Tin tốt đầu năm cho người bệnh

06:45, Thứ hai 10/02/2014

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Nếu các y bác sĩ không đoái hoài đến bạn hay chăm sóc không tốt ư? Hãy sử dụng đường dây nóng, thậm chí là chọn những lần tiếp xúc cử tri của Bộ trưởng Y tế để ... kể tội.

Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã có báo cáo gửi Bộ trưởng Bộ Y tế về việc xác minh, xử lý vụ việc qua phản ánh của người bệnh Chu Thị Tuyết Nhung – người đã bức xúc “kể tội” bác sĩ ở bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang với Bộ trưởng Bộ Y tế.

Bệnh nhân phàn nàn với Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến về thái độ ứng xử của nhân viên y tế
Bệnh nhân phàn nàn với Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến về thái độ ứng xử của nhân viên y tế

Theo cục này, sau khi xác minh thông tin bệnh nhân phản ánh, bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang kết luận: trong quá trình chăm sóc và điều trị cho bà Chu Thị Tuyết Nhung, bác sĩ và điều dưỡng trực tiếp điều trị đã chưa giải thích cụ thể về tình trạng bệnh tật, cách sử dụng thuốc; chăm sóc chưa được tận tình, chu đáo, đồng thời có thái độ ứng xử chưa đúng mực dẫn đến việc người bệnh bức xúc và có những ý kiến phản ánh với Bộ trưởng Bộ Y tế.

Với vi phạm nêu trên, Giám đốc bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang đã thành lập Hội đồng kỷ luật và quyết định phê bình tập thể khoa Nội thần kinh - cơ xương khớp, bác sĩ Nguyễn Thị Huệ và điều dưỡng Nguyễn Thị Ngát (2 nhân viên trực tiếp chăm sóc và điều trị bà Chu Thị Tuyết Nhung).

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang cũng quyết định điều chuyển bác sĩ Nguyễn Thị Huệ; điều dưỡng Nguyễn Thị Ngát đến công tác tại khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn từ ngày 24/1.

Khỏi phải nói thông tin này đã mang đến niềm vui, sự an ủi lớn như thế nào đối với các bệnh nhân ở Việt Nam. Sau rất nhiều phàn nàn về hành động quát nạt, ứng xử không đúng mực của nhân viên y tế đối với bệnh nhân, việc bị kỷ luật này đã nhận được sự ủng hộ lớn từ phía người dân.

Đáng nói hơn, vụ việc chính là một biện pháp để tâm lý vô cùng hữu hiệu để trấn an dư luận.

Chẳng là cách đây không lâu quy định xử phạt 20 - 30 triệu đồng đối với “hành vi đưa, nhận, môi giới hối lộ trong khám, chữa bệnh” theo Nghị định 176/2013/NĐ-CP đã chính thức có hiệu lực. Điều này đã khiến rất nhiều người ăn không ngon, ngủ không yên. Bởi phạt nặng hành vi đưa, nhận phong bì thì sẽ chẳng còn ai dám đưa phong bì. Mà như vậy thì người dân sao có thể yên tâm đau ốm được?

Nhiều người vẫn quan niệm, trong cuộc đời ai chẳng có vài lần đau ốm, không nặng thì nhẹ, thế cho nên việc nhờ cậy đến bác sĩ là chuyện tất yếu. Mà theo lẽ thường, đã nhờ cậy thì sẽ phải cảm ơn, quà cáp. Mọi người không thể làm khác bởi đó đã là nét văn hóa của người Việt từ bao đời nay.

Phong bì là biểu trưng cho tình cảm của bệnh nhân đối với bác sĩ. Mà chuyện tình cảm thì là lẽ tự nhiên, không ai có thể cấm nó phát sinh hay biến mất. Hơn nữa, có một số lượng lớn bệnh nhân và gia đình người bệnh cho rằng tiền trong phong bì là để có được sự yên tâm, khi bác sĩ đã nhận phong bì là đồng nghĩa với việc sẽ được quan tâm, chăm sóc nhẹ nhàng, không bị quát mắng và đặc biệt là không bị cố tình làm đau. 

Các cụ xưa chẳng đã dạy “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”, vào bệnh viện mà không có phong bì thì sao bệnh nhân có thể yên tâm được kia chứ.

Thế nên việc kỷ luật bác sĩ chưa chăm sóc bệnh nhân tận tình đã khiến người dân yên tâm hơn phần nào khi phải đến bệnh viện khám chữa bệnh. Thậm chí, bất kỳ người bệnh nào cũng có thể học theo để yêu cầu các nhân viên y tế chăm sóc mình đứng mực. 

Nếu các y bác sĩ không đoái hoài đến bạn hay chăm sóc không tốt ư? Hãy sử dụng đường dây nóng, thậm chí là chọn những lần tiếp xúc cử tri của Bộ trưởng Y tế để ... "kể tội". 

Ngày 5/2 vừa qua, trong chia sẻ đầu năm của mình, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã nhắc rất nhiều về việc nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh của ngành y, về việc mở lớp nâng cao đạo đức cho cán bộ Y tế... Điều đó cho thấy ngành y tế hoàn toàn có thể bị xử phạt nặng đối với các nhân viên hành xử không đúng mực.

Và như thế rõ ràng là tốt hơn nhiều so với việc người dân nơm nớp lo sợ khi đi khám bệnh như trước đây!

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Phạm Đông