Nhiều năm trồng lúa nhưng không hiệu quả, anh H. Tài (39 tuổi ở An Giang) quyết định chuyển sang nghề nuôi trồng thủy hải sản, chủ yếu là cá chạch lấu. Loại cá này được xem là đặc sản hiếm của vùng sông nước miền Tây. Trước đây chỉ có thể đánh bắt vào mùa nước nổi nhưng giờ đây đã được nhân giống và nuôi trồng rộng rãi, phổ biến hơn. Theo anh Tài: “Cá chạch lấu được bán với giá thành cao bởi đây là loài cá chứa hàm lượng dinh dưỡng nhiều, có tác dụng bồi bổ cơ thể và tăng cường sinh lực”.
Nhìn vẻ ngoài, cá chạch lấu không khác các loại cá bình thường là bao nhưng nó lại được ví như là nhân sâm dưới nước. Loại cá này chứa nhiều thành phần dinh dưỡng như hàm lượng protein cao hơn hẳn thịt gà. Cá chạch lấu cũng là dược liệu chính trong nhiều bài thuốc chữa bệnh suy nhược, thiếu máu, suy dinh dưỡng ở trẻ; chữa mồ hôi trộm ở trẻ em; tăng cường sức khỏe. Chạch lấu có tên thuốc là thu ngư, có vị ngọt, tính bình, không độc, có tác dụng bổ khí huyết, tráng dương, thanh nhiệt, tiêu khát, chữa nóng trong,…
Cá chạch lấu sống chủ yếu ở môi trường nước ngọt, tập trung ở khu vực những đầm lầy, ao hồ, sông, suối, nơi nước tĩnh, nền đáy sỏi và thuộc họ cá chạch. Anh Tài cho biết: “Nuôi cá chạch lấu không khó nhưng phải đảm bảo nguồn nước nuôi phải sạch. Trong quá trình làm ao nuôi cá, phải bón tầm 3kg vôi trên 100m2 ao, sau đó cho nước vào thì mới đảm bảo được nguồn nước sạch, sau 7 ngày thì bắt đầu thả giống. Thời gian nuôi cho đến khi cá thành thương phẩm dao động từ khoảng 6-8 tháng, có thể kéo dài lâu hơn tùy vào điều kiện thời tiết”.
Cá chạch lấu có cân nặng từ 400-450g, dài khoảng 90cm là đủ điều kiện xuất ao. Thị trường hiện đang bán cá chạch lấu với giá 400.000 – 500.000 đồng/kg. Với 2 triệu con cá giống và 52 tấn cá thịt bán ra, anh Tài bỏ túi hơn 600 triệu đồng.
Hiện nhiều nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long nuôi cá chạch lấu ở trong ao đất hay bè gỗ, mang lại lợi nhuận kinh tế khá cao. Anh M. Vũ (Đồng Tháp) là hộ nông dân đã sáng tạo ra cách nuôi cá chạch lấu bằng công nghệ sục khí nano giúp cá mau lớn và ít hao hụt đầu con nên hiệu quả kinh tế thu được ở mức tối đa. Với diện tích ao 1.000m2, anh bố trí nuôi trong 5 vèo, mỗi vèo 16m2. Từng vèo đều có bố trí sục khí bằng công nghệ nano.
Anh Vũ nói: “Sử dụng công nghệ sục khí nano trong ao nuôi là một công nghệ rất hiệu quả. Sau hơn 1 tháng thả nuôi mà nước trong ao nuôi của tôi vẫn tốt, không cần phải thay nước, chỉ bổ sung thêm 2 lần tính từ lúc nuôi đến giờ, màu nước đẹp, cá khỏe không bị bệnh. Điều cũng giúp làm giảm lượng cá hao hụt đáng kể”.
Vì ít phải thay nước nhưng chất lượng nước luôn tốt nên đã hạn chế việc thải nước ra môi trường ngoài. Mô hình đã góp phần bảo vệ ô nhiễm môi trường từ nước thải ao nuôi.
Ông H. Thanh (Kiên Giang) cũng đang thả nuôi 40.000 con giống, với diện tích ao nuôi 1,8ha. Ông đã thu hoạch đợt đầu được 2 tấn, nhiều đợt còn lại ông hi vọng sẽ bán giá cao hơn. Không chỉ nuôi cá thương phẩm, ông Thanh còn đầu tư nuôi cá giống. Ông đang tạo dựng diện tích trại 300m2, thả nuôi 70kg cá bố mẹ. Sau 3-4 tháng nuôi vỗ cá bố mẹ thì cho sinh sản. Mỗi năm, trại ông Thanh sản xuất khoảng 80.000 – 100.000 con giống, đạt kích cỡ 10cm/con, bán với giá 4.000 – 5.000 đồng/con cho các hộ nuôi mới, phát triển diện tích nuôi tại địa phương và vùng lân cận.