Tìm hiểu lý do trẻ nói dối

12:45, Thứ ba 25/02/2014

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Bạn không hiểu tại sao đứa con ngoan ngoãn của bạn một ngày nọ trở thành tay nói dối như thần. Bạn lo lắng và tìm cách trị tội vì cho rằng một khi nói dối sẽ thành thói quen thì rất khó để loại bỏ. Hãy cùng tìm hiểu lý do trẻ nói dối để hiểu hơn về trẻ.

nói dối

1. Tính hay quên

Đừng tức giận khi trẻ không còn nhớ những lỗi lầm của mình vì đơn giản là do trí nhớ của trẻ nhỏ, thường là trẻ ở tuổi mẫu giáo, rất kém. Trẻ sẽ quên ngay những gì mà không gây ấn tượng cho trẻ. Thế nên con bạn có thể đã gây ra cuộc loạn đả trên sân trường vì giật đồ chơi của bạn, nhưng khi bạn hỏi tội thì bé chối ngay. Bé không cố tình láu cá đâu, mà có thể bé đã không còn nhớ việc mình lấy đồ chơi đó nữa.

2. Mong ước điều ngược lại

Khi con bạn chối phăng việc làm vỡ cái bình sứ của bạn thì không phải là bé cố tình trốn tội đâu. Bé chỉ mong rằng điều đó đã không xảy ra mà thôi. Và bé muốn quay ngược lại thời gian khi chiếc bình vẫn còn lành lặn và nằm ngay ngắn trên bàn uống nước.

3. Khả năng sáng tạo tích cực

Bé rất thích nói chuyện về một thế giới không có thật. Các nhân vật trong đó là những đồ chơi mà bé vẫn thường ôm mỗi tối. Ở tuổi này, trẻ em thường có đời sống giàu sự tưởng tượng. Sự sáng tạo của con bạn cũng đạt mức đỉnh điểm và bé có thể tin rằng tất cả những điều tưởng tượng trong đầu mình đều đúng. Mà xét cho cùng thì điều đó cũng chẳng ảnh hưởng đến hoà bình thế giới. Dù sao thì cũng chẳng có ai cưỡi tên lửa để lên chơi mặt trăng cả.

4. Lẩn tránh sự tức giận của bạn

nói dối

Con bạn biết rằng làm việc xấu thì bạn sẽ thất vọng. Cho nên bé thà nói dối còn hơn phải đương đầu với sự bực mình của bố mẹ. Bạn cần phải hiểu điều đó và kiềm chế cơn nóng giận để cùng trẻ giải quyết vấn đề một cách hợp lý hợp tình hơn.

5. Mong muốn được chú ý

Bé nhà bạn có thể nhận ra rằng khi bịa một câu chuyện khó tin thì chắc chắn sẽ nhận được sự đáp lại của bố mẹ. Mà bé cũng chẳng quan tâm bố mẹ sẽ phản ứng như thế nào. Điều quan trọng là bé thu hút được sự chú ý của bố mẹ. Đây là một dạng nói dối thăm dò.

6. Trẻ có nhu cầu kiểm tra giới hạn

Mặc dù ngay khi đi học về, bé đã được xem TV rồi. Bé vẫn đến bên bạn xin phép xem TV và nói không chớp mắt rằng cả ngày hôm nay bây giờ con mới xem lần đầu tiên. Dẫu có thấy bực mình đến mấy thì bạn cũng nên bình tĩnh vì cái kiểu giả bộ của trẻ vì những điều như vậy là bình thường thôi. Bé đến 5 tuổi thì đã qúa quen với việc thử thách giới hạn chịu đựng của bố mẹ và quyền lực của chúng đối với cha mẹ rồi.
 

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Phạm Văn Dự