12h10: Tòa tuyên bố dừng buổi làm việc. 14h chiều nay, HĐXX tiếp tục việc xét hỏi.
11h53: Chủ tọa phiên tòa hỏi thêm bị cáo Mai Văn Khang. Khang khẳng định có mặt thực tế kiểm tra tại ụ nổi và tại đó có gặp ông Goh. Tuy nhiên, chỉ 1 ngày sau ông này đã nhập cảnh vào Việt Nam.
Khang cũng cung cấp thông tin, Mai Văn Phúc trước khi có đoàn khảo sát đi đã đồng ý ký hợp đồng với một cơ quan giám định độc lập (Marilex) nhưng vẫn mời thêm đăng kiểm viên Lê Văn Dương đi cùng. Tuy nhiên, việc này không sai quy định.
11h46: Đại diện Cục Đăng kiểm khẳng định lại, tại Việt Nam có những ụ nổi đã 60-70 tuổi vẫn hoạt động bình thường và đủ điều kiện hoạt động thì cơ quan quản lý vẫn phân cấp. Ông này dẫn chứng, ụ nổi của nhà máy đóng tàu Ba Son hiện nay thậm chí còn gần 100 tuổi.
Chủ tọa phiên tòa đặt vấn đề: “Đăng kiểm viên Lê Văn Dương khi đi giám định kỹ thuật ụ nổi 83M theo yêu cầu của Vinalines đã ghi nội dung kiểm tra thực tế thiết bị này vào biên bản. Trường hợp kiểm tra ụ có 3 máy phát điện mà 2 máy không họat động được, một máy đang đưa lên bờ sửa chữa… mà vẫn kết luận nói các thiết bị vận hành bình thường thì có đúng trách nhiệm không?”.
Đại diện Cục Đăng kiểm lý giải kiểu “đi vòng”, nếu đưa về sửa chữa có thể vẫn hoạt động được. Gạt đi quan điểm này, chủ tọa phiên tòa cho rằng đại diện Cục Đăng kiểm không đi thẳng vào vấn đề được hỏi.
11h15: Luật sư Triển tiếp tục phần xét hỏi với bị cáo Trần Hữu Chiều. Luật sư đặt lại câu hỏi với bị cáo Chiều về việc ai chỉ đạo mua bằng được ụ nổi 83M? Bị cáo Chiều khẳng định không có bất cứ chỉ đạo nào về việc này.
11h05: Thẩm phán chủ tọa phiên tòa công bố 2 văn bản của Bộ GTVT với nội dung khẳng định ụ nổi không phải là tàu biển mà là một thiết bị sửa chữa tàu di động, nên không bị giới hạn bởi quy định tuổi nhập khẩu (không quá 15 tuổi).
Thẩm phán nhận định, kết luận giám định của liên Bộ cũng đã nêu rõ vấn đề này.
10h55: Chuyển sang nhóm bị cáo là cán bộ hải quan, luật sư Vũ Thị Kim Ngọc “gợi ý” bị cáo thân chủ Huỳnh Hữu Đức về nhận định của cơ quan giám định liên ngành là hải quan không sai để đề nghị bị cáo trình bày về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của bị cáo.
Được lời, bị cáo Huỳnh Hữu Đức than ngay về việc buộc trách nhiệm bồi thường đến 9 tỷ đồng tòa sơ thẩm đã tuyên đối với bị cáo và các đồng nghiệp.
10h45: Luật sư Phúc đề nghị được hỏi thêm đại diện Bộ GTVT, Bộ Tài Chính. Phó Chánh Thanh tra Bộ GTVT cho rằng không biết văn bản trả lời của Bộ gửi cho bị cáo Lê Văn Dương.
Còn đại diện Bộ Tài Chính nhắc lại nội dung đã khẳng định cuối giờ chiều qua, cơ quan giám định liên ngành (5 Bộ) đã thống nhất nhận định ụ nổi không phải là tàu biển. Theo đó, hải quan Vân Phong không có sai phạm gì trong việc giám định nên không thể quy trách nhiệm gì các cán bộ đơn vị này.
10h35: Luật sư Trần Thị Hồng Phúc đề cập đến văn bản trả lời của Bộ GTVT đối với đơn kêu oan của đăng kiểm viên Lê Văn Dương. Phân xử nội dung hỏi về việc ụ nổi có phải là tàu biển không, cơ quan chuyên môn này đã khẳng định ụ nổi không phải tàu biển. Theo Dương, đây là văn bản thứ 3 cùng về nội dung này Bộ GTVT đã đưa ra (văn bản được Bộ này gửi đến trại giam T16 Bộ Công an).
