Tiến sĩ khoa học lý giải mối liên hệ giữa số 7 và máy bay MH17 bị bắn rơi

11:35, Thứ tư 23/07/2014

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - “Việc máy bay MH17 bị bắn rơi và con số 7 chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Chúng ta không thể dựa vào đó để kết luận một vấn đề được…”, Tiến sĩ Vũ Thế Khanh nói.

Như tin đã đưa, ngày 17/7 máy bay Boeing 777 (mang hiệu số MH17) đang trên đường hành trình từ Amsterdam (Hà Lan) đến Kuala Lumpur (Malaysia) chở theo 298 hành khách và phi hành đoàn đã thiệt mạng khi bị một quả tên lửa đất đối không bắn trúng tại miền đông Ukraina (giáp biên giới với Nga) ở tầm cao khoảng 10.000 mét.

Nhiều người hoài nghi về sự trùng hợp của những con số 7 trong vụ thảm khốc trên như một “điềm báo” từ trước. Để bạn đọc có cái nhìn khách quan hơn về sự trùng hợp những con số 7 trong vụ máy bay xấu số MH17, Phunutoday.vn đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Vũ Thế Khanh - Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng- UIA - xung quanh vấn đề này.

Mô tả ảnh.
Tiến sĩ Vũ Thế Khanh lý giải về số 7 và máy bay MH17 bị bắn rơi.

Những con số 7 trùng hợp trong vụ máy bay Boeing 777, mang số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia bị nạn ở miền đông Ukraina (giáp biên giới với Nga) được khá nhiều người hoài nghi như một ”điềm báo”. Dưới góc độ nghiên cứu, tiếp cận của một nhà khoa học, ông lý giải câu chuyện này ra sao, thưa ông?

-  Theo tôi, thật ra đây chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Trên đời này cũng có rất nhiều cái liên quan đến con số 7, ví dụ như ngày xưa tất cả bút viết đều có ghi số 7 trên thanh, hay cái mic ngày xưa của Không quân Việt Nam cũng thế… Tôi cho rằng, đó chỉ là con số thống kê thú vị như thế thôi chứ nó không liên quan đến vụ máy bay bị nạn vừa rồi.

Về tâm linh thì mọi người rất thích thứ 7, hàng tỉ người trên trái đất này đều yêu thích thứ con số này. Ví như trong âm thanh có 7 nốt nhạc, ánh sáng có 7 màu, trong đạo học có thất bảo (7 thứ quý), chu kỳ thời gian là 7 ngày, hay lễ các vị pho tượng ở các ngôi chùa.

Theo nghiên cứu, thống kê khoa học thì số 1 và số 7 là hai số thường được dùng nhiều nhất và thường đặt tên cho thành phần như tôi kể trên. Đó chỉ là mang tính tượng trưng, tính điển hình, cá biệt trong một hiện tượng tự nhiên nào đó mà thôi.

Nó chỉ là một xác suất, ví như trong tâm linh có thể đoán trước được rằng những hiện tượng sẽ xảy ra trong một tương lai gần. Thống kê nó phải có tính chất độc đáo, điển hình nếu như trong ngày hôm đó chỉ có Boeing 777 (mang hiệu MH17) là chiếc máy bay duy nhất.

Liên quan đến vụ rơi máy bay toàn là số 7 thì nó chỉ là một thống kê mang tính chất bới ra, nếu người ta thống kê những con số khác thì cũng có nhiều như vậy. Nếu như ngày sản xuất máy bay giống như chiếc Boeing 777 này cũng sản xuất ra nhiều thứ máy bay khác thì sao? Vậy sao hàng trăm hãng máy bay cũng sản xuất ngày hôm đó và có giờ bay vào cùng một thời điểm lại không bị hỏng?

- Thưa ông, máy bay Boeing 777 mang số hiệu MH 17 của Malaysia Airline được sản xuất năm 1977 và khởi hành chuyến bay đầu tiên vào ngày 17/7/1997 và gặp nạn đúng 17 năm sau đó là vào ngày 17/7 vừa qua. Trước đó, Boeing 777 mang số hiệu MH370 chở theo 235 hành khách cũng bỗng dưng mất tích. Sự mất tích này đến nay vẫn là một điều bí ẩn, ông lý giải sao về điều này ?

-  Đó là một sự trùng hợp thú vị, không nên bi quan rằng cứ mọi chuyện liên quan đến số 7 là xảy ra như vậy.

