Thiếu úy Lê Văn Lực (sinh 1985), nhân viên thông tin tàu CSB 6006 (Cảnh sát biển vùng 2) và chị Mai Lệ Huyền (sinh 1987), trú phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng, mừng hơn bắt được vàng, khi sinh được đứa con trai. Bởi hai lần mang thai trước đó đều hỏng, nhưng thương tâm thay đứa con ấy của anh chị đã bị khoèo chân lại kèm cả bệnh tim bẩm sinh nên vợ chồng anh chị lo lắng lắm.
Căn phòng trọ của vợ chồng anh Lực chỉ có 25m2, nằm khuất phía trong hẻm của tổ 6D (phường Thọ Quang). Chị Huyền thuê căn phòng này cũng gần nhà bố mẹ chị để có gì chạy qua chạy lại cho tiện. Những ngày hè nắng hè, căn phòng càng trở nên chật chội, oi bức. Hôm chúng tôi đến nhà, mẹ con chị Huyền đang qua nhà bố mẹ cho đỡ nóng, còn anh Lực đang làm nhiệm vụ ngoài Hoàng Sa.
Cháu Hiếu mới được 2 tháng rưỡi. |
Chị Huyền kể, anh Lực quê ở Quỳnh Lưu (Nghệ An) còn chị quê ở Đà Nẵng. Hai vợ chồng cưới nhau cũng đã được 4 năm rồi nhưng bây giờ mới sinh được cháu Hiếu. Hai lần trước chị Huyền mang bầu nhưng đều hư cả hai. Vợ chồng chị cũng phải chạy chữa và rất giữ gìn mới sinh được cháu Hiếu. Thế nhưng cháu Hiếu sinh bị thiếu tháng (8 tháng 10 ngày) và sinh ra thì bị tật ở chân trái.
Cháu bị khoèo chân lúc mới sinh ra. |
Chị Huyền sinh cháu Hiếu được 5 ngày thì anh Lực phải lên đường làm nhiều vụ. Vì thế, việc chạy chữa cho con chủ yếu một mình chị Huyền lo chứ không có được sự hỗ trợ từ chồng. Tính đến thời điểm này cháu Hiếu đã phải băng bột ở chân 5 lần và phẫu thuật gót chân 1 lần. Việc chữa trị cho cháu được thực hiện tại Bệnh viện chỉnh hình Đà Nẵng.
Ngoài ra, để nắn chân cho cháu, các bác sĩ đã đóng đôi dép đặt lên thanh sắt cố định. Một ngày 24 giờ thì cháu phải đi đôi dép đó 23 giờ, một giờ còn lại là lột dép ra vệ sinh cho cháu. Hiện nay, cứ hai tuần chị Huyền lại đưa con đến bệnh viện tái khám để các bác sĩ đóng lại dép khác.
Ngoài bị khoèo chân, cháu Hiếu còn bị bệnh tim bẩm sinh. |
Theo chị Huyền, bác sĩ cho biết, chân của cháu có thể nắn thẳng được nhưng phải lâu dài, nhanh nhất là 3 năm.
Mới đây, các bác sĩ lại phát hiện cháu bị bệnh tim bẩm sinh nên chị Huyền lại tất tả đưa con đến Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng điều trị. Các bác sĩ cho biết đang theo dõi tình hình của cháu và sẽ phẫu thuật khi đủ điều kiện. Hôm chúng tôi đến cháu Hiếu vừa ra viện được mấy ngày.
Cứ 2 tuần, các bác sĩ lại đóng cho cháu đôi dép khác để nắn chân. |
Nhắc đến anh Lực, chị Huyền cho biết, anh đi làm nhiệm vụ chuyến đầu tiên khoảng 1 tháng thì tàu anh cập bờ để tiếp nhiên liệu, lương thực. Về nhà với vợ con được vài ngày, anh lại có lệnh đi đợt 2.
Thấy con dâu một mình vất vả chăm lo cho cháu, sau khi gieo xong 5 sào mạ, bố mẹ anh Lực lặn lội từ Nghệ An vào thăm con, thăm cháu và đỡ đần thêm cho con dâu.
“Vợ chồng tui vào chỉ gặp được thằng Lực 5 phút ở bệnh viện rồi nó lại vội vàng lên đường làm nhiệm vụ. Nó chỉ kịp nói với tui: “Con nhờ bố mẹ giúp đỡ, chăm sóc vợ con con giúp con”, bà Nguyễn Thị Thịnh – mẹ anh Lực cho biết.
Chồng đang làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa, một mình chị Huyền phải lo cho con nhỏ. |
Tuy nhiên, ông bà vừa đi được mấy ngày, ở ngoài đó trời đổ mưa, 5 sào mạ bị hư, thối hết, bố anh Lực phải về để gieo lại mạ. Còn mẹ anh Lực, sau khi vào được mấy ngày thấy mẹ không được khỏe, chị Huyền đưa bà Thịnh đi khám thì phát hiện bà bị bệnh tim. Đáng lẽ bà Thịnh cũng về cùng chồng để gieo lại mạ nhưng chị Huyền không cho về và bảo “Mẹ phải ở lại để con chữa bệnh cho mẹ”.
Thương mẹ chồng, lo mua thuốc cho mẹ nhưng chị Huyền cũng không có nhiều tiền. Cầm đơn thuốc đi mua thuốc, nếu mua hết thuốc theo đơn thì hết 1,7 triệu đồng, trong khi tiền không có, chỉ Huyền chỉ mua được 500 ngàn đồng tiền thuốc rồi khi nào có tiền lại mua thuốc tiếp. Bây giờ, chị Huyền không chỉ phải lo chữa bệnh cho con mà còn lo chữa bệnh cho mẹ chồng nên lại càng vất vả hơn.
Theo bà Thịnh, bà cũng thường xuyên thấy mệt trong người nhưng ở quê cũng lu bu công việc lại không có tiền để đi khám nên chỉ khi vào Đà Nẵng, con dâu đi khám mới phát hiện ra mình bị bệnh tim.
Căn phòng trọ của vợ chồng chị Huyền thuê mỗi tháng 1 triệu đồng. Những ngày mẹ anh Lực sống lại đây phải nằm ngủ dưới nền nhà chứ không có chỗ ngủ. Chị Huyền trước đây buôn bán hải sản ở chợ nhưng mấy năm nay đã nghĩ do việc mang bầu thường bị hư. Vì thế cuộc sống gia đình chỉ sống nhờ vào lương của anh Lực. Bây giờ, chị Hiền cũng muốn xin được một công việc gì đó để làm, tăng thu thập, cải thiện đời sống gia đình nhưng xin việc cũng rất khó khăn.
Trao đổi với chúng tôi, trung úy Phạm Văn Trung – chính trị viên tàu CSB 6006 (Cảnh sát biển vùng 2) cho biết, Lực là nhân viên thông tin của tàu CSB 6006 nhưng do yêu cầu nhiệm vụ nên Lực đang tăng cường cho tàu CSB 4032. Mặc dù hoàn cảnh gia đình như thế nhưng Lực rất ý thức trách nhiệm, có lệnh là đi ngay, gác lại chuyện gia đình.
Đối với cô Huyền, tần suất 2 tuần đưa con đi khám một lần cũng đã là vất vả rồi. Thêm các khoản chi phí điều trị cho cháu nữa trong khi hai vợ chồng đang thuê trọ. Trong thời gian qua, anh em của đơn vị cũng thường xuyên thăm hỏi, động viên mẹ con cô Huyền. Tuy nhiên, để giúp cháu Hiếu điều trị trong thời gian lâu dài, cần sự hỗ trợ của cộng đồng.