Chuyện vượt thu xin thưởng và mang quà "dụ" trẻ

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Đúng là có liên tưởng so sánh mới thấy được những chuyện ở đời lắm sự hay ho, hấp dẫn. Này nhé, quý vị thử nhìn những lúc con trẻ nhà mình làm xong việc và đòi được thưởng mà xem có thấy na ná việc vượt thu xin thưởng này không.

Mấy ngày vừa qua, dư luận cả nước đã dành sự chú ý đặc biệt đối với việc hai tỉnh Bắc Ninh và Quảng Ngãi kiến nghị Bộ Tài chính thưởng hơn 360 tỷ đồng vì đã thu ngân sách vượt dự toán. Theo đó, Luật Ngân sách có quy định tỉnh nào vượt thu thì sẽ thưởng nhưng nếu thu không đủ lại không bị phạt.

Mô tả ảnh.
Trong năm 2013, riêng số thuế giá trị gia tăng (VAT) tỉnh Quảng Ngãi thu từ các sản phẩm đầu ra của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất năm 2013 gần 10.635 tỷ đồng.

Với Bắc Ninh, chỉ tiêu tỉnh được giao là gần 4.677 tỷ đồng, đã thu về hơn 5.335 tỷ đồng. Trong đó, phần chia về ngân sách trung ương tăng gần 46,1 tỷ đồng so với dự toán. Vì vậy, Bắc Ninh đề nghị Bộ Tài chính xét thưởng 30% số thu vượt nêu trên, tương đương 13,8 tỷ đồng.

Hiện, Bắc Ninh là tỉnh đứng trong tốp 5 toàn quốc về thu hút vốn đầu tư  và đứng thứ ba về số lượng dự án (sau Thành phố Hồ Chí Minh và Thanh Hóa), với gần 100 dự án đầu tư mới, trong đó 90% dự án FDI có tổng vốn đầu tư 1,48 tỷ USD. Các dự án lớn hầu hết đã hoàn thành và đi vào sản xuất như Công ty trách nhiệm hữu hạn Fujikin Việt Nam; Nhà máy sữa đậu lành Vinasoy; Công ty trách nhiệm hữu hạn Samsung Electronics Việt Nam; Công ty Cannon, Công ty Konishi…

Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ngãi cũng có văn bản tương tự khi thu vượt gần 1.159 tỷ đồng, số tiền đề xuất thưởng lên đến gần 348 tỷ đồng. 

Được biết, trong năm 2013, riêng số thuế giá trị gia tăng (VAT) tỉnh Quảng Ngãi thu từ các sản phẩm đầu ra của Nhà máy lọc dầu Dung Quất năm 2013 là gần 10.635 tỷ đồng. Trong đó, VAT tăng thêm từ dầu thô mỏ Bạch Hổ chuyển 100% cho Ngân sách Trung hương là hơn 9.092 tỷ đồng.

Phải nói rằng tình trạng ngân sách nước ta đang rất đáng lo ngại khi đã lạm chi cao, các tỉnh lại còn thi nhau hụt thu. Việc vượt thu là hiếm có khó tìm, vì vậy cần có sự chăm sóc, động viên là rất hợp lý rồi

Tại phiên giải trình trước Quốc hội ngày 2/11, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết hụt thu ngân sách năm 2013 là 63.630 tỉ đồng so với dự toán. Như vậy, đây là năm đầu tiên VN không hoàn thành dự toán thu ngân sách, buộc phải đề nghị tăng mức bội chi từ 4,8% lên 5,3% để bù đắp. Cân đối ngân sách các địa phương có tới 40/63 tỉnh, thành có nguồn thu thấp và rất thấp, không đạt so với dự toán từ đầu năm. 

Trong khi nguồn thu sụt giảm mạnh, ngược lại ở phía đầu ra, chi vẫn không ngừng tăng, ước tính 8 tháng chi 604.670 tỉ đồng, bằng 61,8% dự toán, tăng 5,2% so cùng kỳ 2012. 

Đấy là chưa kể trong 2 tháng đầu năm 2014, dù thu ngân sách đạt gần 130.000 tỉ đồng (so với dự toán được giao tăng 16,6%), thế nhưng bội chi lên tới hơn 20.000 tỉ đồng dù Nghị quyết Quốc hội giao ngân sách năm 2014 phải triệt để tiết kiệm. Đáng lo ngại, trong khi chi đầu tư cho phát triển giảm mạnh thì chi sự nghiệp, cho quản lý hành chính lại tăng quá cao. Các chuyên gia cảnh báo, nếu không sớm siết lại nguy cơ ngân sách phải đi vay nợ để bộ máy ăn tiêu sẽ ngày càng đáng báo động.

Trong hoàn cảnh mà ngân sách khó khăn, bội chi cao mà việc vượt thu lại hiếm như động vật sắp tuyệt chủng thì sự chăm sóc, động viên dành cho các tỉnh thu vượt chỉ tiêu là vô cùng hợp lý. Chính vì vậy việc Bắc Ninh và Quảng Ngãi vượt thu xin thưởng được coi là cần thiết bởi có thể trở thành tấm gương cho các tỉnh khác, từ đó "hết mình" trong việc thu ngân sách.

Mô tả ảnh.
Trong tình trạng ngân sách bội chi lớn như hiện nay thì việc khen thưởng các tỉnh vượt thu được cho là phù hợp (Ảnh minh họa)

Hơn nữa, chuyện vượt thu xin thưởng, hụt thu không phạt rõ rành rành là theo quy định của Luật Ngân sách. Mà lâu nay ở ta phạt theo quy định còn có thể chậm trễ chứ thưởng theo quy định thì vẫn rất nhanh chóng còn gì. Vậy nên cứ theo quy định mà làm thôi.

Có điều, trước vụ việc dư luận cả nước cứ xôn xao bàn ra tán vào mãi không thôi.

Người thì cho rằng nếu đã thưởng vượt thu thì phải phạt hụt thu mới là hợp lẽ thường tình. Kẻ lại cứ khăng khăng các tỉnh vượt thu chủ yếu dựa vào các dự án lớn, do vốn ngân sách đầu tư, ở đây không thấy được nhiều cố gắng của các tỉnh, do đó không nên thưởng. Đấy là chưa kể vẫn có không ít người hoài nghi vượt thu có phải do cố gắng của địa phương hay do tính toán các nguồn thu không chính xác? Hay thắc mắc nếu có thưởng thì việc sử dụng số tiền ấy có hợp lý không hay người ta lại đem chia chác với nhau? ...

Việc tranh cãi có lẽ sẽ còn dài và sẽ tiếp tục gay gắt thế nhưng gần đây vụ việc lại có sự chuyển hướng vì nhiều người cứ liên tưởng đến việc người lấy phần thưởng ra "dụ" con trẻ làm việc. Bởi nếu phần thưởng là thứ khiến các bé thích thú, công việc sẽ được hoàn thành một cách nhanh chóng, còn trong trường hợp công việc không hoàn thành cũng chẳng mấy người nỡ phạt các bé. 

Có lẽ rất nhiều bậc phụ huynh đã không còn xa lạ với việc lấy quà ra làm phần thưởng cho trẻ. Thậm chí không ít gia đình còn cho rằng đây là biện pháp giáo dục trẻ hiệu quả và thường xuyên áp dụng. Tuy nhiên, trên thực tế cách này sử dụng với người lớn dường như còn có tác dụng tốt và hiệu quả cao hơn nhiều. 

Đúng là có liên tưởng so sánh mới thấy được những chuyện ở đời lắm sự hay ho, hấp dẫn. Này nhé, quý vị thử nhìn những lúc con trẻ nhà mình làm xong việc và đòi được thưởng mà xem có thấy na ná việc vượt thu xin thưởng này không.

Vậy nên những ai lâu nay vẫn cho rằng công chức ở ta trình độ chưa cao, làm việc không sáng tạo, hiệu quả có lẽ nên suy nghĩ lại. Bởi những việc tưởng chừng đơn giản như áp dụng những phương pháp hay trong cuộc sống vào công việc và đem lại hiệu quả cao ở ta cũng là hiếm có, khó tìm và đáng tuyên dương lắm đấy.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn