điều kiện kinh tế, tính chất công việc và sở thích của mỗi người. Ví dụ, nếu bạn là dân văn phòng, học sinh, sinh viên thì bữa sáng có thể ăn nhẹ nhàng bằng bánh mì, bún, phở... Trong khi đó, người lao động nặng hơn thì thường ăn sáng bằng xôi, cơm nắm...
Lấy ví dụ về xôi và bún, TS Từ Ngữ cho rằng dù lựa chọn món ăn nào thì bữa sáng vẫn chưa có sự cân đối về chất. Với món xôi xéo, dù có các thành phần protein, lipid từ đậu xanh, mỡ hành nhưng số lượng lại ít, thành phần nhiều nhất vẫn là gluxit. Đối với bún, phở thì rõ ràng nhiều chất hơn nhưng lượng chất xơ và vitamin lại hạn chế vì ít rau.
Nếu so sánh về mặt chất lượng thì việc ăn một bát bún, phở sẽ cân đối hơn so với ăn một gói xôi. Điều đó cũng dễ hiểu hơn vì chi phí cho bát bún, phở thường cao hơn xôi rất nhiều. Tuy nhiên, để no bụng thì ăn bún không bằng ăn xôi. Đây là lý do vì sao dân lao động thường chọn ăn xôi còn dân văn phòng hay ăn bún phở vào buổi sáng.
TS Từ Ngữ đưa ra lời khuyên là không được bỏ bữa sáng. Bữa ăn phải có thành phần tinh bột (gluxit) và nên bổ sung lượng rau xanh nhiều hơn dù bạn chọn ăn món gì.
TS Từ Ngữ phân tích: "Một bữa ăn hợp lý, kể cả về mặt sinh lý con người, kinh tế, môi trường, văn hóa… thì thông thường lượng protein chỉ nên chiếm 13-15%. Lượng lipid thì tùy theo môi trường sống là nóng hay lạnh, nhưng nó chiếm khoảng 25-30%. Còn 50% còn lại sẽ là gluxit. Tuy nhiên, khi ăn cần đa dạng, cân đối các chất, còn nếu bữa này ăn nguyên cơm, bữa sau ăn nguyên thịt thì dù tổng số lượng một ngày vẫn đủ, nhưng không được coi là bữa ăn khoa học".
Tinh bột là thành phần quan trọng, không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày, kể cả bữa sáng
Như phân tích của TS Từ Ngữ, tinh bột có vai trò quan trọng đối với cơ thể, chiếm đến 50% thành phần bữa ăn. Trong thực tế, không ít người cắt giảm tinh bột trong bữa ăn hàng ngày để giảm cân, nhất là vào bữa sáng. Các chuyên gia cho rằng đây là một việc nguy hiểm.
TS.BS Nguyễn Trọng Hưng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết chế độ ăn uống của con người được cung cấp và cân đối từ 3 chất sinh nhiệt là bột đường, đạm và chất béo. Nếu giảm toàn bộ tinh bột thì cơ thể sẽ mất đi một nguồn năng lượng lớn.
Theo khuyến nghị, lượng chất bột đường nạp vào cơ thể nên cung cấp 45-60% năng lượng mỗi ngày cho một người trưởng thành bình thường. Vì vậy, giảm hoặc cắt hoàn toàn nguồn bột đường ra khỏi chế độ ăn uống là hành động phản khoa học.
Những người không được cung cấp đủ bột đường thông qua chế độ ăn uống có thể sẽ gặp phải tình trạng choáng váng, đầu óc không tỉnh táo. Dù có ăn hoa quả hay một lượng chất xơ nhất định cũng không thể khắc phục được. Đặc biệt, một số tế bào như hồng cầu, tế bào não của cơ thể sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu bạn áp dụng chế độ ăn thiếu tinh bột. Nguyên nhân là do những tế bào này chỉ sử dụng đường làm năng lượng hoạt động.
Tinh bột sẽ cung cấp những chất tham gia cấu trúc tế bào như Glucose, ribose, galactose… từ đó nuôi dưỡng tế bào hồng cầu, thần kinh... Ngoài ra, tinh bột cũng kích thích nhu động ruột nhờ cung cấp nguồn chất xơ cho cơ thể.
BS Hưng cho biết để xác định lượng tinh bột của một người phụ thuộc vào nhiều yếu tố như độ tuổi, giới tính, cân nặng, chiều cao, tình trạng sức khỏe, công việc... Chẳng hạn như một người trưởng thành có cân nặng trong giới hạn bình thường với mức độ lao động nhẹ thì có thể chỉ cần ăn 1 bát cơm/bữa là đủ cung cấp nhu cầu tinh bột của cơ thể.