Sổ đỏ bị rách, ố, nhòe hư hỏng có được cấp lại không?
Theo quy định điểm b Khoản 1 Điều 76 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, người sử dụng đất có quyền yêu cầu cấp lại sổ đỏ khi sổ đỏ bị ố, nhòe, rách, hư hỏng.
Thủ tục, chi phí xin cấp lại sổ đỏ bị rách, ố, nhòe hư hỏng
+ Hồ sơ chuẩn bị
Hồ sơ chuẩn bị gồm những giấy tờ: Đơn đề nghị cấp đổi sổ đỏ theo Mẫu số 10/ĐK; Bản gốc sổ đỏ đã cấp.
+ Quy trình xin cấp lại
Sau khi chuẩn bị xong hồ sơ xin cấp lại sổ đỏ bị rách, ố, nhòe hư hỏng, người sử dụng đất nộp tại Văn phòng đăng ký đất đai, chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai. Hoặc Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã (chỉ áp dụng với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có nhu cầu).
Thời gian giải quyết yêu cầu xin cấp lại sổ đỏ, không quá 7 ngày từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ. Riêng trường hợp cấp đổi đồng loạt cho nhiều người sử dụng đất do đo vẽ lại bản đồ, thời gian giải quyết hồ sơ không quá 50 ngày.
Đối với các xã vùng núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa... thời hạn cấp đổi sổ đỏ bị ố, nhòe, rách, hư hỏng là không quá 17 ngày. Trường hợp cấp đổi đồng loạt cho nhiều người sử dụng đất do đo vẽ lại bản đồ là không quá 60 ngày.
Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì trong thời gian không quá 3 ngày làm việc, cơ quan tiếp nhận, xử lý hồ sơ phải thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.
+ Chi phí cấp lại sổ đỏ bị rách, ố nhòe hư hỏng
Theo mục B3 Điều 3 Thông tư 02/2014/TT-BTC hướng dẫn về phí và lệ phí cấp lại sổ đỏ không quá 50.000 đồng/lần.
Trường hợp giấy chứng nhận cấp cho hộ gia đình, cá nhân chỉ có quyền sử dụng đất (không có nhà và tài sản khác gắn liền với đất) thì áp dụng mức thu tối đa không quá 20.000 đồng/lần cấp đối với cấp đổi sổ đỏ, sổ hồng.
Có nên ép plastic sổ đỏ?
Ép Plastic, Ép lụa, Ép dẻo các loại giấy tờ quan trọng đã là thói quen đối với nhiều người dân Việt Nam. Trong các giấy tờ quan trọng, thì Sổ đỏ có lẽ là loại giấy tờ được đánh giá là quan trọng nhất. Những loại giấy tờ chỉ có in dấu mực thì người dân có thể ép dẻo nhưng đối với những giấy tờ có dập dấu nổi như Sổ Đỏ… thì tuyệt đối không được, bởi các lý do sau đây:
+ Thứ nhất, trong quá trình cán ép đã làm mất, mờ đi các dấu nổi giáp lai ở ảnh nhận dạng. Trường hợp khi bóc lớp Plastic ở một số loại giấy tờ thì đã bóc mất luôn cả ký hiệu bảo mật, hoặc khi ép để lọt các bọt khí vào, từ những chỗ đó theo thời gian làm ố mốc các loại giấy tờ không thể luận ra chữ hay nhìn rõ ảnh của chủ sở hữu. Đây là những nguyên nhân chính làm mất đi giá trị pháp lý của các loại giấy tờ.
+ Thứ hai, Sổ đỏ khi cấp sẽ được Cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ in hoặc viết trực tiếp, đóng dấu lên Sổ đỏ khi có thay đổi, bổ sung những thông tin liên quan đến Sổ Đỏ như: sang tên tại trang 4 khi chuyển nhượng; thừa kế; tặng cho; góp vốn; đăng ký, xóa thế chấp. Vì vậy, khi được ép plastic sẽ làm cho những thay đổi, bổ sung trên Sổ Đỏ không thể thực hiện được.
+ Thứ ba, việc ép plastic đối với sổ đỏ làm cho việc thẩm tra, xác định sổ đỏ thật, sổ đỏ giả khó phân biệt được.
+ Thứ tư, Theo quy định tại điểm b khoản 1 điều 76 Nghị định 43/2014 NĐ-CP thì Sổ Đỏ đã ép Plastic bị coi là hư hỏng và phải làm thủ tục cấp lại Sổ đỏ. Việc ép plastic cũng được ghi rất rõ là hành vi bị cấm trên chính Sổ đỏ.
Trên thực tế khi giao dịch (mua bán, chuyển nhượng, thế chấp, sang tên sổ đỏ) người đã ép plastic cũng không bị buộc phải cấp lại sổ đỏ sau đó mới thực hiện giao dịch chuyển nhượng.