Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI) vừa ra thông báo thu hồi một số lô sản phẩm mì ăn liền có chứa chất trừ sâu không được phép Ethylene Oxide. Đây là chất có hại cho sức khỏe con người và không được phép sử dụng trong thực phẩm phân phối tại Liên minh châu Âu (EU).
Theo thông báo trên trang fsai.ie, hiện có 3 dòng sản phẩm trong danh sách thu hồi của FSAI, bao gồm mỳ Hảo Hảo vị tôm chua cay (loại 77g, hạn sử dụng đến 24/9/2022), miến Good vị sườn heo (loại 56g, hạn sử dụng đến 10/11/2022), mỳ Yato vị hải sản (loại 120g, hạn sử dụng đến 30/11/2022); trong đó, 2 sản phẩm là mỳ Hảo Hảo và miến Good do công ty Acecook Việt Nam sản xuất, sản phẩm còn lại có xuất xứ từ Trung Quốc.
Theo FSAI, việc tiêu thụ các sản phẩm nhiễm Ethylene Oxide tuy không gây nguy hiểm cấp tính cho sức khỏe nhưng có thể gây ung thư nếu thường xuyên sử dụng trong thời gian dài. Do đó, người tiêu dùng cần hạn chế việc tiếp xúc với chất này.
Do đó, FSAI đã quyết định thu hồi lô sản phẩm trên tại các điểm bán chịu trách nhiệm phân phối.
Đáng nói, cũng không phải riêng sản phẩm của Việt Nam, dư lượng Ethylene Oxide là nguyên nhân triệu hồi phổ biến các sản phẩm của FSAI. Thông tin trên Diễn đàn Doanh nghiệp, theo thống kê chỉ riêng trong tháng 8/2021, FSAI thông báo thu hồi hơn 10 sản phẩm liên quan chứa chất Ethylene Oxide từ nhiều nước khác nhau Anh, Pháp, Ba Lan, Đức… Tại EU, đã có hơn 3.862 trường hợp được thông báo về việc ô nhiễm chất Ethylene Oxide trong thực phẩm tính trong năm 2020. Con số này năm 2019 là 4.118 trường hợp.
Mới đây nhất, ngày 27/8, FSAI “tuýp còi” triệu hồi một số lô hàng thuộc 3 sản phẩm thực phẩm bổ sung thương hiệu Royal Green xuất xứ từ Pháp do cũng chứa thành phần là chất Ethylene Oxide.
Trước đó, ngày 25/8, FSAI cũng triệu hồi một lô kem Milka Vanilla hiệu Milka xuất sứ Ba Lan cũng do thành phần chứa chất Ethylene Oxide. Theo đó, mặt hàng này bị thu hồi bởi trong chất phụ gia thực phẩm E410 có chứa chất Ethylene Oxide. Nhưng E410 lại là chất phụ gia thực phẩm đã được phê duyệt tại EU và được sử dụng làm chất làm đặc và ổn định trong nhiều loại sản phẩm thực phẩm.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, một đại diện Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, thông tin này phải rất thận trọng, bởi cùng là mã Code QR nhưng có quốc gia chấp nhận, có nước lại không.
Ngoài ra, với hóa chất trong thực phẩm thông thường đều có một ngưỡng cho phép, kể cả hóa chất bảo vệ thực vật (có trong rau, củ, quả). Do đó, lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm cũng đề nghị các đơn vị, người dân cần thận trọng với các thông tin liên quan đến hóa chất trong sản phẩm và chờ thông tin chính thức từ cơ quan chức năng.
Theo các chuyên gia, Ethylene oxide (còn được gọi là EO hoặc EtO) là một hợp chất hữu cơ, có công thức hóa học C2H4O (dạng khí). EO chủ yếu được sử dụng để làm làm chất chống đông và polyester. Một lượng nhỏ của ethylene oxide được sử dụng trong thuốc trừ sâu diệt côn trùng và thuốc xông hơi cho các loại gia vị, sách, da, giấy, đồ nội thất… Ethylene oxide cũng là một thành phần trong dệt may, chất tẩy rửa, dung môi và chất kết dính. Cũng có một số trường hợp sử dụng Ethylene oxide để khử trùng máy móc, thiết bị.
Thực tế, trong chế biến thực phẩm, có những hoạt chất bị cấm ở quốc gia này nhưng lại được cho phép ở thị trường khác và ngược lại là phổ biến. Với Ethylene oxide là hợp chất được sử dụng làm sản phẩm khử trùng, hun trùng rất hiệu quả dành cho sản phẩm nông sản, thực phẩm. Tuy nhiên, thị trường các nước ở Châu Âu, Canada và Mỹ, thực phẩm được khử trùng bằng Ethylene Oxide là không được phép.
Thông tin trên VOV, Bộ Công Thương cho biết, ngay khi nắm được thông tin cảnh báo, Bộ Công Thương đã đề nghị Công ty cổ phần Acecook Việt Nam khẩn trương báo cáo về quy trình sản xuất và sự khác biệt giữa lô sản phẩm tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đối với 02 sản phẩm mì Hảo Hảo và miến Good do công ty sản xuất để đánh giá sự xuất hiện chất Ethylene Oxide (là chất không thuộc danh mục được quy định về giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm theo Thông tư 50/2016/TT-BYT của Bộ Y tế) trong sản phẩm như cảnh báo nêu.
Đồng thời, Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp rà soát toàn bộ danh mục sản phẩm do Công ty cổ phần Acecook Việt Nam hiện đang phân phối trong nước, kiểm tra xác minh làm rõ quy trình sản xuất và xác định các vi phạm nếu có để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Theo quy định của Luật an toàn thực phẩm Việt Nam.