Thêm thủ phạm đầu độc người Việt

11:40, Chủ nhật 20/10/2013

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday)- Trong khi người Việt bị bao vây bởi thiên la địa võng thực phẩm bẩn độc thì mới đây các nhà khoa học lại phát hiện thêm thủ phạm đầu độc người dân, đó là ô nhiễm không khí.

Theo đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xếp ô nhiễm không khí ngoài trời là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây các căn bệnh ung thư ở người.

Ông Kurt Straif, giám đốc Cơ quan nghiên cứu quốc tế về ung thư của WHO (IARC), cho biết trước đây cơ quan nghiên cứu ung thư này vẫn đánh giá một số thành phần gây ô nhiễm không khí như khói động cơ diesel là chất gây ung thư, song đây là lần đầu tiên IARC coi ô nhiễm không khí nói chung là nguyên nhân gây ra các căn bệnh chết người này.

“Không khí mà chúng ta hít thở đã trở nên ô nhiễm với nhiều chất gây ung thư”, hãng tin AFP dẫn lời Kurt Straif cho biết.

“Đến nay chúng ta biết rằng ô nhiễm không khí không chỉ là mối nguy hiểm lớn đối với sức khỏe nói chung mà còn là một nguyên nhân hàng đầu gây ra căn bệnh ung thư chết người”, ông thông báo.

Cùng với nhiều chất nguy hiểm như amiăng, thuốc lá, phóng xạ tia cực tím, WHO coi ô nhiễm không khí là chất sinh ung thư trong môi trường nguy hiểm nhất, hơn cả việc hút thuốc thụ động. Cũng Theo ông Straif, các nguồn gây ô nhiễm lớn nhất là khí thải từ giao thông vận tải, các nhà máy điện, sản xuất công nghiệp và nông nghiệp.

Bụi giao thông vẫn là vấn đề nghiêm trọng đối với môi trường

Với nghiên cứu trên của WHO, người dân Việt mới vỡ nhẽ ra rằng bây lâu nay mình bị đầu độc cho chết dần chết mòm không mấy ai nhận ra, bởi ô nhiễm không khí đã được người dân chấp nhận sống chung như vẫn sống với thực phẩm bẩn độc, đặc biệt là ở 2 thành phố Hà Nội, TP.HCM. Năm 2012, Ngân hàng Thế giới (WB) đã xếp TP.HCM vào 1 trong 10 thành phố có mức độ ô nhiễm bụi cao nhất thế giới. Trong vòng 5 năm qua có 98% kết quả từ các trạm quan trắc không khí bán tự động không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí (QCVN). Những tháng mùa khô nồng độ bụi trung bình lên tới 1,47mg/m3 vượt 5 lần QCVN. Cùng với bụi, 45% giá trị quan trắc nồng độ NO2 và 67% giá trị quan trắc nồng độ benzene… cũng vượt QCVN.

Ô nhiễm không khí là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ung thư

Theo PGS.TS Nguyễn Đinh Tuấn không khí ở khu vực ven đường tại TPHCM đang bị ô nhiễm chủ yếu do bụi lơ lửng, benzen và khí NO2. Tại khu vực dân cư, nồng độ chì có nhỏ hơn quy chuẩn cho phép nhưng vẫn khá cao so với quy chuẩn của nhiều nước. Đây có thể là hệ quả gây nên từ xăng dầu bởi thời điểm hiện tại TPHCM có khoảng 447.000 xe ô tô, 5 triệu xe gắn máy và khoảng 60.000 xe ô tô mang biển số từ các tỉnh khác lưu thông. Tình trạng kẹt xe liên tục trên các tuyến đường khiến tình trạng ô nhiễm không khí thêm trầm trọng.

Còn tại Hà Nội, tình trạng không khí bị ô nhiễm cũng diễn ra hết sức nghiêm trọng, có tới trên 72% gia đình bị mắc bệnh do ô nhiễm không khí.

Theo kết quả quan trắc 6 tháng đầu năm 2013, hàm lượng bụi lơ lửng trong không khí tại một số điểm trên địa bàn Hà Nội đáng giật mình. Có nơi hàm lượng bụi lơ lửng trong không khí vượt quá 11 lần tiêu chuẩn cho phép… như đường Nguyễn Trãi, Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Văn Linh. Còn các tuyến phố khác vượt quá 5 lần tiêu chuẩn cho phép.

