Trung tâm Đậu xe và Dịch vụ ôtô lớn nhất
Vào ngày 20/9, Quỹ Đầu tư phát triển TP Cần Thơ tổ chức lễ khánh thành Trung tâm Đậu xe và Dịch vụ ôtô quận Ninh Kiều có vốn đầu tư 158,5 tỉ đồng. Dự kiến vận hành miễn phí tại trung tâm từ ngày 20 - 9 đến ngày 30 - 11 - 2023. Trung tâm có diện tích 4.236,40m2, tổng diện tích sàn 17.100,79m2, sức chứa 1.000 ôtô dưới 17 chỗ ngồi và xe máy.
Theo đó, trung tâm được chia làm 2 khối nhà chính gồm: Khối A là phần diện tích phục vụ dịch vụ ôtô với quy mô 9 tầng; khối B là phần diện tích phục vụ các dịch vụ khác với quy mô 5 tầng.
Không chỉ thế, trung tâm còn có khu vực bãi nâng xe sử dụng hệ thống đậu xe tự động xoay vòng đứng bao gồm 72 điểm đậu xe của 6 hệ thống module nâng xe cùng 2 thang máy nâng xe ôtô tại khối A và hệ thống phòng cháy chữa cháy sử dụng công nghệ chữa cháy bằng bọt Foam.
Hơn nữa, việc ra mắt trung tâm còn góp phần phát triển du lịch Cần Thơ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 29/12/2021 của Thành ủy Cần Thơ về đẩy mạnh phát triển du lịch trong tình hình mới.
Theo Sở Giao thông Vận tải TP Cần Thơ, đây là công trình phục vụ nhu cầu đậu xe có quy mô lớn ở Việt Nam hiện nay và là một trong những công trình chào mừng 20 năm TP Cần Thơ trực thuộc trung ương (1/1/2004 – 1/1/2024).
Điều đặc biệt chỉ có ở Tp. Cần Thơ
Năm 1739, vùng đất Cần Thơ được khai mở và chính thức có mặt trên dư đồ Việt Nam với tên gọi là Trấn Giang. Năm 1739, Mạc Thiên Tích, con trai Tổng trấn Hà Tiên Mạc Cửu đã khai mở, lập nên Trấn Giang, tức vùng đất Cần Thơ ngày nay. Trong tiến trình Nam tiến của ông cha, Cần Thơ tuy được khai phá muộn hơn so với Đồng Nai, Sài Gòn và Hà Tiên, song vẫn giữ một vị trí chiến lược quan trọng ở khu vực phía nam đất nước. Hiện Cần Thơ là một trong những địa điểm thu hút du khách trên hành trình khám phá mảnh đất Tây Nam Bộ hiền hòa, trù phú.
Năm 1876, người Pháp cho lập hạt Cần Thơ, vốn là khu vực Trấn Giang xưa. Có nhiều giả thuyết khác nhau về nguồn gốc tên gọi Cần Thơ. Một lý giải phổ biến về địa danh này là từ Kìn Tho trong tiếng Khmer. Kìn Tho là loại cá sặc rằn có nhiều ở địa phương. Có thể người Việt đã đọc trại rạch Kìn Tho, nơi có nhiều cá sặc rằn thành rạch Cần Thơ, nên từ tên rạch đã chuyển thành tên vùng đất.
TP Cần Thơ nằm ở trung tâm vùng hạ lưu châu thổ sông Cửu Long, trải dài trên 65 km dọc bờ Tây sông Hậu với diện tích hơn 1.400 km2. Sông Hậu, hay Hậu Giang là dòng sông lớn nhất chảy qua Cần Thơ, tổng lượng phù sa khoảng 35 triệu m3/năm.
Là cầu dây văng có nhịp chính dài nhất Đông Nam Á với 550 m, cầu Cần Thơ bắc qua dòng sông Hậu, nối quận Cái Răng, TP Cần Thơ với thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Cầu được khánh thành năm 2010, có ý nghĩa quan trọng về mặt kinh tế – xã hội đối với vùng đất Chín Rồng.