Sinh ra sau giây phút kinh hoàng, cha dùng dao phay rạch bụng mẹ để cứu con, rồi vừa cất tiếng khóc chào đời, em đã mất mẹ vĩnh viễn. Cha em vì ám ảnh với chính mình mà trở nên điên dại...
Đau đớn hơn, cô gái được sống nhờ sự hy sinh của mẹ ngày nào giờ đây phải sống trong cơ cực và đối mặt với nguy cơ hai mắt mù loà.
Ca đỡ đẻ “có một không hai”
Hơn 18 năm qua đi, nhưng câu chuyện về người chồng rạch bụng vợ để cứu con vẫn còn ám ảnh nhiều người. Đứa bé trong câu chuyện này tên là Trần Thị Mỹ Xuyến (SN 1996, ngụ tại thôn Phước Hoà, xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên).
Không phải chịu sự trừng phạt của pháp luật nhưng có lẽ bản án lương tâm khiến bố Xuyến luôn dằn vặt, đau khổ. Bỏ mặc con nhỏ cho hàng xóm trông nom, người cha ngày ngày chìm trong cơn sầu muộn và tìm đến rượu để giải sầu. Ba ngày sau, bố Xuyến hóa điên, bỏ mặc con gái út ở nhà, dắt 2 đứa con trai ra đi biệt xứ. Nhìn đứa trẻ đỏ hỏn, tội nghiệp nhưng không ai dám cưu mang vì quan niệm “nó vừa chào đời đã gây nên tội, vì nó mà mẹ nó chết, ai nhận nuôi sẽ gặp xui xẻo”.
Bé Trần Thị Mỹ Xuyến (Ảnh chụp năm 2007, nguồn: Báo Tiền Phong). |
Xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân, Phú Yên nằm lọt thỏm giữa một thung lũng cằn cội. Chảy qua đó, sông Kỳ Lộ kiệt nước, phơi mình thành bãi cát trắng vật vã. Từ đồng bằng Tuy Hòa, những “cơn gió chuyên cần và phóng túng” đi lạc vào đây bị núi chắn tứ bề không tìm được lối ra, cứ thốc tháo đuổi nhau chạy quẩn quanh, tung bụi mù mịt, kiến mặt đất trơ ra toàn đá gan gà. Mùa khô, cỏ cũng không mọc nổi. Sống được nơi đó, may chỉ có… con người.
Vừa kể chuyện, mọi người trong thônchỉ vào ngôi nhà nhỏ của Xuyến, nơi cô bé bất hạnh được cha mẹ nuôi cưu mang từ lúc 3 ngày tuổi. Trong ngôi nhà tuềnh toàng, chúng tôi bắt gặp người đàn khắc khổ, hỏi ra mới biết là ông Trương Văn Kim (SN 1969, bố nuôi của Xuyến). Theo lời kể của anh Kim, bố Xuyến là một nông dân tên Nguyễn Dưỡng (SN 1969), còn mẹ Xuyến vốn quê Bình Định, tên là Nguyễn Thị Mủn (SN 1972). Năm 1988, chị Mủn không biết từ đâu trôi dạt vào đây làm thuê rồi gặp anh Dưỡng cũng nghèo và hoàn toàn không biết chữ và hai người đến với nhau mà không hề cưới hỏi.
Không đất ở, 2 người xin dựng túp lều trên mảnh đất của người hàng xóm. Dù làm thuê kiếm sống qua ngày nhưng bố mẹ Xuyến được dân làng yêu mến vì tính thật thà, chịu thương chịu khó. Vài năm sau, 2 anh trai Xuyến lần lượt chào đời. Gia cảnh lúc này càng khốn khổ, đến nỗi 2 anh trai Xuyến chẳng có tên họ đàng hoàng, mà chỉ gọi bằng cái tên “Chó anh”, “Chó em”. Họ không làm khai sinh cho con, bởi bản thân họ cũng chưa đăng ký hộ khẩu. Cán bộ xã đến nhắc, Dưỡng cáu bẳn: “Đằng nào cũng đi làm mướn, khai sinh hộ khẩu làm gì?”.
Tuy có 2 con nhưng bố mẹ Xuyến vẫn muốn sinh một đứa con gái út. Bi kịch của gia đình, bản thân Xuyến và cái chết của người mẹ bắt đầu từ lần sinh nở thứ ba đầy nước mặt này. Vợ có thai lần thứ 3, trai hay gái thì “chưa sinh làm sao mà biết”. Nguyễn Dưỡng chỉ chuẩn bị được một thúng lúa và một ít than củi chờ vợ vượt cạn. Ngày mủn gần sinh, Dưỡng không đưa vợ ra trạm xá xã vì không có tiền.
Trưa hôm đó, chị vợ đau đẻ, rên la dữ dội, bà con lối xóm lo lắng kéo đến rất đông. Dưỡng bảo: “Bà con trạm xá. Lần đầu, chị được bà cô của chồng đỡ đẻ. Lần sau, Dưỡng tự đỡ lấy. Theo sự chỉ dẫn của vợ, anh cắt rốn cho con bằng một nút lạt rồi lấy răng cắn chỉ buộc nút lại. Cả 2 lần đều mẹ tròn con vuông, Dưỡng nghĩ chắc lần này cũng thế!. Tuy nhiên, mọi thứ không diễn ra như dự đoán của Dưỡng, lần đẻ này không dễ dàng như các lần trước. Khi không thể chịu đựng hơn nữa, linh cảm đàn bà khiến Mủn đoán được điều gì sắp xảy ra. Thu hết sức tàn, chị giục chồng: “Anh mổ bụng em cứu con ngay không nó chết ngạt mất”.
