Ý nghĩa của nước trên ban thờ
Trên ban thờ từ ban thần linh với gia tiên hay thờ Phật thường có những cốc, chén, kỷ nước. Trong đời sống nước không thể thiếu, nước biểu trưng cho sự sống, thiếu nước là chết. Trong văn hóa ứng xử giao tiếp, nước cũng là thứ không thể thiếu khi bắt đầu trò chuyện, mời nước rồi mới tới mời trầu, mời bánh mời kẹo...
Trong phong thủy, nước thể hiện cho tài lộc may mắn, sự giàu có. Đối với Phật tử, nước là để soi mình. Đối với gia tiên nước như đồ ăn thức uống, đối với thần linh nước để chiêu tài hút lộc. Chính vì thế trong lễ cúng luôn có nước. Trên ban gia tiên có thể thay nước bằng rượu.
Tại sao dùng nước lã?
Khi thắp hương nhiều người quen dùng nước lã, tức là lấy nước chưa đun nấu, đặc biệt trong ban thờ gia tiên thì điều này rất được chú trọng. Người xưa thờ cúng với ý thức trần sao âm vậy nên nước không thể thiếu để là một món đồ ăn thức uống. Thế nên khi chuẩn bị đồ uống dâng cúng gia tiên thì có thể trà, nước ngọt, nước lã... Mà nước "trắng" ở đây chủ yếu sẽ dùng nước lã chứ không phải nước đun sôi. Điều đó là vì dân gian quan niệm "ma uống nước lã" thế nên thờ nước lã không phải là bất kính, không chỉn chu mà đơn giản vì niềm tin ma uống nước lã nên dùng nước này sẽ giúp linh hồn gia tiên thụ nhận được tốt hơn. Ngày nay thì nhiều người cũng đã nới rộng việc dâng nước thắp hương, có người dùng nước đóng chai, nước lấy từ cây lọc nước... Vào những ngày giỗ kỵ thì còn có dâng thêm loại nước mà người thân khi còn sống yêu thích như trà đặc, nước ngọt...
Còn tại ban thờ Phật, nước thể hiện tâm thanh khiết, nước không phải dâng cho Phật uống, mà nước đặt lên ban thờ Phật để Phật tử nhìn vào nghiệm lại mình, thấy được sự thanh tịnh trong đó không. Khi Phật tử dâng nước là một lần tâm niệm sống trong kiếp người cần phải trong sạch, thanh tịnh, như nước, không phân biệt sang hèn, giàu nghèo, ngu khôn. Nước thể hiện sự bình đẳng. Thế nên ban thờ Phật thường dùng nước tinh khiết, nước lã, không nên dùng nước đun sôi để nguội, và đặc biệt không dùng nước trà, nước màu... để thể hiện sự thanh khiết ban đầu. Tuy nhiên với Phật thì nếu có đặt nước sôi cũng không có vấn đề, có thể dùng nước suối nước lã hoặc nước sôi.
Cúng nước thế nào cho đúng?
Trên ban thờ gia tiên và thần linh thường có kỷ nước 3 chén hoạc 5 chén. 3 ly nước thể hiện tấm lòng thành tâm của người âm dâng lên cho thần linh, tổ tiên. Theo thứ tự 3 ly là gia tiên cùng bà cô ông mãnh ở hai bên, ly giữa dâng thần. 3 ly nước cũng liên quan tới những con số 3 trong dân gian như tang cha mẹ 3 năm, 3 đời...Còn 5 ly nước thì đại diện tổ tiên, bà cô ông mãnh được đặt hai bên, 3 ly ở giữa là sự thành tâm của gia chủ đối với các vị thần linh. 5 ly cũng biểu trưng cho ngũ hành “Kim – Mộc – Thuỷ – Hoả – Thổ”, con số 5 trong thờ cúng cũng vì vậy mà thêm phần ý nghĩa. Trong thờ cúng, 5 ngũ cúng được thể hiện qua “Hương – Đăng – Trà – Hoa – Quả”. Với ban thờ Phật số 3 tượng trưng cho tam bảo Phật- Pháp - Tăng
Do đó việc trên ban gia tiên đặt 3 hay 5 không quá quan trọng, còn tùy thuộc diện tích ban thờ. Nếu đủ rộng nên đặt kỷ 5 chén, còn ban thờ nhỏ đặt 3 chén cũng không phạm kỵ.
Còn khi cúng ban thờ Phật thì không quan trọng số ly nhưng thường sẽ là 3 chén đại diện cho tam bảo hoặc 1 cốc và dùng cốc thủy tinh để thể hiện sự tinh khiết, chay tịnh.
Trên ban Thần Tài thì nước còn thể hiện tụ tài tụ lộc. Nên thường trên ban thần tài ngoài kỷ 3 hoặc 5 chén nước thì còn có thêm bát nước thả hoa, hoặc cốc nước lã.
Nước đặt lên ban thờ gia tiên hoặc ban thần tài thường là nước lã do quan niệm dân gian truyền lại. Ban gia tiên thì có thể thờ nước trà. Đặc biệt trong ngày giỗ kỵ một người thân nào đó thì gia đình có thể đặt thêm loại nước mà người đó khi còn sống yêu thích, ví dụ khi sống thích nước trà sẽ dâng trà, thích rượu sẽ rót rượu.
*Thông tin mang tính tham khảo chiêm nghiệm