Ảnh hưởng của các thiết bị điện tử đối với trẻ
Thiết bị điện tử đem lại cho chúng ta rất nhiều tiện lợi trong cuộc sống như giải trí, hoc tập, tìm hiểu mọi thứ về thế giới. Nhưng chúng cũng đem lại những ảnh hưởng, tác hại xấu đi kèm, đặc biệt là với hệ thống não bộ của trẻ. Đã có rất nhiều những công trình nghiên cứu chỉ ra rằng, những đứa trẻ khi mà thường xuyên sử dụng thiết bị điện tử trong thời gian không được kiểm soát thì sẽ bị rối loạn phát triển về nhận thức, tư duy, ngôn ngữ và thậm chí là ứng xử.
Nghĩa là, khi các bé "dán chặt" vào màn hình điện tử hay các thiết bị điện tử như vậy sẽ khiến trẻ có những biểu hiện như nói không rõ, chậm nói, thường xuyên cáy gắt và gây hấn ngay cả với cha mẹ của mình, gặp bạn bè thì hung hăng... Đối với những đứa trẻ lớn hơn thì thường bị rối loạn giấc ngủ, mất ngủ, khi tách khỏi ra các thiết bị điện tử trở thành một con người hoàn toàn khác hung hăng và cáu gắt.
Việc sử dụng thường xuyên, lâu dài các thiết bị điện tử để tham gia trò chơi sẽ làm tổn thương gân cơ ngón tay, đặc biệt là ngón cái. Cùng với đó, những đưa trẻ như vậy thường xuất hiện các dấu hiệu phát triển bất thường của hệ thống xương cơ do ngồi quá lâu khiến trẻ bị gù lưng hay vẹo cột sống.
Thêm vào đó, ta có thể nhận thấy rõ ràng việc ảnh hưởng đến mắt của trẻ khi tiếp xúc với các màn hình điện tử quá lâu, quá gần khiến thị lực bị yếu và mắc các tật về khúc xạ, thường gặp nhất là cận thị. Việc chú tâm vào các thiết bị điện tử, trẻ thường không hay để ý đến các sự việc bên ngoài, nhiều đứa trẻ vừa được cho ăn vừa ngồi xem điện thoại, không chịu vận động rất dễ dẫn đến nguy cơ béo phì.
Vậy cha mẹ cần làm gì để giúp trẻ "cai nghiện" các thiết bị điện tử?
1. Làm gương cho trẻ
Ngoài những nguyên nhân khiến con "nghiện" sử dụng các thiết bị điện tử như sở thích, sự tò mò,... thì một nguyên nhân rất quan trọng và không thể phủ nhận đó là từ chính các bậc phụ huynh. Vì bận rộn với công việc, vì lo nghĩ con ra ngoài sẽ không an toàn, vì muốn con nhanh chóng ngoan ngoãn và không còn nghịch ngợm, nên rất nhiều cha mẹ tạo điều kiện cho con sử dụng các thiết bị điện tử bất cứ lúc nào, trong một thời gian khá lâu.
Điều này đã tạo cho con thói quen sử dụng các thiết bị điện tử một cách bừa bãi và dẫn đến "nghiện". Chính vì vậy để giúp con hạn chế việc sử dụng các thiết bị điện tử thì cha mẹ phải là người noi gương đầu tiên. Bạn nên dành thời gian cho con nhiều hơn như cùng đọc sách, chạy bộ, chơi công viên chẳng hạn.
Tuy nhiên, tuyệt đối cha mẹ không nên thu hồi các thiết bị điện tử của con một cách đột ngột, buông những lời la mắng, mang tính đe dọa đối với trẻ. Điều này sẽ khiến trẻ bị ức chế vì quá sốc, không kịp thích ứng dẫn đến các hành động mất kiểm soát.
