Đây là giống vịt nhà bản địa có xuất xứ ở địa bàn xã Cổ Lũng thuộc huyện miền núi Bác Thước, tỉnh Thanh Hóa. Vịt còn có tên gọi khác là vịt Quốc Thành, vịt Mường Khoòng. Giống vịt này được cho là quý hiếm, con giống di truyền có từ lâu đời và được các thế hệ người Bá Thước gìn giữ, phát triển. Lúc mới nở, vịt có bộ lông tơ màu xám đen xen kẽ khoang màu vàng nhạt. Tới khi trưởng thành, vịt trống có lông ở đầu màu xanh, phần cổ, ngực và lưng lông màu nâu đỏ xen lẫn trắng.
Nhờ phát triển loài bản địa như vịt Cổ Lũng, đời sống của người dân khu vực miền núi đã được cải thiện. Như gia đình chị Giàng A Mai (Bá Thước, Thanh Hóa) là người dân tộc Thái ở huyện miền núi xa xôi. Trước đây hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, lại đông con nhưng từ khi chăn nuôi vịt Cổ Lũng chị đã có đủ tiền trang trải cuộc sống. Hàng ngày chị Mai thả đàn vịt trên các khe suối để kiếm ăn, nguồn nước sạch chảy từ núi đá ra nên rất nhiều calci, điều kiện khí hậu mát mẻ. Sáng thả vịt ra suối tự kiếm ăn, tối về cho ăn thêm ngô, lúa, sắn, nên thịt rất chắc, thơm ngon.
Vịt chủ yếu được chăn nuôi ở dòng suối Nũa, nước vừa trong lại chảy xuôi liên tục và rất nhiều ốc cũng như các loại vi sinh. Đàn vịt thường bơi ngược dòng để đón cá con, bắt ốc nên thịt nhiều nạc lại săn chắc, thơm ngon vị thanh khiết. Đến thời điểm xuất chuồng là có người ở dưới xuôi đến tận nhà chị Mai để thu mua. Nhờ vậy chị Mai có tiền để lo bữa cơm và cho các con đến trường.
Mô hình chăn nuôi này hiện đã được nhân rộng ra toàn huyện. Không chỉ được nuôi ở Bác Thước, vịt Cổ Lũng còn được nuôi ở các huyện như Quan Sơn, Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Hoằng Hóa, TP. Thanh Hóa,… mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Anh Tiến Hải (SN 1976, Quảng Thành, Thanh Hóa) đã nghiên cứu, lai tạo và phát triển giống vịt đặc sản Cổ Lũng thành công, thu lãi tới hàng trăm triệu mỗi năm. Mặc dù có bằng thạc sĩ và công việc giảng viên ổn định nhưng anh Hải quyết tâm từ bỏ tất cả để theo đuổi nghề nuôi vịt Cổ Lũng. Anh Hải tâm sự: “Lúc bấy giờ ai cũng phản đối việc tôi thôi nghề giáo, mọi người trách tôi sao dại quá. Nói thật lúc đó người thân và bạn bè xem tôi như một gã khùng điên mới làm vậy”. Thời gian đầu, anh Hải gặp nhiều khó khăn trong việc tìm giống vịt thuần chủng cũng như chưa biết cách chăm sóc ra sao. Sau vài tháng tìm tòi và học hỏi, anh Hải đã thành thạo hơn trong việc chăn nuôi.
Giống vịt Cổ Lũng thuần chủng được anh Hải nhân giống có màu sắc đồng nhất 95-97%. Nhìn bề ngoài chúng gần giống vịt bầu nhưng có đặc điểm nổi trội là cổ rụt, chân nhỏ lùn, ngắn, cổ và đầu thường có lông khoang, lông mướt, con trống có lông đuôi xoăn, có lông cổ màu xanh ánh biếc, có ánh cườm biếc. Loài vịt này nuôi khoảng 6 tháng là bắt đầu đẻ, trọng lượng tầm 3-4 tháng tuổi đạt 1,6-1,7kg. Sau 4-5 tháng nuôi trung bình có thể đạt 1,5-2kg, bình quân nuôi 4-5 tháng có thể đạt 1,6-2kg.
Sau 4 tháng chăn chả, vịt Cổ Lũng có thể xuất bán. Giá bán loại vịt này hiện nay là 80.000 – 95.000 đồng/kg. Mỗi năm anh Hải bán khoảng 8.000 con vịt thịt. Cứ như vậy, anh Hải thu về 350 – 400 triệu đồng nhờ loại gia cầm này.