Trong quy định hiện hành thì bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe là một trong các giấy tờ cần có khi lưu thông trên đường. Cụ thể Điều 12 Thông tư 32/2023/TT-BCA (được sửa đổi bởi Thông tư 28/2024/TT-BCA) quy định khi lưu thông trên đường thì người điều khiển xe máy phải mang theo các giấy tờ sau:
- Giấy phép lái xe
- Giấy đăng ký xe
- Bảo hiểm xe máy bắt buộc
- Giấy tờ tùy thân như CMND hoặc CCCD…
Từ 1/1/2025 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ số 36/2024/ QH15 có hiệu lực vẫn không bỏ quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm của chủ xe. Cụ thể khoản 1 Điều 56 của Luật này quy định:
1. Người lái xe tham gia giao thông đường bộ phải đủ tuổi, sức khỏe theo quy định của pháp luật; có giấy phép lái xe đang còn điểm, còn hiệu lực phù hợp với loại xe đang điều khiển do cơ quan có thẩm quyền cấp, trừ người lái xe gắn máy quy định tại khoản 4 Điều này. Khi tham gia giao thông đường bộ, người lái xe phải mang theo các giấy tờ sau đây:
a) Chứng nhận đăng ký xe hoặc bản sao Chứng nhận đăng ký xe có chứng thực kèm bản gốc giấy tờ xác nhận của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài còn hiệu lực trong trường hợp xe đang được thế chấp tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
b) Giấy phép lái xe phù hợp với loại xe đang điều khiển;
c) Chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới theo quy định của pháp luật;
d) Chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Trước quy định này và thực trạng bảo hiểm xe máy bán tràn lan, hồ sơ thủ tục bảo hiểm xe máy phức tạp, cử tri TPHCM đã kiến nghị lên Bộ tài chính là không nên bắt buộc bảo hiểm xe máy mà chỉ nên khuyến khích người dân mua bảo hiểm tự nguyện.
Do đó thông tin từ 2025 người đi xe máy không phải mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự là không đúng. Đó chỉ là đề xuất của cử tri, còn hiện luật hiện hành và luật mới vẫn quy định đó là giấy tờ bắt buộc.
Dùng bản mềm được không?
Hiện nay giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe đã có thể tích hợp vào ứng dụng VNeID đồng thời thông tin về CCCD gắn chíp hoặc thẻ căn cước cũng đã có trên ứng dụng VNeID. Tuy nhiên bảo hiểm xe máy lại chưa tích hợp được vào VNeID.
Tuy nhiên một số doanh nghiệp có phát hành bảo hiểm xe máy điện tử.
Khoản 3 Điều 10 Nghị định 67/2023/NĐ-CP quy định như sau:
Điều 10. Giấy chứng nhận bảo hiểm
Trường hợp cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử, doanh nghiệp bảo hiểm phải tuân thủ các quy định của Luật Giao dịch điện tử và các văn bản hướng dẫn thi hành. Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử phải tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành và phản ánh đầy đủ các nội dung quy định tại khoản 2 Điều này.
Như vậy, người dân được phép xuất trình bảo hiểm xe máy bản điện tử trên điện thoại. Do đó, nếu không muốn mang bảo hiểm xe xe máy bản giấy thì người dân có thể mua bảo hiểm xe bắt buộc bản điện tử trên các ứng dụng ngân hàng, các ví điện tử và xuất trình bản điện tử trên điện thoại khi CSGT kiểm tra. Điều này khác với việc bạn mua bảo hiểm bản cứng, rồi chụp ảnh lưu triên điện thoại.
Không có bảo hiểm bắt buộc sẽ bị phạt ra sao?
Căn cứ theo điểm a khoản 2 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới như sau:
"2. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực"
Như vậy mức xử phạt sẽ ở khủng 100-200.000 đồng và không có hình phạt bổ sung.