Tuy ở Việt Nam, bình đẳng giới đã có nhiều tiến bộ trong các thập kỷ qua, nhưng việc lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới vẫn tiếp tục tồn tại dai dẳng trong xã hội. Việt Nam lần đầu ghi nhận sự mất cân bằng về tỷ số giới tính khi sinh vào năm 2004, và từ năm 2005, tỷ số này gia tăng nhanh chóng.
Theo Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019, tỷ số giới tính khi sinh năm 2019 là 111,5 bé trai được sinh ra trên 100 bé gái, trong khi tỷ số “tự nhiên” là 105 bé trai trên 100 bé gái. Dựa trên sự mất cân bằng tỷ số giới tính, Báo cáo Thực trạng Dân số thế giới năm 2020 ước tính Việt Nam sẽ thiếu hụt 40.800 trẻ sơ sinh gái mỗi năm.
Sức khỏe& Đời sống dẫn lời ông Phạm Ngọc Tiến- Vụ trưởng Vụ bình đẳng giới, Bộ LĐTB-XH: "Việt Nam luôn coi bình đẳng giới vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển bền vững. Chúng tôi đã xây dựng và đang tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý để thực hiện ngày càng tốt hơn lĩnh vực công tác cũng còn đang mới mẻ này. Tuy vậy, do chịu ảnh hưởng nặng nề của quan niệm Nho giáo, nên những quan niệm bất bình đẳng giới vẫn còn nhiều.
Mất cân bằng giới tính khi sinh xuất phát từ các chuẩn mực xã hội phổ biến việc trọng nam hơn nữ, sính con trai hơn con gái. Việc đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên cũng là một trong những mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 mà chúng tôi đang xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2020 này".
Báo cáo Tình trạng Dân số Thế giới năm 2020 của UNFPA chỉ ra rằng, mỗi năm trên thế giới có hàng triệu trẻ em gái là nạn nhân của các thực hành có hại ảnh hưởng tới cả thể chất và tinh thần của các em.
Ước tính trong năm nay, 4,1 triệu trẻ em gái sẽ phải trải qua hủ tục cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ. Hiện nay, 33.000 trẻ em gái dưới 18 tuổi sẽ bị ép buộc kết hôn với những người chồng thường lớn hơn các em rất nhiều tuổi. Cùng với đó, tâm lý ưa thích con trai hơn con gái diễn ra tại một số quốc gia đã tiếp tay cho sự phát triển của vấn nạn lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới và sao nhãng trẻ em gái, dẫn đến cái chết của nhiều trẻ em gái và sự “thiếu hụt” tới 140 triệu nữ giới.
Theo Giám đốc điều hành của UNFPA, Tiến sĩ Natalia Kanem "chúng ta cần cần làm tốt hơn nữa công tác hỗ trợ cộng đồng để họ tự hiểu được tác động tiêu cực mà những thực hành này đang gây ra cho các bé gái và lợi ích mà xã hội sẽ được hưởng khi chấm dứt những thực hành đó.