Ví dụ như xác suất bay an toàn là 99,99%, xác suất bị tai nạn nằm trong số phần trăm còn lại. Trên đời không có hiện tượng, sự vật gì mà mang giá trị tuyệt đối cả, kể cả việc giám định gien AND, người ta cũng ghi là 99,99 % thôi. Mỗi một con số chưa thể đạt bằng 1, nghĩa là không có tai nạn gì cả. Ví dụ, số giờ anh bay được giới hạn quy định nếu bay quá số giờ đó thì hẳn nhiên là chuyến bay đó đặt ở mức cảnh báo là không an toàn.

Đó là một bài toán cho tất cả các phương tiện tham gia giao thông. Máy bay Boeing 777 (MH17) lại nằm trong xác xuất tai nạn hy hữu đó nên không nói lên được vấn đề gì cả.

Nói một cách tâm linh, người ta có thể đoán trước được những vấn đề tai nạn, cũng có những trường hợp đó. Ví dụ như nhà tiên tri Van- ga cũng đã từng dự báo rất nhiều lần về tai nạn. Bài toán xác xuất không thể dựa vào những con số thống kê đó mà kết luận một vấn đề được. Do đó con số 7 trùng hợp ngẫu nhiên vụ Boeing 777 không thể tượng trưng cho vụ tai nạn đó. Tại vì những số đó hay gắn với một hiện tượng xã hội nào đó, một sự kiện quan trọng hay hàm ý mang một ý nghĩa nào đó nên người ta hay mặc định nó như thế thôi.

- Theo quan niệm dân gian ta truyền tụng lại có câu "chớ đi ngày bảy, chớ về ngày ba”. Ông có suy nghĩ như thế nào về câu nói này?.

- Theo cổ học phương Đông, người ta thường chọn ngày tốt để khởi sự một công việc mới tốt hơn, bởi họ tin rằng”đầu có xuôi thì đuôi mới lọt”. Việc mang niềm tin như vậy sẽ khiến công việc trở nên thuận buồm xuôi gió.

Đó chỉ là một yếu tố đơn thuần, xuất phát từ quan niệm của dân gian, người này truyền cho người khác nên mới tạo thành như thế. Nó đã tồn tại hàng nghìn năm nay rồi, là sự đúc kết rút kinh nghiệm từ chính thực tiễn cuộc sống. Mọi người cho rằng kiêng kỵ chúng cũng là một liệu pháp để có thêm động lực, niềm tin và yên tâm vào công việc mình đang và sẽ làm. Tuy nhiên, nếu chúng ta mang niềm tin tuyệt đối như thế thì sẽ hỏng mọi việc, rơi vào vòng luẩn quẩn của những trò mê tín, dị đoan.

- Con số 7 còn có ý nghĩa nào khác biệt so với các số khác trong hệ thức đếm, thưa ông?

-  Xét về tâm lý mà nói, con số 7 là một con số rất đặc biệt, đôi khi dùng để đặt tên, ghi nhớ một sự kiện nào đó có tầm ảnh hưởng lớn đến đời sống xung quanh chúng ta.

Người ta thường lấy chu kỳ 7 là một trong những chu kỳ được dùng phổ biến chung cho nhiều hiện tượng, sự vật xảy ra trong tự nhiên. Đó chỉ là tín ngưỡng tâm linh dân gian của một số người mà thôi. Ví như, theo quan điểm đạo phật thì các ngài quan niệm rằng: Trong chu kỳ đó thì không có ngày nào là ngày xấu hoặc ngày tốt cả. Mọi việc làm của chúng ta đều dẫn đến quan niệm đó.

Ngoài ra, có những con số không liên quan gì đến số 7 mà nó được vận động theo mùa, theo chu kỳ của mặt trăng quay quanh trái đất, trái đất quay quanh mặt trời có ảnh hưởng đến tự nhiên như các tiết trong năm như lập xuân (4/2), xuân phân (21/3), lập hạ (6/5), hạ chí (21/6), đại hàn (21/1), thanh minh (5/4)…

Cần nói thêm rằng, có một số nhà tiên tri họ dự đoán được tương lai. Ở đó, họ đã mô tả được những sự việc xảy ra trong tương lai. Người ta nói cả 3 mốc thời gian là hiện tại, quá khứ và tương lai. Nếu nó đúng thì những người sinh sống thời đại đó mới làm các bước tiếp theo.

Vụ máy bay bị nạn Boeing 777, mang hiệu MH 17 làm cả thế giới phải sửng sốt, bàng hoàng chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên mà thôi. Đó chỉ là sự thống kê, không mang ý nghĩa tâm lý, nó được dùng nhiều cho chu kỳ về thời gian, hội họa, âm thanh, ánh sáng.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Phương anh