Theo Dương, hệ thống quy phạm tàu biển bao gồm cả container, chuông lặn ở biển, hệ thống điều khiển thiết bị tự động và từ xa… Nhưng rõ ràng, những thiết bị này không phải là tàu biển. Vậy thì sao lại quy kết ụ nổi cũng là tàu biển.
10h10: Bị cáo Lê Văn Dương (đăng kiểm viên tham gia chuyến khảo sát ụ nổi 83M tại Nga) được hỏi lại về việc lập báo cáo kết luận khảo sát.
Luật sư Đào Hữu Đăng đề cập đến mẫu hướng dẫn khảo sát B10, Dương thanh minh có những nội dung chưa thực hiện đúng hướng dẫn này vì thời gian tiếp cận ụ nổi có hạn, do phía đối tác bố trí nên đoàn khảo sát khá bị động. Ông Đăng “gợi ý”, như vậy, việc làm chưa chuẩn mẫu B10 này không phải do bị cáo cố ý.
Dương thanh minh thêm, báo cáo B10 này đã được bị cáo báo cáo Cục Đăng kiểm trước khi hoàn thành, gửi cho Vinalines. Vì vậy, theo Dương, nếu sai thì sai khâu đầu ở lãnh đạo cơ quan chủ quản.
Dương cũng thừa nhận, với thời gian làm việc chỉ nửa buổi, bị cáo chỉ thực hiện giám định theo xác suất, không xem xét được toàn diện ụ nổi.
Đối với thiệt hại gây ra trong vụ án, bị cáo cho rằng bản thân đã nêu trung thực về tình hình ụ nổi như việc máy phát điện không hoạt động, ụ nổi han gỉ nhiều, nhiều phần không còn giá trị sử dụng, đã bị dừng phân cấp. Như vậy, theo cảm quan, ụ nổi này không đủ điều kiện nhập khẩu.
Nhưng khi Vinalines quyết định mua ụ nổi thì nghĩa là không cần báo cáo giám định này. Vì vậy, thiệt hại xảy ra, Dương để nghị miễn cho bị cáo phần trách nhiệm bồi thường này. Nếu không được, Dương đặt vấn đề, xin tòa cân nhắc lại tỷ lệ vì giá mua ụ nổi ban đầu như Dương biết chỉ là 2,3 triệu USD. Còn các khoản khác phát sinh là từ tiền vận chuyển, lai dắt, neo đậu, sửa chữa. Bị cáo cho rằng bản thân không phải chịu trách nhiệm đối với nội dung này.
10h05: Luật sư Lê Minh Công đi sâu phân tích việc một cơ quan giám định độc lập đưa ra đánh giá về ụ nổi không khác so với kết luận của đoàn khảo sát do Vinalines cử đi Nga. Từ đó, ông Công cho rằng, việc quy kết hành vi của các bị cáo căn cứ trên kết luận này là không hợp lý.
10h00: Luật sư Thiệp quay lại vấn đề về việc tại sao ông Goh biết Công ty Phú Hà - công ty của em gái bị cáo Sơn và thực hiện chuyển tiền qua công ty này. Bị cáo Sơn trả lời: “Việc này đã có trong hồ sơ của cơ quan điều tra. Tôi xin phép không trả lời”.
Tiếp đó, luật sư Thiệp lại đặt câu hỏi về việc chỉ đạo chia tiền tham ô, bị cáo Sơn vẫn tiếp tục câu trả lời: “Cái này tôi đã khai rồi” hay “Tôi đã trả lời rồi”.
9h50: Luật sư Thiệp đề nghị bị cáo Sơn mô tả lại nhà bị cáo Phúc ở Hải Phòng – nơi mà Sơn khai một lần giao dịch để chuyển tiền. Bị cáo Sơn trả lời rằng: “Ở cơ quan điều tra và phiên tòa sơ thẩm tôi cũng trả lời rồi. Giờ tôi không thể nhớ hết. Nếu Tòa bố trí xe thì tôi có thể dẫn đến tận nơi”.
Trước câu trả lời của bị cáo Sơn, luật sư Thiệp phải thốt lên rằng: “Cái gì cũng không nhớ, cái gì cũng không biết thì nói cái gì bây giờ?”.
