Trịnh Xuân Thanh bị truy nã: Sai phạm lộ ra thế nào?

( PHUNUTODAY ) - Chính việc báo chí phản ánh ông Trịnh Xuân Thanh sử dụng xe tư lắp biển công, cơ quan điều tra phát hiện ra nhiều sai phạm nghiêm trọng hơn.

Đầu tháng 6/2016, báo chí đưa tin về việc ông Trịnh Xuân Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang sử dụng xe cá nhân Lexus gắn biển xanh. Từ đây, cái tên Trịnh Xuân Thanh trở thành tâm điểm của dư luận. Người ta ngỡ ngàng khi biết rằng, con người quan lộ đang lên như nhiều gặp gió ấy chính là người đã khiến cho PVC nợ nần, thua lỗ triền miên.

trinh-xuan-thanh-21-phunutoday.vn

 Các cơ quan tố tụng sẽ gặp khó khăn khi "nhân vật chính" đã bỏ trốn.

Lúc này, tiểu sử của ông Thanh được dư luận "soi" kỹ càng.

Người ta được biết, ông Trịnh Xuân Thanh tốt nghiệp Đại học Kiến trúc năm 1990, sau đó sang Đông Âu làm ăn.

Từ cuối năm 2007, ông Thanh lần lượt giữ các vị trí lãnh đạo tại PVC

Tháng 8/2013, Bộ Công thương điều động ông Trịnh Xuân Thanh về làm Phó Chánh văn phòng Bộ Công thương. Tháng 5/2015, ông Trịnh Xuân Thanh được thuyên chuyển làm Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011-2016.

Dưới thời điều hành của Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT, và Vũ Đức Thuận, nguyên Tổng giám đốc, cùng các thuộc cấp, Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) đã để thua lỗ gần 3.300 tỉ đồng.

Mặc dù điều hành, làm ăn thua lỗ như vậy nhưng điều thần kỳ là ông vẫn được bổ nhiệm là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.

Sự việc vỡ lở, ngày 15/9/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra Quyết định số 51/C46(P12) khởi tố vụ án hình sự: Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 Bộ luật hình sự xảy ra tại Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam; ngày 16/9/2016 ra Quyết định khởi tố bị can số 363/C46(P12) đối với Trịnh Xuân Thanh về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 Bộ luật hình sự; đồng thời ra Lệnh bắt tạm giam và Lệnh khám xét đối với Trịnh Xuân Thanh.

Ngày 16/9/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra Quyết định truy nã Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty PVC.

Trả lời báo chí ngày 17/9, Thiếu tướng Trần Thế Quân - Phó cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an) cho biết: Hiện nay Việt Nam và CHLB Đức chưa ký hiệp đinh tương trợ về tư pháp nên giả sử Trịnh Xuân Thanh trốn ở đây thì sẽ gặp những khó khăn nhất định.

trinh-xuan-thanh-22-phunutoday.vn

 Thiếu tướng Trần Thế Quân. Ảnh: Tiền Phong

Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc bế tắc trong việc bắt giữ và dẫn độ Trịnh Xuân Thanh.

Theo Thiếu tướng Quân, dù Việt Nam và một số nước chưa kí kết hiệp định Tương trợ tư pháp về hình sự riêng với nhau nhưng 2 quốc gia vẫn có thể áp dụng các điều ước quốc tế liên quan mà cả 2 quốc gia là thành viên.

Khi đó, vấn đề dẫn độ tội phạm có thể được thực hiện theo thoả thuận giữa 2 chính phủ, trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại nhưng không trái với pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế và tập quán quốc tế.

Trả lời câu hỏi, giả sử Trịnh Xuân Thanh trốn sang Canada hoặc một số quốc gia khác mà phía Việt Nam chưa kí kết hiệp định tương trợ về tư pháp và hình sự thì việc bắt giữ, dẫn độ sẽ như thế nào, Thiếu tướng Quân cho rằng: Việc bắt giữ sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều song không hẳn là bế tắc.

Trong trường hợp đó sẽ vận dụng quan hệ ngoại giao giữa hai nước, bàn bạc, thương lượng cụ thể. “Dĩ nhiên, sẽ khó khăn hơn rất nhiều vì trong thực tế, nhiều quốc gia cũng không dễ dàng dẫn độ được tội phạm từ Canada về nước”- Thiếu tướng Quân nói.

Theo luật sư Trương Anh Tú (đoàn Luật sư Hà Nội), nếu Trịnh Xuân Thanh trốn ra nước ngoài, Bộ Công an sẽ có những biện pháp nghiệp vụ cần thiết để đưa ông Thanh trở lại Việt Nam.

Đối với một số quốc gia và vùng lãnh thổ mà Việt Nam đã ký hiệp định Tương trợ tư pháp về dẫn độ tội phạm như: Hàn Quốc, LB Nga, Ba Lan, Lào…thì Việt Nam sẽ phối hợp để dẫn độ ông Thanh về nước.

Còn với các quốc gia khác như Hoa Kỳ, Canada, Úc, phần lớn các nước Mỹ La Tinh, châu Phi, Tây Á, chúng ta chưa ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp về dẫn độ tội phạm, việc chuyển giao ông Thanh về nước sẽ khó khăn hơn.

Tuy nhiên nếu xác định được hành vi phạm tội của ông Thanh thì nhiều khả năng hành vi đó thuộc về nhóm tội phạm về tham nhũng. Nếu thuộc loại này thì đây là loại tội phạm mà không được bất cứ quốc gia và vùng lãnh thổ nào dung thứ. Do đó chúng ta có quyền hy vọng sẽ nhận được sự phối hợp của các nước sở tại để chuyển giao ông Thanh về nước.

Theo:  khoevadep.com.vn copy link