1. Lắp ráp
Một trong những trò chơi kích thích trí thông minh cho bé thì đầu tiên phải kể đến là trò lắp ráp. Đây là một trò chơi cơ bản, phù hợp với trẻ nhiều lứa tuổi khác nhau. Không những vậy, mức độ khó của trò chơi cũng sẽ được tự quyết định thông qua mô hình lắp ráp cho phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Nhờ đó mà cha mẹ có thể dễ dàng thay đổi mô hình đa dạng khác nhau để kích thích hay tăng độ khó lên để thử thách trẻ.
Trong thời gian đầu để cho trẻ làm quen với trò chơi lắp ráp, cha mẹ nên lựa chọn những mô hình đơn giản, dễ sắp xếp, giới thiệu cho trẻ cách gắn các khối hình lại với nhau. Mới đầu, cha mẹ nên cùng trẻ lắp theo các mẫu có sẵn để trẻ có thể thích nghi và hứng thú với trò chơi này. Sau đó cha mẹ hãy khuyến khích trẻ xếp thành nhiều mô hình khác nhau theo trí tưởng tượng để trẻ phát huy khả năng sáng tạo của bản thân. Có thể mới đầu những mô hình xếp còn khá đơn giản nhưng cha mẹ hãy khuyến khích trẻ để lắp những hình phức tạp hơn.
Qua trò chơi này, trẻ có thể nâng cao khả năng và trí tưởng tượng sáng tạo. Không những vậy, bên cạnh việc sắp xếp, lắp ráp mô hình, trẻ còn được học hỏi được thêm nhiều kiến thức về hình khối, không gian và màu sắc. Ngoài ra, việc chơi lắp ráp còn giúp trẻ tăng khả năng vận động các ngón tay, bàn tay, cho đôi tay dẻo dai, linh hoạt hơn.
2. Tìm đồ vật
Trò chơi đi tìm đồ vật là một trong những trò chơi kích thích trí thông minh và có thể cung cấp cho trẻ rất nhiều kiến thức về các đồ vật, dụng cụ xung quanh trẻ. Không những vậy, trò chơi còn giúp kích thích sự tò mò, tính sáng tạo và kiên nhẫn ở trẻ. Trong quá trình đi tìm đồ vật, trẻ sẽ tập trung quan sát, ghi nhớ vị trí cũng như không gian quanh đó. Khả năng nghe và hiểu của trẻ cũng sẽ được bồi dưỡng tốt hơn rất nhiều thông qua trò chơi đầy thú vị này.
Có hai trường hợp sẽ xảy ra khi chơi trò này đó là có những món đồ trẻ biết rất rõ nhưng cũng có món đồ trẻ chưa bao giờ được thấy hay nghe qua. Vì vậy, trong trường hợp đó là đồ vật trẻ biết, cha mẹ chỉ cần gọi tên để trẻ đi tìm. Còn với những đồ vật trẻ chưa biết, cha mẹ có thể gợi ý về kích thước, hình dạng, màu sắc… để trẻ có thể tìm kiếm. Trong trường hợp, trẻ phải mất thời gian khá lâu để tìm ra món đồ, cha mẹ hãy khuyến khích trẻ kiên nhẫn và có gợi ý về vị trí của đồ vật để trẻ không nản chí mà từ bỏ nửa chừng.
3. Nhập vai diễn kịch
Nhắc đến trò chơi nhập vai diễn kịch thì chắc hẳn ai cũng đã có thể dễ dàng mường tượng ra vì nó rất quen thuộc trong thời thơ ấu của mỗi đứa trẻ. Trò chơi này không chỉ phù hợp với những trẻ đã lớn, hiểu chuyện mà nó phù hợp với trẻ ở nhiều độ tuổi khác nhau, chỉ từ 2 tuổi trở lên là đã có thể hoàn toàn chơi được rồi. Khác với người lớn, bộ não của trẻ nhỏ thường rất nhanh nhạy, vì vậy chúng hoàn toàn có thể bắt chước được các hành động của người lớn một cách nhanh chóng. Do đó, cha mẹ có thể hướng dẫn để trẻ có thể nhập vai một nhân vật nào đó phù hợp.
Hãy cho trẻ nhập vai vào một nhân vật mà trẻ yêu thích vì khi được khoác lên mình bộ áo quần của nhân vật mà mình yêu thích, trẻ sẽ có thể trở nên rất hứng thú. Trò chơi này sẽ giúp rèn luyện tư duy ngôn ngữ cho trẻ, cho trẻ thoải mái tưởng tượng và khám phá thế giới xung quanh một cách hiệu quả nhất. Hơn nữa, các trò nhập vai như làm bác sĩ chữa bệnh, cảnh sát giao thông… còn cung cấp cho trẻ thêm nhiều kiến thức xã hội, từ đó trở thành nền tảng vững chắc để hình thành nhân cách của trẻ sau này thêm tự tin, năng động và ngoan ngoãn.
4. Đoán các vật trong hộp
Bản năng của một đứa trẻ vốn rất thích khám phá, vô cùng tò mò với mọi thứ xung quanh, đặc biệt là những điều bí mật. Vì vậy, trò chơi này sẽ có thể giúp trẻ nhận biết các đồ vật một cách bất ngờ và đầy hứng thú, kích thích sự tò mò và tìm tòi ở trẻ. Để bắt đầu, cha mẹ hãy cho đồ vật vào trong hộp, sau đó cho trẻ thò tay vào để sờ và đoán tên đồ vật đó. Hoặc, nếu là một hộp quà đã đóng kín, cha mẹ hãy cho trẻ đoán bằng cách lắc hộp quà. Mỗi dịp sinh nhật, chắc chắn trẻ sẽ rất thích chơi đoán quà trong hộp nên cha mẹ đừng bỏ qua trò chơi thú vị này nhé.