Liên quan đến vụ nữ sinh lớp 11 rơi từ tầng 25 nghi tự tử, ông Nguyễn Văn Hòa - Trưởng Công an xã Tân Lập thông tin trên tờ Kiến thức, vào khoảng hơn 20h tối ngày 1/10, tại tòa nhà CT2B, chung cư Tân Tây Đô, xã Tân Lập, (huyện Đan Phượng, Hà Nội) đã xảy ra vụ nữ sinh 16 tuổi rơi từ tầng 25 xuống đất tử vong tại chỗ. Nữ sinh tên là Mai Thùy T. (SN 2001), đang học lớp 11 ở một trường Chuyên của Hà Nội, là một học sinh giỏi. Tuy nhiên, một số người thông tin, T. đang có dấu hiệu mắc bệnh trầm cảm.
Nguyên nhân khiến trẻ bị trầm cảm và những biểu hiện của bệnh
Trẻ bị trầm cảm thường có ba mức độ: trầm cảm nhẹ, trầm cảm vừa và trầm cảm nặng. Trẻ mắc bệnh trầm cảm có những đặc điểm như: Bi quan về tương lai, giảm tự tin, tự trọng; Buồn chán, phiền muộn, ý tưởng không xứng đáng, giảm tập trung chú ý; Trẻ thường lo âu, tự khiển trách, tự buộc tội, hay mệt mỏi sau một gắng sức nhẹ về chân tay, trí óc… Một số triệu chứng khác về cơ thể là: trẻ ăn không ngon miệng, đau đầu, đau ngực, thức giấc sớm, dễ kích thích, cáu gắt, rối loạn kinh nguyệt, có ý tưởng hủy hoại bản thân, giảm hoặc mất quan tâm, thích thú về mọi mặt.
Trẻ bị trầm cảm trước hết do những nguyên nhân hằng ngày như: sức ép học hành, thi cử, thậm chí bị ép ăn uống, hoặc bị cô giáo, cha mẹ mắng mỏ, bắt học hành quá sức... Thêm vào đó là những stress từ gia đình như bố mẹ ly hôn, hoặc có cha mẹ cãi nhau, đánh nhau làm trẻ phải chứng kiến bạo lực gia đình, trẻ bị cha mẹ mắng mỏ, sỉ nhục, xao nhãng, bỏ bê cho người giúp việc, đưa trẻ vào trường nội trú làm trẻ thiếu vắng tình cảm, hay trẻ bị lạm dụng tình dục... cũng khiến trẻ bị sang chấn tâm lý.
Một số nguyên nhân khác cũng dẫn trẻ tới trạng thái trầm cảm như trẻ bị đau ốm, gia đình nghèo, kinh tế kiệt quệ vì mất mùa, tai nạn... Hoặc các vấn đề xảy ra với trẻ tại trường (nhất là ở trường nội trú) như: trẻ bị mất tiền, quần áo, chia ly với bè bạn, cãi cọ mâu thuẫn với nhau hoặc với thầy cô, đặc biệt vấn đề học tập sút kém với các em lớp 12 (là lớp cuối cấp, chuẩn bị thi vào đại học) dẫn đến lo lắng thất vọng về tương lai… Thậm chí, đối với một số trẻ có môi trường sống tự lập xa gia đình ở lứa tuổi vị thành niên, trẻ thiếu đi chỗ dựa tình cảm cũng là một yếu tố góp phần cho những rối loạn tâm lý của trẻ trầm trọng hơn.
Cha mẹ cần phải làm gì?
Theo các chuyên gia tâm lý, nếu gia đình có con bị trầm cảm, điều đầu tiên là cha mẹ và người lớn phải biết lắng nghe, thấu hiểu về tâm lý của trẻ để kịp thời chia sẻ, giúp con giảm được sự buồn rầu, lo lắng, hẫng hụt (nhất là đối với những trẻ gia đình có biến cố như cha mẹ ly hôn, bị mất… phải sống ở môi trường mới với họ hàng hoặc vào trung tâm bảo trợ xã hội).
Cha mẹ cũng cần tăng cường cho con tham gia các chương trình văn hóa, văn nghệ, thể thao… giúp con không chìm đắm trong ưu tư, sầu não, giảm bớt buồn chán, lo âu…
Trầm cảm là một căn bệnh khá nguy hiểm ở trẻ em. Nếu không được chữa trị kịp thời, dễ dẫn tới những hệ lụy khác như: trẻ tự tử, gây gổ đánh nhau, vi phạm pháp luật… Do đó, các bậc phụ huynh hãy quan tâm chăm sóc tới trẻ nhiều hơn, hãy tôn trọng và lắng nghe trẻ em nói. Nên chú ý theo dõi diễn biến tâm tư tình cảm của con mình, nhất là khi trẻ bước vào độ tuổi dậy thì. Cố gắng kiềm chế những hành động làm cho trẻ bị thương tổn: Không đe dọa, sỉ nhục hoặc đánh đập con… Hãy hướng dẫn, chỉ bảo con cách sửa chữa khuyết điểm và cách phòng ngừa trong những tình huống nguy hiểm có thể bị xâm hại.
Trong trường hợp trẻ trầm cảm với những biểu hiện bất thường (như đã nói ở trên) diễn ra một thời gian dài và kết quả học tập ở trường của trẻ không được như mong đợi..., cha mẹ nên nghĩ đến sức khỏe tâm trí của trẻ có vấn đề hoặc là trầm cảm, hoặc ở trạng thái rối nhiễu tâm trí, cần phải đưa trẻ tới các chuyên gia tâm lý hoặc bác sĩ chuyên khoa tâm thần để thăm khám và tư vấn để thực hiện phát hiện và có những can thiệp kịp thời, đúng cách.