Mạnh tay phạt nặng người Việt phung phí thực phẩm

06:45, Thứ sáu 07/02/2014

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - "Nếu mỗi xe rác Tết trung bình có khoảng 4-5 cái bánh chưng bỏ đi thì riêng khu vực chúng tôi làm đã có cả ngàn bánh chưng bị đổ bỏ sau Tết..."

Do tâm lý của người Việt ta từ xưa đến nay thường cho rằng cả năm mới có một ngày tết nên việc chi tiêu, sắm sửa, cũng phải thoáng hơn những ngày khác trong năm. Trên thực tế, rất nhiều gia đình đã phóng tay chuẩn bị thực phẩm lớn hơn rất nhiều so với khả năng tiêu thụ dẫn đến tình trạng thực phẩm không sử dụng hết, phải bỏ đi. 

Chị Nguyễn Thị Hà, công nhân vệ sinh thuộc Công ty môi trường số 4 (quận Đống Đa, Hà Nội) phụ trách dọn rác của chị là khu vực phố Tây Sơn tới hết công viên Gò Đống Đa cho biết năm nay thời tiết ngày Tết nóng ẩm nên từ mùng 2 Tết đã thấy bánh chưng… vứt ra thùng rác. 

Mô tả ảnh.
Túi nilon chứa 2 đĩa xôi, cá và thịt vụn bị đổ vào thùng rác. Ảnh: Dân Việt

Những chiếc bánh này vẫn còn ăn được, không hiểu sao người ta đã vứt đi. Ngày mùng 3 Tết vừa rồi, tôi còn nhặt được nguyên một con gà chưa luộc. Thấy vẫn chưa ôi nên tôi mang về ăn. Càng ngày càng thấy người ta lãng phí…”, chị Hà chép miệng.

Không chỉ trong nội thành, tại khu vực ven đô lượng thực phẩm đổ đi cũng không ít. Anh Nguyễn Xuân Cường, công nhân vệ sinh thuộc xí nghiệp môi trường đô thị Từ Liêm (Hà Nội) dọn rác khu vực xóm Đình (Đại Mỗ, Từ Liêm) chia sẻ: “Từ mùng 5 Tết trở đi đã thấy người dân vứt bánh chưng. Nhưng cao điểm nhất là từ mùng 10 tới rằm tháng Giêng. Bánh chưng mốc xanh mốc đỏ. Có nhà vứt 2 - 3 cái”. 

Xí nghiệp môi trường đô thị Từ Liêm nơi anh Cường làm việc có 200 công nhân trực tiếp dọn rác. Anh Cường ước tính: “Nếu mỗi xe rác Tết trung bình có khoảng 4-5 cái bánh chưng bỏ đi thì riêng khu vực chúng tôi làm đã có cả ngàn bánh chưng bị đổ bỏ sau Tết. Chưa ai tính chung cả Hà Nội nhưng các quận, huyện khác tôi nghĩ cũng không ít hơn khu vực tôi làm”.

Có thể nói, tình trạng dư thừa, lãng phí thực phẩm sau tết ở ta đã trở nên rất nghiêm trọng. 

Tuy nhiên, trong khi ở các thành phố lớn người dân liên tục lãng phí thực phẩm thì tại nhiều khu vực miền núi, khu vực nông thôn, người dân- đặc biệt là trẻ em, lại rơi vào cảnh thiếu thực phẩm nghiêm trọng. 

Một số liệu mà Viện Dinh dưỡng quốc gia vừa công bố: Gần 21% trẻ em vùng nông thôn bị suy dinh dưỡng - tỉ lệ này cao gấp đôi so với trẻ em thành phố. Một giáo viên Trường TNCS Mường Lạn (huyện Mường Ảng, Điện Biên) cho biết, phần lớn bữa ăn của các em học sinh tại trường chỉ có gạo trắng và muối. Các em đành cải thiện bữa ăn bằng cách trồng thêm rau hoặc xách thêm ít cơm, thức ăn tự kiếm được hoặc từ nhà mang đi. 

Không chỉ các em học sinh, mà ngay bữa ăn của những giáo viên vùng cao cũng vô cùng thiếu thốn. Vừa qua, một số tờ báo viết về cuộc sống của những giáo viên mầm non ở huyện xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa đã khiến dư luận không khỏi giật mình. Để bữa ăn có chất đạm, những giáo viên nơi đây phải bắt nhái, nòng nọc, ve sầu… về “cải thiện”. Đây là nghịch lý đau lòng giữa việc lãng phí thực phẩm ở thành phố và thiếu thực phẩm ở nông thôn. 

Lãng phí thực phẩm là câu chuyện không mới, nhưng nó lại là bài toán chưa tìm được lời giải. Một nghịch lý đang tồn tại là 842 triệu người trên thế giới bị đói trong khi khoảng 1,3 tỷ tấn lương thực bị lãng phí mỗi năm. Khối lượng lương thực bị lãng phí này đủ nuôi sống 3 tỷ người.

Chính vì vậy tiết kiệm thực phẩm hiện nay là việc làm vô cùng cần thiết, đặc biệt với đất nước còn nghèo như ở Việt Nam.

Có rất nhiều biện pháp được đưa ra trong đó đáng chú ý là việc áp dụng phạt nặng đối với những người phung phí thực phẩm.

Hiện nhiều cửa hàng ăn trên thế giới đã đưa ra lời cảnh báo nếu khách hàng gọi quá khả năng dùng bữa của mình, tùy theo mức độ thức ăn thừa, sẽ bị phạt tiền. Ví dụ, một cửa hàng ăn ở thủ đô của Litva, nếu khách hàng để thừa đồ ăn quá nhiều sẽ bị trả gấp đôi số tiền ghi trong hóa đơn. Một số nước khác ở Châu Âu- trong đó có Bồ Đào Nha, cũng đang áp dụng mức phạt tương tự.

Mô tả ảnh.
Cần phải phạt nặng những người lãng phí thực phẩm

Tại Hồng Kông, mỗi món ăn đã gọi ra nhưng không dùng hết, khách hàng phải trả thêm 1,5 đôla Hồng Kông. Còn tại một số quán ăn ở Mỹ, nếu số thức ăn bỏ phí đủ mức chịu phạt, khách hàng sẽ phải trả thêm 30% giá trị bữa ăn. Ngay ở Arab Saudi- nơi được xem là “sống trên tiền” nhờ nguồn tài nguyên dầu mỏ lớn nhất thế giới - các quán ăn cũng bắt đầu áp dụng hình thức phạt tiền những khách hàng bỏ phí thức ăn.

Ở Việt Nam, việc phạt người phung phí thực phẩm có thể được thực hiện hiệu quả hơn bằng cách để chính những công nhân vệ sinh môi trường ngày ngày đi thu dọn rác kiểm tra và thu tiền phạt của các gia đình.

Chỉ cần việc xử phạt các gia đình lãng phí thực phẩm được thực hiện hiệu quả, chắc chắn những hành vi lãng phí thực phẩm sẽ được hạn chế hơn rất nhiều.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Phạm Đông