Vét nhẵn túi, Dưỡng đưa cho con cái 500 đồng giục nó đi mua lưỡi lam. Một lát, thằng bé chạy về không. Lưới lam giá 800 đồng, chỉ có 500 đồng người ta không bán. Vợ vẫn giục cuống quýt. Đã giữa chiều, hàng xóm đi làm hết cả nên không biết nhờ cậy ai, Nguyễn Dưỡng bắt đầu bấn loạn. Anh chạy vội xuống bếp xách con dao thai rau heo lên, liếc sơ qua chiếc rựa cùn và làm ngay, không vô trùng, không gây mê, không gây tê gì cả.
Dao cùn quá, day mãi không đứt, anh ta vớ ngay chiếc liềm cắt cỏ rạch lên bụng vợ một đường dài. Máu chảy lênh láng ướt đẫm cả giường chiếu. Ruột gan người đàn bà khốn khổ trào ra, Dưỡng hốt đặt sang một bên, thọc tay vào bụng vợ lôi đứa con ra, cắt rốn cho nó cũng bằng chính chiếc liềm. Một đứa bé gái. Thấy máu chảy nhiều quá, sợ vợ chết, anh đặt nó sang giường bên cạnh, vội vã hốt gan ruột cho vợ rồi lấy chỉ khâu quần áo may lại. Sau này, Dưỡng thuật lại: “Nó bảo em làm thế. Em may bụng vợ như người ta may miệng bao!”.
Gia đình Nguyễn thị Mủn và Nguyễn Dưỡng trước ngày bé Xuyến ra đời |
Chị vợ đau quá, không đủ sức rên, 2 hàm răng nghiến chặt, liên tục giãy giụa. Khi Dưỡng nghiến răng siết chặt nốt chỉ cuối cùng thì chị Mủn giật người lên, thở hắt ra lần cuối. Chị chết ngay trên giường đẻ vì mất máu! Hôm đó là ngày 8/1/1996. Bởi sinh ra trong bi kịch nên ngày sinh của đứa bé mới được nhiều người nhớ rõ, nếu không thì chắc chắn nó sẽ chẳng bao giờ nghĩ ra mình cũng có phút được sinh thành!
Cha hóa điên dắt 2 anh biệt xứ
Bà mẹ trẻ xấu số được chính quyền địa phương lo ma chay, mộ phần tươm tất. Các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng vào cuộc với tất cả sự bối rồi. Khởi tố hay không khởi tố? Thiếu ta Lưu Văn Hùng, lúc đó còn đeo quân hàm đại úy, Đội trưởng đội điều tra Công an huyện Đồng Xuân nhớ lại: “chúng tôi hết sức hoang mang. Xét về hành vị, Nguyễn Dưỡng đã cấu thành hành vị giết người, hậu quả hết sức nghiêm trọng. Nhưng động cơ của anh ta lại là để cứu người, cộng vào đó là sự thiếu hiểu biết trầm trọng trong nhận thức, phải kết án anh ta thì quá đau lòng. Những đứa trẻ vừa mất mẹ, lại còn quá nhỏ…”
Cuối cùng, sau khi cân nhắc đủ đường, luật pháp đã dành cho đối tượng tất cả tính nhân đạo. Hồ sơ được khép lại, không có lệnh khởi tố với sự đồng ý tuyệt đối của các bên dự bàn. Không ai muốn tính sổ với một nỗi đau đã đi đến tận cùng, cũng không ai muốn kéo dài thêm bị kịch bằng một phiên tòa. Không chịu sự trừng phạt của pháp luật nhưng có lẽ bản án lương tâm khiến bố Xuyến luôn dằn vặt, đau khổ. Bỏ mặc con nhỏ cho hàng xóm trông nom, người cha ngày ngày chìm trong những cơn sầu muộn và tìm đến rượu để giải sầu.
Ba ngày sau, bố Xuyến bỗng hóa điên, bỏ mặc con gái út ở nhà, dắt 2 đứa con trai ra đi biệt xứ. Nhìn đứa trẻ đỏ hỏn, tội nghiệp nhưng họ hàng 2 bên không ai dám cưu mang vì quan niệm: “nó vừa chào đời đã gây nên tội, vì nó mà mẹ nó chết, ai nhận nuôi sẽ gặp xui xẻo”. Thậm chí, có người còn định mang Xuyến đặt ra ngoài con dốc để em đói lả chết theo mẹ. Lần thứ 2 cận kề cái chết, bé gái được cứu sống bởi một người phụ nữ tốt bụng. Đó là chị Trần thị Mâu (SN 1970), nhà ở bên kia con suối, vốn có chồng nhưng bị ruồng rẫy bởi không có con. Chị nhận bé gái về làm con nuôi, thương yêu như con ruột. Bé gái được đặt theo họ mẹ nuôi, cái tên Trần thị Mỹ Xuyến cũng có từ đó.
Bà ngoại nuôi của Xuyến tâm sự: “lúc đó dân làng ai cũng sợ nuôi con bé thì sẽ gặp tai họa nên không có ai dám nhận. Có người ở xa không biết chuyện đến xin con nhưng khi biết đứa bé là con gái thì không đồng ý. Chứng kiến cảnh đó tôi thương cháu quá nên động viên con Mâu nhận nuôi cho đến bây giờ”. May mắn đến với 2 mẹ con khi một năm sau, chị Mâu quen biết và kết duyên với anh Kim, người đàn ông đã qua “một lần đò”. Thấu hiểu hoàn cảnh bất hạnh của Xuyến, anh Kim thương bé gái như chính con gái ruột của mình. Về sau chị Mâu sinh một đứa con trai, Xuyến được cả bố mẹ lẫn em trai yêu thương đùm bọc.