Luật sư Triển vặn hỏi bị cáo Sơn. |
9h40: Luật sư Nguyễn Huy Thiệp đặt câu hỏi với Trần Hải Sơn về số tiền 1,67 triệu USD. Luật sư Thiệp truy vấn, khi Sơn đưa tiền cho Dũng và Phúc, anh có nói đây là tiền gì không?
Câu hỏi này được Trần Hải Sơn trả lời rằng: “Sự thật là các anh ấy biết đó là tiền gì”.
Luật sư Thiệp tiếp tục đặt vấn đề về lời khai của Sơn tại cơ quan điều tra khi Sơn liên tục nhấn mạnh đây là tiền lại quả từ việc mua ụ nổi. Bị cáo Sơn lấp lửng: “Tôi xin không trả lời việc này”.
9h35: Luật sư Ngô Ngọc Thủy hỏi lại thân chủ Dương Chí Dũng. Dũng khẳng định lại chỉ gặp ông Goh tại hội thảo về ụ nổi tại TCty một lần, chỉ bắt tay, chào xã giao.
9h30: Trả lời câu hỏi về mối quan hệ giữa ông Goh – Giám đốc Công ty AP với Dương Chí Dũng của luật sư Ngô Ngọc Thủy, bị cáo Dương Chí Dũng cho biết, bị cáo chỉ gặp ông Goh duy nhất một lần trong hội thảo ở TP HCM. Trong khi thực hiện vụ giao dịch mua ụ nổi 83M, bị cáo Dũng khẳng định không gặp, không giao dịch với ông Goh cũng như ông chủ Công ty của Nga – chủ sở hữu ụ nổi 83M.
Dương Chí Dũng cùng các luật sư "tung hứng" tại tòa. |
9h15: Luật sư Thắng đặt câu hỏi với bà Trần Thị Hải Hà – Giám đốc Công ty Phú Hà – em gái của Trần Hải Sơn về số tiền 1,67 triệu USD.
Bà Hà cho biết: “Tôi hoàn toàn không biết gì cả, vì anh Sơn là anh trai tôi nhờ tôi làm thì tôi làm”.
Khi luật sư Thắng tiếp tục xoáy sâu về vấn đề kê khai thuế số tiền 1,67 triệu USD, bà Hà nói rằng: “Việc kê khai thuế là việc của công ty chúng tôi, chúng tôi không phải trả lời vấn đề đó”.
9h00: Đến lượt Luật sư Trần Đại Thắng đặt vấn đề với Trần Hải Sơn về việc chuyển nguồn tiền 1,67 triệu USD về Việt Nam.
8h47: Luật sư Triển đề cập bút lục ghi lời khai của Sơn về việc thỏa thuận với ông Goh Hoon Seow để chuyển khoản tiền 1,666 triệu USD về Việt Nam qua công ty Phú Hà. Thời điểm thỏa thuận diễn ra trước khi Vianlines ký hợp đồng mua ụ nổi. Khi đó, ông Goh gặp Sơn tại khách sạn Hoa Hồng, gần TCTy Hàng hải.
Chủ tọa phiên tòa “thổi còi” luật sư là việc đọc trích bút lục không đúng, trong 1 bút lục thì cũng câu trước nói, câu sau lại “ỉm” đi, nối giữa câu nọ với câu kia theo hướng có chủ đích.
8h35: Luật sư Trần Đình Triển vặn hỏi Trần Hải Sơn về thời điểm gọi điện liên lạc với Dương Chí Dũng để đến đưa 5 tỷ đồng tại khách sạn Victory. Sơn biện giải, chính xác ngày hôm đó có liên lạc với cựu Chủ tịch Vinalines nhưng không nhớ rõ là 16h chiều hay tối hẳn.
Luật sư chỉ ra mâu thuẫn trong lời khai của Sơn khi bị báo nói gặp Dũng, Dũng chỉ đạo “anh Phúc 10 tỷ, anh 10 tỷ, còn lại cho em chia anh em”, gặp Phúc tại phòng, Sơn lại kể Phúc ra lệnh “anh Dũng 10 tỷ, Phúc 10 tỷ, anh Chiều 500 triệu đồng, còn lại cho em chia anh em”. Sơn đáp, có thể có những bản khai không đọc lại hết, có thể ghi sai, có bản nhiều ngày sau mới ký.