Kết quả quan trắc đáng tin cậy nhất những năm gần đây tại Trạm khí tượng Láng (Trung tâm Khí tượng thủy văn Đồng bằng Bắc Bộ) cũng cho thấy, hàm lượng bụi khí vượt tiêu chuẩn quy định ở mức 50 microgram/m3. Đối với 4 chất khí còn lại chưa vượt tiêu chuẩn Việt Nam nhưng SO2 vượt tiêu chuẩn EU 20 microgram/m3. Lượng bụi ở Hà Nội luôn vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,7-2,2 lần (tại 65 vị trí quan trắc trên các tuyến đường chủ yếu của 9 quận và 5 huyện TP), còn các khí gây ô nhiễm (CO, CO2, SOx, HC...) ở mức xấp xỉ tiêu chuẩn cho phép.

Sau thực phẩm bẩn, không khí thủ phạm tiếp theo đầu độc người Việt

Một kết quả nghiên cứu trước đây của Sở Y tế Hà Nội đã ghi nhận 4 loại ô nhiễm chính, gồm: mức độ ô nhiễm công nghiệp tập trung tại Khu Công nghiệp Thượng Đình; ô nhiễm không khí giao thông (khu vực đường Pháp Vân); ô nhiễm do dịch vụ thương mại (khu chợ Đồng Xuân); ô nhiễm do sinh hoạt (khu tập thể Kim Liên) và mức độ ô nhiễm thấp nhất là khu vực quận Tây Hồ.

Tại các khu vực trên, nhóm nghiên cứu đã điều tra tỷ lệ hộ mắc bệnh tại Hà Nội là 72,6%. Trong số đó, hộ có người mắc bệnh mạn tính chiếm 43%, cao nhất là ở quận Hoàng Mai, thấp nhất là quận Tây Hồ.

Trong đó, các bệnh có tỷ lệ mắc cao là bệnh tai mũi họng, viêm mũi dị ứng, hen phế quản, cảm cúm, viêm phổi, viêm phế quản, các bệnh ngoài da, bệnh về mắt. Một chuyên gia cho biết những người có thời gian sống trên 10 năm ở ngay tại Hà Nội có tỷ lệ mắc bệnh mạn tính về tai mũi họng cao gần gấp đôi so với với những người sống ở đây dưới 3 năm. Tỷ lệ bệnh tật đối chiếu giữa nhóm người sống lâu ở Hà nội và nhóm người mới sống ở Hà Nội là 24,5% và 12,5%.

Ngoài trời đã ô nhiễm, trong nhà lại càng ô nhiễm hơn. Không khí ô nhiễm dường như đã bủa vây toàn bộ không gian sống của người Hà Nội. Nghiên cứu của các nhà khoa học đã chỉ ra hàng nghìn nguyên nhân gây ô nhiễm không khí ngay trong chính từng ngôi nhà và các cao ốc văn phòng. Trong nhà chúng ta có hàng nghìn hợp chất hóa học không tốt cho sức khỏe con người. Chúng phát sinh ra một cách tự nhiên từ khói, khí gas, bụi, các chất hóa học của mỹ phẩm, chất tẩy rửa, thuốc diệt côn trùng và rất nhiều chất gây ô nhiễm khác từ các thiết bị hiện đại trong nhà như: xe máy, máy điều hòa, tủ lạnh, bếp gas, lò vi sóng, tivi...; từ vật liệu xây dựng như: đá ốp granit, đá lát, sơn tường, thảm rải sàn, vật liệu trang trí và sắp đặt…; từ các tác phẩm nghệ thuật như: tranh sơn dầu, tượng đá, hoa giấy…; từ đồ nội thất làm bằng bột gỗ, ván ép…

Vậy là, sau cơn bão thực phẩm bẩn thì người Việt tiếp tục bị đầu độc bởi tình trạng không khí bị ô nhiễm nặng nề. Những cái án tử vẫn treo lơ lửng trên đầu người dân Việt mà chưa tìm được phương án giải thoát.  

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: