Giá trị dinh dưỡng của đậu nành
Đậu nành là loại thực phẩm cung cấp nhiều dưỡng chất chất lượng cao cho cơ thể. Đậu nành có tất cả 9 loại axit amin thiết mà cơ thể không thể tự tạo ra. Đây là loại thực phẩm có chứa hàm lượng protein tương đương với thịt. Ngoài ra, nó không chứa cholesterol có hại cho sức khỏe. Hạt đậu nành chỉ chứa một lượng chất béo bão hòa nhỏ.
Loại hạt này còn cung cấp nhiều vitamin C, folate, canxi, sắt, kali, magie, phốt pho...
Chúng ta có thể chế biến rất nhiều món khác nhau từ đậu nành. Các sản phẩm từ hạt đậu nành có thể được lên men hoặc không lên men. Trong đó, các sản phẩm không lên men cung cấp dinh dưỡng truyền thống. Các sản phẩm lên men sẽ cung cấp lợi khuẩn có lợi cho quá trình tiêu hóa.
Một trong những sản phẩm phổ biến được làm từ đậu nành chính là sữa đậu nành. Sữa đậu nành được nhiều người sử dụng để thay thế các loại sữa động vật. Loại đồ uống này cung cấp nhiều protein, vitamin, khoáng chất. Vào mùa hè, sữa đậu nành có thể được dùng như một loại thức uống giải nhiệt. Vào các mùa thời tiết mát mẻ hoặc trời lạnh, sữa đậu nành ấm là đồ uống bổ sung năng lượng, giữ ấm cho cơ thể.
Loại đồ uống này bổ dưỡng nhưng không phải ai cũng nên sử dụng nó. Sữa đậu nành có thể làm ảnh hưởng đến quá trình điều trị của một số loại bệnh.
Những người không nên uống sữa đậu nành
- Người bị bệnh gout
Người bị bệnh gout sẽ gặp tình trạng rối loạn chuyển hóa purin. Do đó, những người này phải hạn chế sử dụng các loại thực phẩm có lượng purin cao, đậu nành là một trong số đó. Purin là chất ưa nước. Sau khi xay đậu nành để làm sữa, hàm lượng purin có thể tăng lên gấp nhiều lần. Vì vậy, người bị bệnh gout nên hạn chế uống sữa đậu nành để không làm tình trạng bệnh thêm nghiêm trọng.
- Người bị suy thận
Người bị suy thận nên tiêu thụ ít đạm. Trong khi đó, đậu nành và các sản phẩm làm từ đậu nành lại là thực phẩm chứa nhiều đạm. Nó có thể làm tăng gánh nặng cho thận.
Ngoài ra, sữa đậu nành có chứa chất oxalat. Chất này kết hợp với canxi trong máu có thể tạo ra các kết tủa, làm hình thành sỏi thận.
- Người bị bệnh tuyến giáp
Người khỏe mạnh sử dụng đậu nành và các món làm từ đậu nành sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động của tuyến giáp. Tuy nhiên, người bị bệnh tuyến giáp lại phải tránh xa loại thực phẩm này. Các món làm từ đậu nành có thể gây cản trở cơ thể hấp thụ các loại thuốc điều trị bệnh tuyến giáp.
- Người đang uống thuốc kháng sinh
Các chuyên gia khuyên rằng các loại thuốc kháng sinh chứa erythromycin không nên dùng chung với sữa đậu nành. Erythromycin có thể kết hợp với các thành phần có trong sữa đậu nành từ đó tác dụng của thuốc sẽ bị giảm. Bạn nên tránh uống sữa đậu nành ngay trước hoặc sau khi uống thuốc kháng sinh. Nên sử dụng sữa đậu nành và thuốc kháng sinh cách nhau ít nhất 1 tiếng.
- Người vừa trải qua phẫu thuật
Những người vừa trải qua phẫu thuật, sức đề kháng kém, chức năng tiêu hóa không tốt nên hạn chế uống sữa đậu nành vì đây là thực phẩm có thể kích thích dạ dày tiết nhiều axit, gây ra tình trạng khó chịu ở hệ tiêu hóa, dẫn đến tiêu chảy hoặc các triệu chứng khác.
- Người bị K tuyến vú
Những người bị K tuyến vú, K buồng trứng, K tử cung nên hạn chế sử dụng sữa đậu nành. Loại đồ uống này chứa phytoestrogen có tác động kích thích estrogen, có thể khiến các tế bào K trong cơ thể phát triển nhanh và mạnh hơn.