8h30: Luật sư Phạm Huy Được tiếp tục đặt vấn đề về thẩm quyền trong việc mua bán ụ nổi 83M và việc chỉ đạo trong việc mua bán ụ nổi, Mai Văn Phúc cho biết: “Bị cáo không chỉ đạo gì cụ thể, tất cả anh Chiều tổng hợp cơ quan tham mưu báo cáo lên thế nào thì bị cáo thực hiện. Bị cáo rất tin anh Chiều, nên bị cáo để anh Chiều thực hiện dự án từ đầu đến cuối”.
Đối với lời khai của Trần Hải Sơn về việc giao tiền, bị cáo Phúc nói rằng: "Không có chuyện đó, tại cơ quan điều tra, Sơn thay đổi lời khai liên tục".
Luật sư Được nhắc lại việc Sơn khai 1 lần đưa tiền cho Phúc, Sơn rút tiền (2 tỷ đồng) tại Ngân hàng Hàng hải nhưng xác minh lại không có việc rút tiền này. Sơn chỉ đáp lại “giữ nguyên lời khai tại cơ quan điều tra”.
“Một vài lời khai có thể nhầm lẫn nhưng sự thật thì vẫn là sự thật” – Sơn nói cứng.
Bị cáo Trần Hải Sơn trả lời thẩm vấn. |
Luật sư vẫn truy chuyện tết năm 2008, Sơn có mang tiền đến cho Phúc tại quê An Dương, Hải Phòng. Ông Được muốn biết cụ thể ngày đưa tiền, Sơn nói không nhớ chính xác ngày tháng, chỉ nhớ khoảng thời gian.
8h18: Dẫn lại lời khai của Phúc về nhận định thủ tục thanh toán ụ nổi 83M hoàn toàn hợp pháp, bị cáo vẫn bày tỏ băn khoăn không hiểu vì sao cơ quan điều tra nói việc này thiếu chứng từ mà 2 lần hỏi ý kiến ngân hàng, đơn vị này vẫn khẳng định đã đủ, đúng nên ngân hàng mới giải ngân.
Luật sư Được trích bút lục hỏi cung Sơn nói khi đi khảo sát ụ nổi 220 về đoàn đã báo cáo Dũng, Phúc nhưng 2 “sếp” không nói gì. Đầu 2007 Dũng, Phúc tiếp tục chỉ đạo cán bộ đi khảo sát ụ nổi 83M với lời dặn làm sao mua được ụ này và mua thông qua công ty AP chứ không phải qua chủ ụ.
Về mối quan hệ của Sơn với Dũng, Phúc, luật sư Được đọc lại một lời khai: “Tôi phải làm việc với từng sếp Dũng, Phúc vì biết 2 người này không ưa nhau, mâu thuẫn lớn, thậm chí kéo bè kết phái ở Tổng công ty làm tổn hại đến công việc chung”. Sơn xác nhận lời khai này.
Luật sư vặn lại: “Với quan hệ như thế thì liệu 2 ông Dũng, Phúc có cùng bàn bạc, thảo luận để cùng thống nhất một kế hoạch tham nhũng, tiêu cực?”. Sơn trả lời, việc đánh giá là tùy từng người.
8h10: Mở đầu phiên xét xử, các luật sư bắt đầu xét hỏi bị cáo. Luật sư Phạm Huy Được đề nghị hỏi bị cáo Mai Văn Phúc-thân chủ của ông Được.
Luật sư đặt vấn đề về vai trò, vị trí, phương thức bàn giao trách nhiệm Tổng Giám đốc. Theo bị cáo Phúc thì việc bàn giao công việc khi nhận chức Tổng Giám đốc là "trọn gói", nhưng không có sự bàn giao về tiến độ nhà máy sửa chữa đóng tàu biển phía Nam.
8h00: HĐXX bắt đầu làm việc. Chủ tọa phiên tòa cho biết, buổi sáng hôm nay (23/4), HĐXX tiếp tục phần xét hỏi các bị cáo và những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Bị cáo Dương Chí Dũng đến rất sớm. |
7h55: Các bị cáo lần lượt được đưa vào phòng xét xử.
7h30: Trong phiên tòa sáng nay, các bị cáo đến tòa từ sớm. Bị cáo Dương Chí Dũng vẫn trong bộ trang phục áo trắng, quần đen đóng thùng. Trong phòng xét xử chỉ có duy nhất bị cáo Dương Chí Dũng. Các bị cáo khác được đưa sang phòng riêng.