Có một nghiên cứu nói rằng: Vào tuổi lên hai, nếu bé của bạn biết nói dối và thường xuyên nói dối thì bạn chẳng những không nên bực mình mà còn nên… ăn mừng.
Nói dối sớm chứng tỏ đứa bé sớm biết tư duy và đó là dấu hiệu của một người thông minh về sau.
Trẻ ở độ tuổi mẫu giáo thường không ý thức được việc nói dối là hành vi xấu, làm mất lòng tin với người lớn. Những lời nói dối của trẻ phần nhiều là do trí tưởng tượng. Trẻ thường tưởng tượng ra những điều xa rời thực tế, để tạo sự an toàn, để lý giải cho những hiện tượng xảy ra xung quanh trẻ.
Trẻ từ 3-5 tuổi, có sự tiếp xúc và tương tác với thế giới thực nhiều hơn so với những trẻ bé hơn, nhưng chưa biết cách kiểm soát hành vi, lý giải vấn đề như những trẻ lớn hơn, nên việc trẻ ở độ tuổi mẫu giáo tưởng tượng (mà người lớn luôn quy kết là nói dối) để lý giải sự vật, sự việc là điều tất yếu, không thực sự đáng lo.
Vấn đề đáng nói không phải ở những lời nói dối của bé, mà chính là việc bố mẹ nhìn nhận những lời nói đó của trẻ như thế nào. Hay nói cách khác, bố mẹ nên phân tích đâu là lời nói dối có chủ đích, đâu là sản phẩm của trí tưởng tượng.
Nếu trẻ nói dối, bố mẹ nên chọn một cách giải thích dễ hiểu nhất để giúp trẻ hiểu thế nào là nói dối, hậu quả của việc nói dối, giúp trẻ hiểu về lòng trung thực và giá trị của lòng trung thực trong cuộc sống.
Khuyến khích trẻ biết nhận lỗi và dám nhận lỗi, đồng thời cũng nên tỏ thái độ không hài lòng khi trẻ nói dối, nhắc nhở trẻ việc nói dối là sai, là không nên, nếu trẻ tiếp tục nói dối, trẻ sẽ phải nhận những hình phạt nhất định.
Về mặt nhận thức, mọi đứa trẻ được giáo dục sẽ dễ dàng trả lời: trung thực là tốt, dối trá là xấu. Một cách tự nhiên nó sẽ khao khát làm người tốt và tất nhiên nó mong muốn được sống trung thực. Trẻ sẽ dần thấy cần phải trung thực với mình, trung thực với mọi người. Trẻ được hãnh diện về phẩm cách trong sạch của chính mình.