Theo Thông tư 06/2021 do Bộ Lao động - Thương binh và xã hội ban hành hướng dẫn Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) có hiệu lực từ ngày 1/9, trong đó có nhiều quy định mới liên quan trực tiếp đến quyền lợi đối với người tham gia BHXH bắt buộc.
Cụ thể, thông tư 06 bổ sung trường hợp vợ tham gia BHXH nhưng không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản thì chồng vẫn được hưởng trợ cấp một lần khi vợ sinh con (trước đây chỉ quy định vợ không tham gia BHXH thì chồng mới được nhận khoản tiền này).
Bổ sung trường hợp người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã mà đồng thời là người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên sẽ phải tham gia BHXH bắt buộc theo nhóm đối tượng người lao động làm việc theo hợp đồng.
Trường hợp lao động nữ mang thai đôi trở lên mà khi sinh nếu có con bị chết hoặc chết lưu thì thời gian hưởng, trợ cấp thai sản khi sinh con và trợ cấp một lần khi sinh con được tính theo số con được sinh ra, bao gồm cả con bị chết hoặc chết lưu.
Như vậy, chế độ thai sản được hưởng tính theo số lượng con đã sinh, không kể còn sống hay đã mất (trước đây chỉ giải quyết chế độ thai sản cho con còn sống).
Ngoài ra, thông tư 06 còn quy định về tiền lương tính hưởng chế độ ốm đau, nghỉ phép năm trùng thời gian nghỉ thai sản, điều kiện hưởng chế độ dưỡng sức sau sinh, quy định liên quan đến trợ cấp tuất...
Báo Người Lao Động đăng tải, theo khoản 7 Điều 1 Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH đã bổ sung thêm khoản 4 và khoản 5 vào Điều 10 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH như sau:
"Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào quỹ ốm đau và thai sản khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định tại khoản 2 Điều 34 của Luật Bảo hiểm xã hội, trường hợp nghỉ nhiều lần thì thời gian bắt đầu nghỉ việc của lần cuối cùng vẫn phải trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con và tổng thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản không quá thời gian quy định.".
Như vậy, theo Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 1/9 thì lao động nam có thể nghỉ nhiều lần trong khoảng thời gian này.