Hăm tã tuy không là bệnh lý nghiêm trọng nhưng cảm giác đau rát da hăm tã gây ra làm bé khó chịu,bỏ ăn, khóc đêm. Từ đó có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của bé.
Làn da của bé yêu, đặc biệt là trong giai đoạn từ 0 đến 24 tháng tuổi, mỏng gấp 5 lần so với người lớn, các cơ chế bảo vệ của da bé cũng còn rất non yếu và khả năng chống lại vi khuẩn cũng như các chất độc hại trong môi trường vẫn còn rất kém. Vì vậy, khi bố mẹ quá tin tưởng vào sự tiện dụng của tã giấy, không thay tã thường xuyên cho bé nhất là loại tã không thấm hút tốt, các enzyme trong chất thải do bé thải ra sẽ có cơ hội tiếp xúc với da bé lâu hơn, gây tổn thương bề mặt da bé và dễ dàng dẫn đến hăm tã.
Ẩm ướt và cọ xát sẽ làm cho bé mau bị hăm tã.
Việc mẹ quấn tã thường xuyên sẽ làm da bé tại khu vực quấn tã liên tục cọ xát với tã. Nếu chất liệu tã thô ráp, ma sát diễn ra càng mạnh làm cho da bé nổi mẫn đỏ, trầy xướt và cuối cùng là gây chứng hăm tã cho da bé. Ngoài ra, một số cha mẹ khi nhìn thấy da bé nổi mẩn đỏ thì cho rằng bé bị rôm và càng thoa nhiều phấn rôm hơn. Phấn rôm vón cục ngăn cản sự thoáng khí và chất tạo hương trong phấn gây kích ứng làm tình trạng hăm càng nghiêm trọng hơn.
Đặc biệt vào những ngày lạnh, các bậc phụ huynh khi tắm bé xong thường vội vàng mặc tã hay quần áo cho bé thật nhanh vì sợ bé lạnh, điều này có thể dẫn đến việc bé chưa được lau khô hết nước trên người, cộng với lớp tã và quần áo nhiều hơn bình thường sẽ làm tăng nguy cơ hăm tã cho bé. Sự ẩm ướt gia tăng kết hợp với enzyme trong phân và nước tiểu, tạo thành môi trường vô cùng thù địch đối với làn da non nớt của bé yêu.
Mẹ trị hăm tã như thế nào?
Nguyên nhân thật sự gây hăm tã có thể bắt nguồn từ thói quen sử dụng tã chưa đúng cách của bố mẹ, nhưng nếu suy nghĩ sâu hơn, đó chính là vì làn da của bé yêu chưa được bảo vệ một cách triệt để bằng cách tạo ra một “màng ngăn cách” an toàn nào để chống lại sự tấn công của các chất thải. Bố mẹ nên chú ý:
Sử dụng tã giấy có lớp thấm hút tốt, mềm mại; chọn tã có kích cỡ phù hợp và nên mặc vừa vặn hoặc rộng hơn một chút để vùng quấn tã được thông thoáng.
Thay tã thường xuyên để da bé không phải tiếp xúc lâu với chất gây kích ứng có trong phân, nước tiểu.
Sau khi tắm hoặc cho mỗi lần thay tã, bố mẹ nhớ vệ sinh cho bé sạch sẽ, lau khô và thoa thuốc chống hăm cho toàn bộ khu vực quấn tã bao gồm mông, bộ phận sinh dục bé và đặc biệt là khu vực tiếp xúc với mép tã giấy.
Vậy là chỉ cần thêm vào một thao tác đơn giản: chăm sóc da kĩ càng và thoa thuốc chống hăm sau khi tắm rửa cho bé sạch sẽ, bạn đã giúp bé chặn đứng nguy cơ hăm tã với những cơn đau rát khó chịu trong mùa khô này rồi đấy.