Lợi dụng vẻ ngoài đáng thương, người đàn ông và người thân của mình kiếm được thu nhập tốt hàng tháng và muốn duy trì sự thương cảm, giúp đỡ của cộng đồng để làm giàu cho chính mình.
Thay vì kiếm tiền chân chính bằng sức lao động của mình, một số đối tượng chọn cách kiếm sống bằng nghề ăn xin, lợi dụng lòng thương hại của xã hội dành cho người già, trẻ nhỏ, người tàn tật. Đây là một vấn nạn xã hội đáng lên án đang diễn ra hàng ngày không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước trên thế giới.
Cách đây một tuần, cộng đồng mạng ở Thái Lan xôn xao sau khi xem đoạn clip một người đàn ông cúi gập người đang ăn xin tại một khu chợ ở nước này. Đoạn clip đã lấy được nhiều sự thương cảm của cư dân mạng. Sở dĩ người đàn ông này cúi gập lưng khi đi là do vấn đề ở cột sống từ năm anh ta 20 tuổi dẫn đến đi lại khó khăn, không thể đứng thẳng. Sau sự việc, không ít cư dân mạng rủ lòng trắc ẩn, ngỏ ý muốn giúp đỡ người đàn ông này chút tiền, quà để có cuộc sống ổn định, bớt khó khăn; muốn an ủi anh ra vì những khiếm khuyết của của cơ thể mang lại. Tuy nhiên, cơ quan chức năng địa phương cho hay, người đàn ông này không hề đáng thương như mọi người nghĩ. Lợi dụng vẻ ngoài đáng thương, người đàn ông và người thân của mình kiếm được thu nhập tốt hàng tháng và muốn duy trì sự thương cảm, giúp đỡ của cộng đồng để làm giàu cho chính mình. Ban ngày đi khắp nơi để xin tiền thế nhưng gia đình của anh ta lại ăn uống xa xỉ tại một nhà hàng vào ban đêm. Họ thậm chí gọi rất nhiều món đắt tiền như cá vược đen và tôm càng xanh.
Anh ta thực chất không phải là người Thái Lan như nhiều người nghĩ mà là người gốc Campuchia. Anh cùng gia đình băng qua biên giới giữa Thái Lan và Campuchia để ăn xin nhiều năm qua. Cơ quan chức năng đã bắt giữ và trục xuất về Campuchia 4 lần nhưng vẫn ngựa quen đường cũ, quay lại Thái Lan để hành nghề ăn xin. Danh tính người đàn ông này là Kom Pormee, 47 tuổi. Không chỉ có Kom Pormee mà vợ, con và mẹ vợ đều hành nghề ăn xin và kiếm được 700- 1500 baht/ngày (450.000 đồng - 900.000 đồng/ngày). Họ nằm trong một đường dây ăn xin có tổ chức, mỗi tháng có thể kiếm được 100.000 baht (hơn 65 triệu đồng/tháng). Để tăng số tiền kiếm được, vợ chồng Kom Pormee còn đưa theo một đứa trẻ 10 tháng tuổi, tăng thêm sự đáng thương của họ.
Tại đồn cảnh sát, Kom Pormee thành thật khai rằng địa điểm anh ta chọn hành nghề ăn xin ở Thái Lan nhiều năm chứ không phải đất nước anh ta đã sinh ra và lớn lên bởi vì người dân Thái giàu lòng nhân ái, tốt bụng, hào phóng và đất nước này cũng thuộc nước giàu có Đông Nam Á.
Tuy nhiên, anh ta không hiểu luật phát của nước này. Theo Mục 13 của Đạo luật Kiểm soát ăn xin của Thái Lan, ăn xin là việc làm bất hợp pháp ở nước này. Mọi người không được xin tiền dù là khuyết tật, mang thai hay dùng trẻ em để lấy lòng thương. Do đó, người đàn ông này và những người thân bị cáo buộc nhập cảnh bất hợp pháp và vi phạm đạo luật kiểm soát ăn xin.
Sau khi sự việc gây xôn xao dư luận, Kom Pormee đã bị cảnh sát bắt giữ tại ngôi nhà thuê cùng những người liên quan đến đường dây ăn xin. Anh ta và gia đình sẽ bị trục xuất về Campuchia sau nhiều năm kiếm tiền bằng cách lấy lòng thương của cư dân địa phương.
Để ngăn chặn vấn nạn này, giải pháp tốt nhất nếu gặp người ăn xin thay vì cho tiền, chúng ta nên thông báo với cơ quan chức năng. Việc đưa những người ăn xin, không nơi cư trú vào các cơ sở xã hội chính là món quà tốt nhất dành cho những người thực sự khốn khó. Ngoài ra, nó còn giúp lòng tốt của xã hội không bị kẻ xấu lợi dụng. Trong thời đại mà dường như người ta sẵn sàng làm mọi thứ chỉ để kiếm tiền như hiện nay, thì ngay cả lòng tốt cũng cần phải được đặt đúng chỗ và thể hiện đúng cách.