Chị em không nên tự ý mua thuốc về uống khi “cô bé” có dấu hiệu bị bệnh. Ảnh: Lina |
“Thả” mãi vẫn không “dính”
Chị Phạm Phương Ly (trú tại Q. Ba Đình, TP. Hà Nội) lấy chồng đã được hơn một năm. Chị “thả cửa” với mong muốn có con sớm nhưng đến nay mà vẫn không thấy gì. Trong khi đó, chuyện “chăn gối” của vợ chồng chị vẫn diễn ra đều đặn, nồng nhiệt.
Điều đáng chú ý là nửa năm nay, chị Ly thường xuyên thấy đau bụng dưới, rối loạn kinh nguyệt và hay mệt mỏi, thỉnh thoảng còn bị đau bụng dưới âm ỉ.
Chị nghĩ do lấy chồng, thay đổi cách sinh hoạt khiến cơ thể chưa quen dẫn đến thay đổi nội tiết tố. Nghĩ vậy, chị ra hiệu thuốc mua thuốc điều kinh sử dụng, đồng thời cũng tăng cường uống sữa đậu nành để tăng nội tiết tố nữ.
Nhưng uống cả mấy tháng mà hiện tượng kinh nguyệt lúc ra sớm, lúc ra muộn, có lúc lại rong kinh kéo dài. Lúc này, chị mới cùng chồng đến bệnh viện khám hiếm muộn, chụp dạ con - vòi trứng thì bác sĩ kết luận chị bị lao vòi trứng (một dạng của bệnh lao sinh dục nữ) dẫn đến tắc vòi trứng, gây trở ngại cho quá trình thụ thai.
Một trường hợp khác mà chúng tôi ghi nhận là chị Hoàng Hà (35 tuổi, Thanh Trì, Hà Nội) cũng đã có một cô con gái ba tuổi xinh xắn. Vợ chồng chị đang kế hoạch, đợi đến khi con gái lớn tuổi, kinh tế ổn định mới tiếp tục sinh bé thứ hai.
Nhưng dạo gần đây, chị Hà bỗng thấy khí hư ra nhiều, kinh nguyệt kéo dài hàng tuần không dứt, đau vùng bụng dưới, đau âm ỉ từng cơn, bệnh nhân có cảm giác mệt mỏi khó chịu.
Ngoài ra, cứ về chiều là chị lại có cảm giác bị sốt nhẹ. Chị Hà nghĩ cơ thể yếu lại bị rong kinh nên xảy ra những hiện tượng này. Vậy là chị nhờ người đi mua thuốc lá điều kinh về uống. Chị Hà uống thuốc Nam đến ba tháng mà tình trạng này vẫn không hề dứt mà còn có dấu hiệu nặng thêm.
Lúc này chị mới đến khám tại bệnh viện thì bác sĩ kết luận chị bị lao phần phụ. Khám thấy có khối cứng ở vùng dưới vòi trứng và trường hợp của chị Hà phải uống thuốc điều trị lao.
Bác sĩ còn yêu cầu chồng chị cũng phải đi khám vì khuẩn lao có thể lây nhiễm nhanh chóng qua người thân cận, nhất là khi hai vợ chồng quan hệ tình dục.
Theo bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn (Bệnh viện Hồng Ngọc) thì lao là bệnh truyền nhiễm do vi trùng lao Koch gây nên. Loại vi trùng này có thể gây bệnh ở tất cả các bộ phận trên cơ thể nhưng chủ yếu là lao phổi, tiếp đến là lao gan, lao ruột và lao bộ phận sinh dục (có cả nam và nữ).
Lao sinh dục nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ ảnh hướng lớn đến khả năng sinh sản. Ở nữ giới, lao sinh dục thường gặp nhất ở vòi trứng rồi dạ con, cổ dạ con, âm đạo và âm hộ.
Những triệu chứng lâm sàng cũng như phim chụp X - quang đều có thể nhầm lẫn bệnh lao sinh dục với bệnh ung thư hay những bệnh lây truyền qua đường tình dục khác. Bởi vậy, khi có những nghi ngờ về căn bệnh này, bệnh nhân phải được xét nghiệm chuyên môn như thử phản ứng lao, tốc độ lắng máu.
Hơn nữa, việc xét nghiệm lao sinh dục nữ cần cấy máu kinh tìm vi trùng lao, nạo sinh thiết dạ con, chụp Xquang dạ con – vòi trứng, sinh thiết các tổn thương quan sát được ở cổ dạ con, âm đạo hay âm hộ.
Những biểu hiện của lao sinh dục nữ cũng gần như các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác như “vùng kín” ra nhiều khí hư, kinh nguyệt bị rối loạn, đau bụng dưới âm ỉ, bệnh nhân luôn mệt mỏi, cơ thể khó chịu.
Khi đi khám sẽ thấy hiện tượng cổ tử cung bị loét, sần sùi, dễ chảy máu, vòi trứng và dây chằng rộng dính với buồng trứng, dễ sờ thấy u cục vùng hố chậu. Ngoài ra, nhiều bệnh nhân có thể có những triệu chứng của áp xe vùng vòi trứng, đôi khi kèm theo những khối u lớn vùng ổ bụng.
Các dạng lao sinh dục
Lao sinh dục nữ phổ biến nhất là lao ở vòi trứng, ít gặp hơn ở buồng trứng hay dây chằng. Khi bị lao ở vòi trứng thường là những tổn thương mạn tính, lâu ngày gây nên tắc vòi trứng, gây chửa ngoài dạ con hoặc vô sinh khi hai vòi trứng đều bị tắc.
Lao ở vòi trứng có thể kèm theo với lao phúc mạc. Chẩn đoán lao phần phụ khá khó khăn để phân biệt với những bệnh viêm phụ khoa khác. Chỉ khi các cặp vợ chồng đi khám vô sinh, chỉ định chụp dạ con - vòi trứng mới phát hiện được những tổn thương do vi khuẩn lao. Lao ở vòi trứng nếu không được phát hiện sớm sẽ nhanh chóng lây lan xuống dưới, đi vào dạ con (chủ yếu là ở lớp niêm mạc).
Tổn thương lao nằm ở phần niêm mạc dạ con nhưng ở những người có sức đề kháng kém sẽ xâm lấn vào lớp cơ dạ con. Khi tổn thương ở niêm mạc dạ con gây ra những biểu hiện như đau bụng kinh, rong kinh, có thể vô kinh so niêm mạc dạ con bị dính.
Để phát hiện lao dạ con cần phải có những xét nghiệm chuyên môn như cấy máu kinh tìm vi trùng lao, nạo sinh thiết dạ con tìm tổn thương lao hoặc chụp Xquang dạ con – vòi trứng phát triển tổn thương và cũng để xem dạ con có bị dính hay không.
Ngoài lao vòi trứng, lao dạ con dễ gặp phải thì lao cổ dạ con cũng xảy ra ở phụ nữ bị lao sinh dục. Lao cổ dạ con dễ bị nhầm lẫn nhất với bệnh ung thư vì nó dễ lở loét, nữ giới dễ chảy máu khi quan hệ tình dục hay khi thăm khám.
Bởi vậy, để có thể khẳng định được bệnh lao và loại trừ khả năng ung thư cần phải sinh thiết để tìm các thương tổn điển hình của lao trên kính hiển vi.
Ngoài ra, lao sinh dục nữ còn có thể phát hiện lao âm đạo với những tổn thương, vết loét quanh âm đạo, xung quanh đó còn có những sẩn màu vàng.
Lao âm đạo có thể gây nên dò bàng quang hoặc dò trực tràng. Đặc biệt, hiếm gặp nhất là lao âm hộ với những vết trợt trên da. Lao âm hộ hay gặp ở những trẻ em nữ còn nhỏ, hay ngồi, bò lê la khiến âm hộ xây xát, tạo điều kiện cho vi trùng lao xâm nhập.
Phát hiện và điều trị sơm bệnh lao sinh dục nữ giúp nữ giới hạn chế được nguy cơ vô sinh. Khi bệnh lao sinh dục nữ được phát hiện sớm sẽ được điều trị bằng hóa liệu pháp, việc kết hợp giữa rifampicin, isoniazid và ethambutol đã đem lại hiệu quả cao trong điều trị căn bệnh này.
Liều lượng của thuốc phụ thuộc vào sức khỏe, sự phát triển của bệnh, các kết quả xét nghiệm… theo chỉ định của thầy thuốc. Khi bệnh lao sinh dục được chữa khỏi là khi niêm mạc tử cung không còn thấy các nang lao và chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ trở lại bình thường.
Nếu phương pháp hóa liệu pháp thất bại trong việc điều trị bệnh lao sinh dục nữ thì phải buộc phải phẫu thuật cắt tử cung, buồng trứng, vòi trứng. Khi phẫu thuật, các bác sĩ cũng cố gắng đảm bảo một bên buồng trứng ở phụ nữ trẻ.
Theo bác sĩ Đặng Trung Kiên (Bệnh viện Quân y) thì phòng chống bệnh lao sinh dục nữ cũng giống như các bệnh lao thông thường khác.
Nơi ở phải đảm bảo vệ sinh, không tiếp xúc với nguồn lây nhiễm. Nếu trong gia đình có người mắc bệnh lao cần cách ly, không ăn chung bát đũa, sử dụng chung các vật dụng cá nhân. Khi có những biểu hiện lạ trong cơ thể, cần đi khám để nhanh chóng phát hiện sớm và điều trị, tránh những nguy hiểm và tổn thất không đáng có.
Lương y Nguyễn Huy (Hội Đông y Việt Nam) cho biết: "Rất nhiều chị em phụ nữ khi có những biểu hiện như rong kinh, rau máu bất thường khi quan hệ tình dục, đau âm ỉ bụng dưới, người mệt mỏi… “thả” thời gian lâu mà chưa mang thai đều nghĩ rằng mình mắc những căn bệnh phụ khoa thông thường nên thường tự lấy thuốc Đông y để chữa bệnh.
Điều này là hoàn toàn phản khoa học vì biểu hiện của bệnh lao sinh dục nữ rất dễ bị nhầm lẫn với những căn bệnh phụ khoa thông thường. Lương y khuyến cáo, khi phụ nữ có những biểu hiện bất thường về phần phụ cần phải đến Bệnh viện để được chụp X - quang, làm những xét nghiệm.
Bệnh lao sinh dục khó chữa khỏi bằng Đông y bởi thuốc Đông y không nhạy với vi trùng. Trường hợp những căn bệnh gây ra bởi vi trùng thì kháng sinh và chữa bệnh bằng phương pháp Tây y là ưu tiên hàng đầu".
Mối nguy hại chết người từ thói quen nhịn tiểu đối với phụ nữ (Sức khỏe) - (Phunutoday) - Nếu bạn có thói quen nhịn tiểu, thì hãy loại bỏ ngay để tránh gây hại cho sức khỏe. |