Có rất nhiều những trường hợp con bị "nghiện" các thiết bị điện tử và ngay lập tức cha mẹ ngăn cấm con sử dụng, bằng cách tắt hết các kết nối mạng, đã khiến cho đứa trẻ mất kiểm soát, đập đồ đạc xung quanh phòng và thậm chí là buông những lời không nên nói đối với chính cha mẹ của mình. Tình trạng này là vô cùng nguy hiểm. Vì vậy, cha mẹ chỉ nên nhẹ nhàng bắt chuyện, giảm đi sự chú ý của trẻ với điện thoại hay tivi như dẫn con đi đâu đó chẳng hạn, hãy dần dần giảm lượng thời gian con tiếp cận với các thiết bị điện tử xuống, giúp con quen dần với việc thiếu vắng những đồ vật ấy.
2. Giúp con hiểu về tác hại của các thiết bị điện tử
Trẻ con giống như một tờ giấy trắng vậy, chúng luôn tìm tòi, tìm hiểu về những thứ xung quanh để lấp đầy tờ giấy đó. Chính vì vậy, ngay từ khi còn nhỏ, cha mẹ cần có những biện pháp giáo giục con về tác hại của các thiết bị điện tử khi sử dụng quá nhiều như các ảnh hưởng về mắt, não bộ,... có thể lúc này trẻ không hiểu nhưng dần dần việc đó lại sẽ trở thành một thói quen giúp con hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử.
Bạn không cần phải giống như một người giáo viên giảng bài cho trẻ, điều này sẽ càng gây sự tò mò cho con, mà hãy đồng hành cùng con tìm hiểu những tác hại đó như cùng nhau xem một vài video về tác hại của thiết bị điện tử, lắng nghe những thắc mắc và chia sẻ với con về những vấn đề này.
3. Quy định thời gian trẻ được sử dụng các thiết bị màn hình điện tử.
Không bao giờ bạn có thể sửa một thói quen nào đó đã hình thành của trẻ ngay lập tức cả. Vì vậy, giống như đã nói bên trên hãy giảm dần thời gian con tiếp súc với các thiết bị điện tử. Phụ huynh có thể thiết lập thời gian, giao quy ước thời lượng tối đa trẻ được xem điện thoại, tivi hay máy tính trong một ngày.
Sau đó, giảm dần trong những ngày tiếp theo. Và đặc biệt lưu ý rằng bạn cần giải thích cho trẻ hiểu tại sao phải làm việc này. Nếu không sẽ dẫn đến sự khó chịu, không thể hiểu những hành động của cha mẹ là gì. Điều này không chỉ giúp con hạn chế được việc sử dụng các thiết bị điện tử mà còn giúp con hình thành nên thói quen sắp xếp thời gian hiệu quả cho cuộc sống sau này. Nên nhớ tuyệt đối không nên dừn lại phương pháp này nếu không muốn các thói quen của trẻ lặp lại lần nữa.
4. Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động thú vị bên ngoài
Khi trẻ nghiện các thiết bị điện tử thì thời gian sử dụng chúng luôn được trẻ cho rằng là thời gian thú vị nhất, xem tivi, chơi game mới đem lại sự thích thú và hấp dẫn nhất. Vì vậy hãy để trẻ biết được việc ra ngoài tham gia các hoạt động còn thú vị hơn gấp nhiều lần.
Không chỉ vậy, thế giới bên ngoài còn có rất nhiều những thứ bổ ích, kích thích sự tò mỏ của trẻ. Bạn có thể cho con tham gia một môn thể thao nào đó hoặc tham gia vào các hoạt động bổ ích của nhà trường hoặc nơi xung quanh mình sống. Thay vì tạo điều kiện cho con sử dụng điện thoại hãy tạo điều kiện cho con tham gia các hoạt động lành mạnh bên ngoài nhiều hơn.
Một điều mà cha mẹ cần phải biết rằng, không phải lúc nào trẻ sử dụng các thiết bị điện tử cũng là do chúng muốn chơi hay xem một thứ gì đó mà có thể đơn giản là chỉ muốn giết thời gian mà thôi. Vì vậy đừng nên quá khắc nghiệt với việc trẻ sử dụng các thiết bị điện tử và hãy nhẹ nhàng giúp trẻ hạn chế hơn và tránh việc bị "nghiện" các thiết bị điện tử mà ảnh hưởng đến sức khỏe.